Theo người dân địa phương, hiện tượng lũ trên sông Buông từng xảy ra nhiều lần nhưng chưa năm nào nước ngập sâu như năm nay. Ông Nguyễn Đình Cường (ngụ tổ 6A, khu phố Miễu) nhận định đây là trận lũ lớn nhất trong 16 năm qua, kể từ năm 2008.
Theo báo cáo của UBND phường Phước Tân (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), có hơn 300 hộ dân ở khu phố Miễu, Tân Lập và Tân Cang ngập nước. Trong đó, khoảng 100 hộ dân bị cô lập không thể tiếp cận được do mực nước dâng quá cao và chảy xiết. Nhiều nơi ngập sâu từ 1,2-1,7 m nước.
Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Phước Huy, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Đồng Nai, nhận định nguyên nhân gây ngập lụt ở Phước Tân là do lượng mưa lớn trên lưu vực sông Buông gây nên.
Cụ thể, đêm 27 và rạng sáng 28-10, các địa phương dọc sông Buông và lân cận có mưa to đến rất to. Đặc biệt, ở thượng nguồn sông Buông ghi nhận lượng mưa rất lớn như trạm Hàng Gòn (TP Long Khánh) đạt 148mm, Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ) đạt 66mm, Lộ 25 (Thống Nhất) đạt 111mm…
Đồng thời, ông Huy cho rằng, nguyên nhân khác là địa hình tại phường Phước Tân. Cùng với việc đô thị hoá, sông suối bị lấn chiếm, hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện hoặc đang trong quá trình thi công, sửa chữa cũng có thể khiến nước không thoát được, gây ngập.
Lãnh đạo Đài Khí tượng Thủy văn Đồng Nai phân tích, một số khu vực tại khu phố Miễu hình như năm nào cũng bị ngập khi nước sông Buông dâng cao. Trong khi các khu phố khác dù nằm cạnh sông Buông nhưng lại rất ít hoặc không bị ngập. Điều đó cho thấy khu vực khu phố Miễu trũng thấp hơn các khu vực xung quanh.
Trong khi đó, phía UBND TP Biên Hòa lý giải nguyên nhân do lũ trên sông Buông lên cao gặp triều cường gây ra ngập úng cục bộ.
Người dân cho rằng khu vực cầu Bà Bướm bị lấn chiếm khiến nước thoát chậm gây ngập, UBND TP Biên Hòa cho hay cầu Bà Bướm (thuộc Quốc lộ 51) chủ yếu phục vụ việc tiêu thoát nước sinh hoạt của người dân và phục vụ lưu thông trên Quốc lộ 51. Thành phố khẳng định khu vực cầu Bà Bướm không có người dân lấn chiếm, hiện nay nước vẫn lưu thông bình thường.
Vì sao nước ngập sâu, TP Biên Hòa cho rằng lũ trên sông Buông hàng năm đều bị ảnh hưởng của lũ từ thượng nguồn đổ về. Có nhiều năm nước lũ tràn qua cả Quốc lộ 51. Sau khi quốc lộ này được nâng cấp thì nước lũ không còn tràn qua nữa. Vì vậy, nước thoát chậm khi lũ về.
Theo lãnh đạo Chi cục trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi Đồng Nai, lũ sông Buông năm nào cũng có, nguyên nhân chủ yếu do biến đổi khí hậu. Trước đây, mưa kéo dài hơn nên lũ lên chậm, còn nay mưa lớn tập trung nhanh trong thời gian ngắn khiến lũ dâng nhanh. Bên cạnh đó, một số sông suối bị bồi lắng, rác thải của người dân bịt kín mương thoát nước, cành cây cản trở dòng chảy sông suối, không thoát kịp… thêm nữa, lấn chiếm cũng là một nguyên nhân.
Lãnh đạo Chi cục trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi Đồng Nai cho rằng cần tuyên truyền vận động người dân không xả rác thải xuống mương cống. Đồng thời thường xuyên nạo vét, quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ sông suối, rà soát mở rộng các mương cống không đảm bảo yêu cầu thoát lũ.