Vì sao lương hưu cao hơn mức thu nhập bình quân của người dân?

Mức lương hưu bình quân năm 2024 gần 7 triệu đồng/tháng, trong khi thu nhập bình quân đầu người khoảng 5,4 triệu đồng/tháng

Theo BHXH Việt Nam, hiện cả nước có gần 3,4 triệu người hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp BHXH hằng tháng. Đến tháng 12-2024, mức lương hưu bình quân đạt gần 7 triệu đồng mỗi tháng, bao gồm cả lực lượng vũ trang. Nếu tính riêng khu vực dân sự, lương hưu của người dân sẽ thấp hơn.

Bình quân lương hưu năm 2024 tăng, BHXH Việt Nam cho rằng chủ yếu do điều chỉnh phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế và điều kiện của ngân sách nhà nước cũng như quỹ BHXH.

Từ năm 1995 đến hết năm 2023, lương hưu đã được điều chỉnh 23 lần. Theo đó, lương hưu tăng từ 21 - 26 lần so với lương hưu tại thời điểm năm 1995. Trong 10 năm (2013-2023), Chính phủ đã 7 lần điều chỉnh lương hưu với mức tăng bình quân là hơn 8,43%. Tỉ lệ điều chỉnh mỗi lần đều cao hơn mức tăng chỉ số giá tiêu dùng trong cùng giai đoạn.

Vì sao lương hưu cao hơn mức thu nhập bình quân của người dân?- Ảnh 1.

Mức lương hưu bình quân năm 2024 của người hưởng hưu đạt gần 7 triệu đồng/tháng

Gần nhất, vào tháng 7-2024, Chính phủ đã điều chỉnh lương hưu tăng thêm 15% so với mức hưởng của tháng 6-2024. Mức tăng thêm này cao gấp 2 lần mức điều chỉnh bình quân của giai đoạn 2013-2023.

Trong khi đó, theo kết quả khảo sát sơ bộ mức sống dân cư năm 2024 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt khoảng 5,4 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, mức lương hưu bình quân năm 2024 cao hơn thu nhập bình quân đầu người.

Lương hưu thực hiện theo nguyên tắc đóng - hưởng trên nền tiền lương bình quân đóng BHXH và số năm tham gia nên có người hưởng lương hưu hàng trăm triệu đồng, cũng có người nhận mức thấp, nhất là nhóm nghỉ hưu trước năm 1995. Mặc dù đã được điều chỉnh tăng nhiều lần nhưng nhóm này vẫn có những trường hợp đang hưởng mức lương hưu khoảng 3,5 triệu đồng/tháng.

Vì sao lương hưu cao hơn mức thu nhập bình quân của người dân?- Ảnh 2.

Còn nhiều người cao tuổi chưa được hưởng các chính sách hưu trí, trợ cấp BHXH, cuộc sống khó khăn

Vậy nên, khi tính bình quân, bao gồm những người có mức lương hưu cao và thấp; gồm những nhóm đối tượng khác nhau (lực lượng vũ trang, người lao động khu vực trong và ngoài nhà nước, nhóm nghỉ hưu trước 1995...) sẽ có mức bình quân lương hưu nêu trên.

Thực tế, theo BHXH Việt Nam, nếu so với mức thu nhập bình quân ở khu vực làm công hưởng lương, lương hưu bình quân của người lao động chỉ bằng khoảng 70% thu nhập đầu người.

Tại Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Luật Công đoàn 2024, Luật BHXH 2024 do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức mới đây, ông Phạm Trường Giang - Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH), cho hay trước đây bình quân số người nghỉ hưu mỗi năm là khoảng 99.000 người. Khi tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh tại Bộ Luật Lao động 2019, số người nghỉ hưu giảm xuống còn khoảng 77.000 người/năm.

Hiện còn khoảng 8 triệu người cao tuổi chưa được hưởng các chính sách hưu trí, trợ cấp hằng tháng, kéo theo cuộc sống khó khăn. Trong khi đó, Việt Nam là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Trong năm 2025, cứ 6 lao động (từ 15-59 tuổi) thì chỉ có 1 người không trong tuổi lao động. Nhưng đến năm 2055, hai người lao động phải hỗ trợ 1 người ngoài tuổi lao động. Nếu vẫn duy trì tốc độ, mức hưởng, không có cải cách, đến năm 2055, thế hệ sau sẽ phải đóng vào quỹ BHXH với mức gấp 3 lần hiện nay.