Vì sao Singapore, Thái Lan vượt xa Việt Nam về thử nghiệm lâm sàng?

() - Thống kê cho thấy, số thử nghiệm lâm sàng đang hoạt động và mới bắt đầu tiến hành ở Việt Nam thua xa Singapore, Thái Lan và Malaysia.

Thực trạng "tay ngang" làm nghiên cứu lâm sàng

Tại buổi công bố báo cáo "Lộ trình tương lai của thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam", do Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) phối hợp với các bên thực hiện, diễn ra ngày 20/5, các chuyên gia cho biết, Việt Nam có dân số lớn và hệ thống y tế phát triển, đa dạng nhóm bệnh nhân.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Tấn Thuận, Trưởng đơn vị Thử nghiệm lâm sàng, Bệnh viện Ung bướu TPHCM chia sẻ, ung thư hiện nay là gánh nặng toàn cầu, với số ca mắc và tử vong ngày càng gia tăng.

Vì sao Singapore, Thái Lan vượt xa Việt Nam về thử nghiệm lâm sàng? - 1

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Tấn Thuận, Trưởng đơn vị Thử nghiệm lâm sàng, Bệnh viện Ung bướu TPHCM (Ảnh: BTC).

Trong vòng 20 năm qua, việc chẩn đoán và điều trị ung thư đã phát triển vượt bậc. Những thuốc thế hệ mới, thuốc nhắm trúng đích và gần đây là liệu pháp miễn dịch đã xuất hiện một cách bùng nổ.

Bệnh viện Ung bướu TPHCM thời gian qua cũng liên tục có những thử nghiệm lâm sàng về các phương pháp điều trị, đưa vào sử dụng những thuốc tiên tiến.

Bác sĩ Thuận nhận định, Việt Nam thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp và còn nhiều rào cản cho việc phát triển lĩnh vực thử nghiệm lâm sàng. Dù nhiều đơn vị tư nhân đang có những con đường riêng để phát triển nghiên cứu lâm sàng, nhưng nhóm bệnh nhân chính ở Việt Nam nằm ở các bệnh viện công.

Về nhân lực, thực tế ở Việt Nam chủ yếu là bác sĩ tay ngang chuyển sang làm nghiên cứu lâm sàng, rất ít người được đào tạo bài bản chuẩn quốc tế. Điều này phần nào làm hạn chế về mặt kiến thức khi thực hiện nghiên cứu.

Để khắc phục tình trạng trên, Bệnh viện Ung bướu đã cử hàng chục nghiên cứu viên đi đào tạo chuyên sâu tại các trung tâm đạt chuẩn.

Vì sao Singapore, Thái Lan vượt xa Việt Nam về thử nghiệm lâm sàng? - 2

Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Ung bướu TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Ngoài ra, đơn vị còn cố gắng phối hợp để xây dựng các hệ thống liên kết thử nghiệm lâm sàng ở các cơ sở y tế khác. Bệnh viện Ung bướu TPHCM hướng đến sớm trở thành một trung tâm nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng mới, khi đã có 36-37 thử nghiệm đang cùng thực hiện.

"Phần lớn bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi nhận được điều trị tiêu chuẩn, thậm chí chưa có mặt ở Việt Nam. Điều này sẽ giúp kết quả nghiên cứu thúc đẩy Bộ Y tế rút ngắn thời gian phê duyệt thuốc và các phương án điều trị mới", bác sĩ Thuận chia sẻ.

Trưởng đơn vị Thử nghiệm lâm sàng của Bệnh viện Ung bướu TPHCM mong muốn nguồn lực quốc gia và xã hội cần tập trung đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực nghiên cứu lâm sàng.

6 giải pháp để phát triển thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam

Ông Luke Treloar, Trưởng khối cơ sở hạ tầng, Chính phủ và Y tế, KPMG Việt Nam, cho biết nhìn vào thực tế, một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia đã phát triển về nghiên cứu lâm sàng hơn Việt Nam rất xa.

Theo đó, tính đến năm 2023, số thử nghiệm lâm sàng đang hoạt động ở Singapore là 535, ở Thái Lan là 496, Malaysia là 380, còn ở Việt Nam là 141. Số thử nghiệm lâm sàng mới bắt đầu năm 2023 của các nước trên là 86-108, trong khi nước ta là 32.

Chuyên gia nhận định, có nhiều nguyên nhân khiến chúng ta đi chậm hơn các nước láng giềng. Đầu tiên là quy trình phê duyệt quá dài. Kế đến là chính sách hỗ trợ, ưu đãi còn hạn chế. Thứ ba là khiếm khuyết về nguồn nhân lực.

Một vấn đề khác là gánh nặng tài chính, phụ thuộc vào quy trình của bệnh viện và các bên liên quan khi xây dựng mô hình huy động vốn. Công nghệ lạc hậu và cơ sở vật chất không đáp ứng tiêu chuẩn cũng là những rào cản lớn cho sự phát triển của lĩnh vực thử nghiệm lâm sàng.

Vì sao Singapore, Thái Lan vượt xa Việt Nam về thử nghiệm lâm sàng? - 3

Cần nhiều giải pháp để phát triển lĩnh vực thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam. (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Ông Luke Treloar đề ra 6 giải pháp để phát triển lĩnh vực thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam.

Thứ nhất, thành lập cơ quan chính phủ chuyên trách cho thử nghiệm lâm sàng. Thứ hai, tích hợp tiêu chuẩn thử nghiệm lâm sàng quốc tế. Thứ ba, phát triển về chính sách hoàn trả. Thứ tư, thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo chuyên sâu.

Thứ năm, thành lập mạng lưới thử nghiệm lâm sàng. Thứ sáu, thúc đẩy hợp tác toàn cầu để phát triển nguồn nhân lực.

Giáo sư Guy Thwaites, Giám đốc OUCRU nhận định, thông qua việc đơn giản hóa các quy trình quản lý, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và thúc đẩy các quan hệ đối tác giữa khu vực công và tư nhân, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu về hiệu quả thử nghiệm và độ tin cậy của dữ liệu.

Sự điều chỉnh chiến lược này không chỉ thúc đẩy đổi mới trong nghiên cứu điều trị mà còn định vị Việt Nam trở thành trung tâm khu vực cho các phương pháp điều trị tiên tiến cứu người.