Ngày 20/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp người đồng cấp - Thủ tướng Canada Justin Trudeau, nhân dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, tại Hiroshima, Nhật Bản.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại số một của Canada trong khối ASEAN từ năm 2015 và Canada nằm trong 10 đối tác nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Năm ngoái, kim ngạch thương mại Việt Nam - Canada đạt 7 tỷ USD, trong đó Việt Nam chi hơn 410 triệu USD nhập các sản phẩm nông sản, thực phẩm và thủy sản từ Canada.
2023 - là năm hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nhà lãnh đạo nhất trí hợp tác nhiều mặt, như về thương mại, đầu tư để sớm đưa kim ngạch xuất nhập khẩu lên 10 tỷ USD và thúc đẩy giao lưu nhân dân.
Thủ tướng đề nghị Canada hợp tác trong các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo. Ông cũng mong muốn Canada tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vào nước này.
Thủ tướng Justin Trudeau khẳng định Canada coi trọng quan hệ và đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế Điều này thể hiện qua việc năm nay Việt Nam là một trong hai nước Đông Nam Á được Nhật Bản mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, bên cạnh Indonesia.
Ông Trudeau nói Canada luôn đề cao luật pháp quốc tế, trật tự dựa trên luật lệ và ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông. Ông đề nghị Việt Nam ủng hộ Canada tăng cường hợp tác với ASEAN và khu vực.
Tăng trưởng thương mại song phương Việt Nam - Canada tăng nhanh từ năm 2019 - thời điểm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực. Theo đó, thuế xuất khẩu ưu đãi giảm dần về 0% là cơ hội để hơn 90% sản phẩm nông nghiệp nước này vào Việt Nam.
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên ưu tiên hợp tác thương mại, đầu tư, tài chính ngân hàng, du lịch, khoa học công nghệ và phối hợp ứng phó với các thách thức chung trong bối cảnh thế giới có nhiều khủng hoảng, bất trắc.
Thủ tướng Modi cho rằng hợp tác kinh tế, thương mại tiếp tục là một trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương. Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi một số biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mỗi nước tiếp cận thị trường và đầu tư kinh doanh.
Hai Thủ tướng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không. Hai nhà lãnh đạo kêu gọi các bên thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế và tạo điều kiện để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Nhật tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng lần thứ 49 từ ngày 20-21/5. Đây là lần thứ ba Việt Nam tham dự hội nghị này và là lần thứ hai dự theo lời mời của Nhật Bản.
Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng lần thứ 49 nằm trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 ngày 19-22/5. G7 gồm các quốc gia công nghiệp tiên tiến Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Canada và Italy, đóng vai trò quan trọng trong định hình và củng cố cấu trúc, quản trị toàn cầu.