Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistic (LPI), thuộc Top 5 ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philipines.
Tốc độ tăng trưởng logistic Việt Nam bình quân hàng năm từ 14-16%, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2024 lên gần 786,3 tỷ USD.
Đây là dẫn chứng được ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đưa ra tại “Diễn đàn Logistics xanh - Sức bật trong biến động và kết nối cùng FIATA World Congress 2025” chiều 11/7. Theo ông Hải, những năm gần đây, thị trường thế giới chứng kiến những “cú sốc” lớn không chỉ ảnh hưởng dòng chảy của hoàng hóa toàn cầu mà còn đặt ra yêu cầu cấp bách đối với khả năng thích ứng và phục hồi của ngành logistics toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, logistics xanh được xác định là chìa khóa, là điểm tựa để các doanh nghiệp toàn cầu, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam vượt qua những “cú sốc” trên thị trường.
Tuy nhiên, khi tham gia quá trình xanh hóa, theo ông Trần Thanh Hải, doanh nghiệp sẽ gặp một số thách thức liên quan tới nhận thức, thói quen, hạ tầng chưa đáp ứng, chi phí đầu tư lớn, công nghệ chưa phổ biến, giá thành cao, thiếu đội ngũ chuyên gia vừa có kiến thức và năng lực triển khai,... đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Để vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội, ông Hải cho rằng, ngành logistics cần một lộ trình chuyển đổi rõ ràng với các định hướng chiến lược sau. Theo đó, cần ưu tiên sử dụng các nguồn năng lượng sạch và tái tạo như điện, hydrogen, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho hoạt động vận tải và kho bãi. Thúc đẩy vận tải đa phương thức, đặc biệt là chuyển dịch hàng hóa từ đường bộ sang đường thủy và đường sắt – những phương thức có hiệu suất năng lượng cao và phát thải thấp hơn.
Cùng đó, áp dụng các giải pháp thông minh để vận tải quy mô lớn, giảm thiểu các chuyến xe chạy rỗng, xây dựng hệ thống cảng và kho bãi thông minh tự động hóa.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải nhấn mạnh: Logistics xanh được xác định là chìa khoá, là điểm tựa để các doanh nghiệp vượt qua những “cú sốc” của thị trường. (Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp)
Với doanh nghiệp, cần xây dựng chiến lược phù hợp với định hướng phát triển xanh; nâng cấp và mở rộng hệ thống kho bãi, đầu tư các trang thiết bị hiện đại; ưu tiên sử dụng các phương tiên vận tải thân thiện với môi trường; chia sẻ và nỗ lực hợp tác; áp dụng công nghệ mới và ứng dụng AI để tối ưu hóa hoạt động; xây dựng mô hình logistics xanh tích hợp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Minh, Phó Chủ tịch VLA cũng cho biết, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động và khó lường, chuỗi cung ứng thế giới đang đối mặt với những thách thức chưa từng có như đứt gãy chuỗi cung ứng, xung đột khu vực, chi phí logistics leo thang, rào cản thuế carbon, cùng các yêu cầu ngày càng khắt khe từ các thị trường xuất nhập khẩu.
Trước những thay đổi sâu rộng đó, xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu đã không còn là một viễn cảnh xa xôi, mà đang tác động trực tiếp tới mọi doanh nghiệp logistics, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Chuyển đổi xanh không chỉ là một xu thế, mà là lựa chọn tất yếu để tồn tại và phát triển. Đây chính là chiến lược then chốt giúp doanh nghiệp gia tăng năng lực chống chịu, thích ứng linh hoạt, và nâng tầm vị thế trong chuỗi cung ứng quốc tế.
“Phát triển logistics xanh" là một trong số các nhiệm vụ được giao cho các Bộ ngành liên quan trong bản chiến lược này.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã đặt mục tiêu “xanh hoá” các ngành kinh tế, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bền vững về môi trường và công bằng xã hội. Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết, “Phát triển logistics xanh" là một trong số các nhiệm vụ được giao cho các Bộ ngành liên quan trong bản chiến lược này.
“Để thực hiện Chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 882/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, trong đó, dịch vụ logistics là 1 trong 18 chủ đề trọng tâm của Kế hoạch”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại Diễn đàn Logistics xanh - Sức bật trong biến động và kết nối cùng FIATA World Congress 2025. (Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp)
Chỉ ra những áp lực ngày càng lớn trong việc giảm phát thải khí carbon và xây dựng các mạng lưới bền vững, có khả năng chống chịu,... ông Phạm Tấn Công cho rằng, trong bối cảnh đầy biến động của kinh tế thế giới, hàng rào thuế đối ứng từ thị trường lớn như Hoa Kỳ, sự dịch chuyển và tái cấu trúc thương mại toàn cầu, tác động từ xung đột địa chính trị giữa các quốc gia, biến động giá nhiên liệu, khủng hoảng container, cùng với đòi hỏi về tiêu chuẩn ESG, Net Zero và thuế biên giới carbon… đang dần trở thành hàng rào kỹ thuật mới, buộc doanh nghiệp logistics phải chuyển đổi để tồn tại và nâng sức cạnh tranh.
“Xanh hoá” trở thành con đường sống còn giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh và tạo sức bật trong chuỗi biến động. Phát triển logistics xanh sẽ là lợi thế cạnh tranh để doanh nghiệp Việt đi nhanh hơn, vượt lên trong chiến lược phát triển bền vững toàn cầu.
Logistics xanh không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc.
Chia sẻ kinh nghiệm từ Australia, ông Edwin Law, Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Australia tại Việt Nam (AusCham) thông tin, tại quốc gia này, logistics xanh không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc.
"Rất nhiều doanh nghiệp đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính và tích hợp các mục tiêu bền vững ngay từ đầu vào chiến lược kinh doanh từ đầu tư vận tải xanh, sử dụng năng lượng tái tạo đến xây dựng chuỗi cung ứng thân thiện với môi trường. Trong đó, công nghệ là yếu tố then chốt trong quá trình này. Nhiều công ty đã tiên phong phát triển và ứng dụng các mô hình công nghệ thông minh, không chỉ giúp tiết kiệm năng lượng mà còn gia tăng lợi nhuận một cách rõ rệt," Giám đốc điều hành AusCham cho biết.
Theo ông Edwin Law, hiện một số doanh nghiệp Australia đã và đang chuyển giao mô hình này cho các đối tác tại Việt Nam thông qua hình thức liên doanh và mang lại những kết quả tích cực. Bên cạnh đó, việc các nhà máy tại Việt Nam bắt đầu sử dụng năng lượng tiết kiệm, tích hợp tiêu chuẩn môi trường vào sản xuất là tín hiệu tích cực, thể hiện nỗ lực rõ ràng của Việt Nam trong hành trình hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net zero).
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, việc nền kinh tế Việt Nam duy trì được đà xuất khẩu, thậm chí là có tăng trưởng, trong bối cảnh chi phí leo thang và khó khăn thì chứng tỏ nền tảng logistics tương đối ổn định và các doanh nghiệp đã thể hiện một sức chống chịu phi thường.
Cũng theo ông Hoài, trong thời gian tới, vấn đề logistics không chỉ dừng lại ở chi phí mà cần hướng tới mục tiêu để tất cả đơn vị trong chuỗi cung ứng, từ nhà sản xuất đến các nhà cung cấp dịch vụ logistics, phải cùng nhau cam kết và thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, qua đó đáp ứng những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các thị trường khó tính.