Việt Nam sẽ có chính sách riêng cho AI và bán dẫn

Với mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ khu vực, Việt Nam dành riêng 2 chương cho AI và công nghệ bán dẫn trong Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đưa ra các quy định cụ thể về ngành AI, công nghiệp bán dẫn. Ảnh: JWPM.

AI và công nghiệp bán dẫn đã trở thành những lĩnh vực trọng điểm của phát triển công nghệ toàn cầu. Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số ra đời với kỳ vọng trở thành hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số. Trọng tâm là chuyển dịch Việt Nam từ mô hình lắp ráp, gia công truyền thống sang sáng tạo, thiết kế, sản xuất và làm chủ công nghệ lõi.

Theo báo cáo từ Statista, quy mô thị trường AI thế giới dự kiến đạt 184 tỷ USD vào năm 2024 và tăng trưởng hàng năm ở mức 28,46% (CAGR 2024-2030), với giá trị thị trường ước tính lên tới 826,7 tỷ USD vào năm 2030.

Trước làn sóng chuyển đổi công nghệ mạnh mẽ, Việt Nam đã bắt nhịp nhanh chóng. Theo Chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ năm 2023 do Oxford Insights công bố, Việt Nam xếp thứ 5/10 trong khu vực ASEAN và 59/193 quốc gia trên thế giới. Đây là năm thứ ba3 liên tiếp Việt Nam vượt mức trung bình toàn cầu.

Kết quả này không chỉ phản ánh nỗ lực đầu tư của Chính phủ, mà còn có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp công nghệ lớn như Viettel, VNPT, Mobifone, FPT, CMC, VinAI... Những doanh nghiệp này đầu tư vào nghiên cứu, góp phần xây dựng nền tảng hệ sinh thái AI, đưa Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ khu vực.

Song, ngoài cơ hội, AI còn đặt ra nhiều thách thức về rủi ro cho con người và xã hội. Trong bối cảnh đó, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số của Việt Nam đã dành một chương riêng cho trí tuệ nhân tạo.

Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số được thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ngày 30/11. Luật này sẽ hỗ trợ việc xây dựng nền kinh tế số và xã hội số, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam thông qua các quy định về nghiên cứu, phát triển, xây dựng hạ tầng, tiêu chuẩn kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực.

Riêng trí tuệ nhân tạo, dự luật nhấn mạnh cần phát triển AI có trách nhiệm, giảm thiểu rủi ro, tập trung đảm bảo các giá trị đạo đức, bảo vệ quyền riêng tư và thúc đẩy niềm tin vào công nghệ. Dự thảo đưa ra các quy định về gắn nhãn sản phẩm, kiểm soát thuật toán và thiết lập cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho các dịch vụ công nghệ số.

Tất cả nhằm tạo hành lang pháp lý chặt chẽ để Việt Nam xây dựng niềm tin vào AI và phát triển công nghệ này một cách có trách nhiệm.

Bên cạnh AI, công nghiệp bán dẫn cũng đang được Chính phủ Việt Nam xem như một lĩnh vực chiến lược. Theo dự báo, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu sẽ đạt doanh thu 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Động lực đến từ sự phát triển của ô tô điện, công nghệ viễn thông, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo.

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu đang tái cấu trúc theo mô hình "X+1," Việt Nam trở thành một điểm đến tiềm năng, nhờ vào các lợi thế địa chính trị, môi trường đầu tư an toàn và chi phí cạnh tranh.

Việt Nam sở hữu vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm khu vực sản xuất 70% sản lượng bán dẫn toàn cầu. Đồng thời, Việt Nam là một trong những quốc gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu sản phẩm điện tử và bán dẫn.

Bên cạnh đó, lực lượng lao động trẻ, có trình độ STEM cao, là một lợi thế lớn. Đây là nguồn nhân lực tiềm năng để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành bán dẫn trong tương lai. Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định 1018/QĐ-TTg ngày 21/09/2024 về Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050.

Quyết định này được xem như một bước đi kịp thời để tận dụng cơ hội từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng và đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp này.

Cũng trong bối cảnh đó, Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số cũng đặt một chương riêng cho công nghiệp bán dẫn. Dự luật thay thế khái niệm "vi mạch bán dẫn" bằng "công nghiệp bán dẫn" nhằm bao quát tất cả các công đoạn của ngành.

Luật quy định rõ nguyên tắc, phân loại hoạt động, cơ chế chính sách đặc thù để ưu tiên phát triển ngành này, đồng thời giao Chính phủ xây dựng các chiến lược riêng theo từng giai đoạn. Cách làm này này phù hợp với chiến lược phát triển tổng thể mà Việt Nam đang hướng tới.

Những nhà khoa học tiên phong

"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.