'Vòng đời' ứng phó thảm hoạ của Nhật Bản

Những thảm họa động đất luôn chực chờ đã khiến người Nhật xây dựng một hệ thống chuẩn bị hiệu quả cho những trận động đất kinh hoàng.

Rupert Wingfield-Hayes, cựu phóng viên BBC Tokyo, từng chia sẻ: “Ở Nhật Bản, động đất là một phần của cuộc sống". Dù đã quen với sự hiện diện của thảm họa, thế nhưng người dân Nhật không tránh khỏi nỗi đau "tái đi tái lại", điển hình là ký ức đau thương về thảm họa kép Fukushima.

14h46 ngày 11/3/2011, một trận động đất 9 độ richter xuất hiện ngoài khơi bờ biển Nhật Bản. Chưa đầy một giờ sau, sóng thần đã tràn vào đất liền, cuốn trôi hàng trăm km thị trấn, làng mạc và tàn phá nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, gây rò rỉ phóng xạ tại 3 lò phản ứng dẫn đến vụ nổ lớn trong các ngày tiếp theo.

19.759 người thiệt mạng, 120.000 ngôi nhà bị tàn phá, thiệt hại 235 tỷ USD là hậu quả nặng nề về người và của từ các sự kiện liên tiếp nói trên. Chúng cũng để lại vết thương lòng sâu sắc cho người dân Nhật Bản và thế giới về một thảm họa tồi tệ bậc nhất lịch sử.

Thế rồi, nỗi kinh hoàng của năm 2011 một lần nữa quay trở lại vào thứ Hai vừa qua - ngày đầu tiên của năm 2024.

Tuy nhiên, khi nhìn nhận ở góc độ tích cực hơn, trận động đất mới đây có thể là câu chuyện đáng chú ý về thành công của Nhật Bản trong việc giảm nhẹ thảm họa.

Bốn giai đoạn ứng phó thảm họa

Nhật Bản nằm ở phía đông châu Á, phía tây Thái Bình Dương - nơi giao nhau giữa nhiều lục địa và đại dương - khiến nước này dễ xảy ra động đất. Do đó, các thành viên của hệ thống ứng phó khẩn cấp đã quen với “vòng đời” ứng phó thảm họa, gồm: giảm thiểu rủi ro, chuẩn bị, ứng phó và phục hồi.

Lên kế hoạch giảm thiểu rủi ro, tương tự thực hành y tế dự phòng, thường được coi là bước đầu tiên vì nó xảy ra trước thảm họa.

Dong dat Nhat Ban anh 1

Cảnh sát đi ngang qua những ngôi nhà bị sập do động đất ở Suzu, quận Ishikawa. Ảnh: Kyodo.

Bao nhiêu trận động đất Nhật Bản phải hứng chịu là bấy nhiêu lần rút kinh nghiệm của chính phủ và người dân cả nước. Qua đây, Nhật Bản có thể thực hiện các bước cần thiết để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi thảm họa thực sự xảy ra.

Đầu tiên là xác định mối nguy hiểm và khả năng tổn thương trước những nguy hiểm. Chẳng hạn, chính phủ Nhật hiểu rõ nước mình có nguy cơ cao xảy ra động đất nên đã thiết lập quy chuẩn xây dựng chất lượng cao để đảm bảo các công trình ít có khả năng sụp đổ.

Bộ quy tắc xây dựng chống động đất lần đầu tiên được ban hành vào năm 1924, sau bài học kinh nghiệm từ trận động đất Mino-Owari (1891) và Kanto (1923). Theo đó, mỗi công trình được làm bằng dầm gỗ, bê tông cốt thép chịu được tải trọng động đất, đồng thời lắp đặt thêm thanh giằng. Tuy nhiên, quy định này ban đầu chỉ áp dụng cho thị trấn.

Bộ quy tắc tiếp tục được hoàn thiện qua hai năm 1950, 1971. Phạm vi áp dụng thiết kế chống động đất đã mở rộng toàn quốc. Các công trình được bổ sung tường chịu lực động đất; riêng kiến trúc bằng gỗ có thêm khung và nền bê tông cốt thép, theo Japan Property Central.

Sau đó, thiệt hại từ trận động đất Miyagi (1978) với cường độ 7,4 độ richter đã dẫn đến bản sửa đổi tiêu chuẩn xây dựng chống động đất mới vào năm 1981.

Dong dat Nhat Ban anh 2

Những tòa nhà bị sập ở thành phố Kanazawa, tỉnh Ishikawa. Ảnh: Kyodo.

Các tòa nhà tuân theo tiêu chuẩn trước năm 1981 được gọi là kyu-taishin, còn các tòa theo tiêu chuẩn mới là shin-taishin. Thực tế đã chứng minh hiệu quả của tiêu chuẩn xây dựng chống động đất mới, khi chỉ có 0,3% các tòa shin-taishin bị thiệt hại nghiêm trọng trong trận động đất Hanshin (1995), so với 8,4% các tòa kyu-taishin sụp đổ hoặc hư hỏng nặng.

Điểm mấu chốt làm nên hiệu quả của shin-taishin là hệ thống phân cấp chống động đất. Đầu tiên là taishin - yêu cầu tối thiểu đối với các tòa nhà chống động đất của Nhật Bản, quy định dầm, cột và tường phải có độ dày nhất định để đối phó rung lắc.

Cấp độ tiếp theo là seishin được khuyến nghị cho một số tòa nhà cao tầng. Nó sử dụng bộ giảm chấn - về cơ bản là các lớp thảm hoặc đệm cao su dày đặt trên mặt đất bên dưới nền móng - để hấp thụ phần lớn năng lượng của động đất.

Cuối cùng là menshin - tiên tiến, an toàn và đắt đỏ nhất, thường được sử dụng cho tòa nhà chọc trời, căn hộ cao tầng. Cấu trúc của tòa nhà được cách ly với mặt đất bởi các lớp chì, thép và cao su. Điều này có nghĩa là tòa nhà hạn chế xê dịch, ngay cả trong những trận động đất nghiêm trọng nhất.

"Không thể xây dựng cấu trúc chống động đất hoàn hảo. Nhưng khả năng chống động đất của các công trình ở Nhật đang được cải thiện mọi lúc, đặc biệt là cấu trúc kiểm soát địa chấn (seishin) và cô lập địa chấn (menshin)", Hiroyuki Unemori, Chủ tịch Unemori Architects, chia sẻ.

Dong dat Nhat Ban anh 3

Vết nứt lớn ở thành phố Wajima, tỉnh Ishikawa. Ảnh: Kyodo.

Về phía người dân, họ đối phó với động đất bằng cách chuẩn bị sẵn thực phẩm, nước uống để sử dụng dài ngày, mang theo bộ dụng cụ sinh tồn, đèn pin, bình cứu hỏa và radio đề phòng trường hợp khẩn cấp. Họ cũng được làm quen với kế hoạch sơ tán bất ngờ khi có nguy cơ cao xảy ra sóng thần sau động đất.

Chính phủ hỗ trợ người dân bằng cách bố trí nhiều điểm thoát hiểm ở khu vực khác nhau, để mọi người không chen chúc vào một lối thoát khi sơ tán.

“Một năm khắc sâu vào ký ức”

Theo thông tin ghi nhận, ít nhất 62 người đã thiệt mạng trong trận động đất 7,6 độ richter làm rung chuyển phần lớn miền Trung Nhật Bản vào đầu năm nay. Nhiều người khác bị thương hoặc mắc kẹt dưới đống đổ nát, đang chờ được giải cứu. Những người may mắn sống sót thì chưa hết bàng hoàng sau trận động đất “dữ dội và đáng sợ nhất từ trước đến nay”.

Tối 1/1, gia đình học giả Yoichi Shimada (66 tuổi, sinh sống ở thành phố Fukui, cách tâm chấn động đất khoảng 200km về phía Tây Nam) đang quây quần trong vườn nhà thì cảnh báo về thảm họa được gửi tới điện thoại con trai ông, sau đó không có gì xảy ra.

Gia đình ông đã quen với việc có nhiều trận động đất nhỏ trên bán đảo Noto trong vài năm qua nên không nghĩ nhiều. Thế nhưng, chỉ vài phút sau, một cảnh báo khác xuất hiện trên điện thoại của vị học giả và mọi thứ bắt đầu rung chuyển. “Đây là trận động đất dữ dội nhất mà tôi từng trải qua”, Yoichi nói với South China Morning Post.

Dong dat Nhat Ban anh 4

Trận động đất hôm thứ Hai đã khiến các tòa nhà sụp đổ. Ảnh: Kyodo.

Trong khi đó, Tsugumasa Mihara (73 tuổi) vừa lì xì cho các cháu nhân dịp năm mới và đang chợp mắt thì bị trận động đất đánh thức. May mắn là ngoài bát đĩa rơi vỡ, không ai trong gia đình ông bị thương. Ngôi nhà vẫn có điện đầy đủ nhưng bị mất nước.

Hôm 2/1, Tsugumasa phải xếp hàng để nhận 6 lít nước được phân phát cho mỗi hộ gia đình. “Tất cả những gì tôi có thể làm lúc đó là cầu nguyện mọi chuyện sẽ sớm kết thúc”, ông chia sẻ với AFP.

Sau trận động đất, người dân xếp hàng bên ngoài siêu thị để mua đồ tích trữ, nhưng một số cửa hàng tiện lợi đã đóng cửa vì không đủ nguồn cung hoặc chủ cửa hàng đi sơ tán, theo France 24h.

Dong dat Nhat Ban anh 5

Gần 100.000 người dân tỉnh Ishikawa đã được lệnh sơ tán đến các khu trú ẩn trong ngày 1/1. Ảnh: Kyodo.

Nhiều nỗ lực cứu trợ đang diễn ra để sớm ổn định cuộc sống người dân. Trong khi công nhân xây dựng vá các vết nứt trên mặt đường bằng máy móc hạng nặng, lực lượng cứu hộ, quân đội và cảnh sát lao tới hiện trường để tìm kiếm người mắc kẹt.

Một người mẹ tên Akiko (46 ​​tuổi), mô tả trận động đất “kéo dài và dữ dội”, đồng thời cho biết gia đình mình chưa thể về nhà vì đường sá bị phong tỏa. Khi trở về, Akiko cũng nghĩ cả nhà sẽ khó trở lại cuộc sống bình thường, đặc biệt trong tình cảnh khan hiếm nước, nhu yếu phẩm.

“Thời điểm bắt đầu năm 2024 sẽ khắc sâu vào ký ức tôi mãi mãi. Tôi đã được nhắc nhở về việc có một cuộc sống bình thường quý giá như thế nào. Chúng tôi đã trải qua điều tồi tệ nhất, nên giờ tôi sẽ tiến về phía trước, cố gắng lấy lại cuộc sống của mình”, Akiko nghẹn ngào.

Niềm vui và nỗi buồn của công việc

Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.