Vòng tay ôm sứa biển trong suốt, bé gái bị bỏng rát chằng chịt 2 cẳng tay

() - Bé gái 10 tuổi được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu, do bị viêm da nặng do tiếp xúc với sứa khi tắm biển.

Viêm da trầm trọng vì ôm sứa biển

Ngày 24/5, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin về trường hợp bé gái bị viêm da nặng sau khi tiếp xúc với sứa biển.

Mẹ bệnh nhi cho biết, đợt nghỉ lễ 30/4, gia đình cho bé đi tắm biển. Khi bé đang bơi thì thấy có vật thể dạt lại gần. Thấy vật thể trong suốt (loài sứa biển) rất đẹp nên bé đã vòng tay ôm.

Ngay sau đó, bé bị tổn thương da nặng, bao gồm dát đỏ, sẩn đỏ, mụn nước, phỏng nước thành vệt, sưng nề, trợt rỉ dịch, viêm tấy, kèm theo ngứa, châm chích tại vùng cẳng tay và mu bàn tay hai bên, ở vị trí tiếp xúc với xúc tu sứa.

Vòng tay ôm sứa biển trong suốt, bé gái bị bỏng rát chằng chịt 2 cẳng tay - 1

Bé gái nhập viện trong tình trạng 2 cẳng tay bị tổn thương nghiêm trọng do tiếp xúc sứa biển (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Bệnh nhi được nhập viện điều trị, với sự phối hợp giữa khoa Da liễu và khoa Cấp cứu và Chống độc. Sau một tuần điều trị với các biện pháp kháng sinh toàn thân, thuốc giảm viêm, giảm ngứa, thuốc bôi và chăm sóc tại chỗ, tình trạng của trẻ đã dần cải thiện, vị trí vùng da tổn thương hết sưng nề, không còn trợt rỉ dịch.

Vòng tay ôm sứa biển trong suốt, bé gái bị bỏng rát chằng chịt 2 cẳng tay - 2

Hình ảnh tay bé chằng chịt sẹo sau 11 ngày điều trị tại bệnh viện (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Bác sĩ lưu ý, trong mùa hè, nguy cơ viêm da do tiếp xúc tăng lên do trẻ đi tắm biển dịp hè.

Khi tiếp xúc với sứa, chất gây dị ứng từ sứa gây ra các triệu chứng như ngứa, sưng nề, phát ban da và trong trường hợp nghiêm trọng sẽ gây tình trạng phản vệ, thậm chí sốc.

Xử lý như thế nào khi bị sứa đốt?

Khi trẻ đã tiếp xúc với sứa, nếu có một trong các biểu hiện như buồn nôn, nôn, khó thở, đau ngực, tím tái, phụ huynh cần bình tĩnh, gọi hỗ trợ từ nhân viên y tế gần nhất.

Cố gắng giữ cho trẻ hạn chế cử động, hạn chế chà xát vào vùng da đã tiếp xúc với sứa. Sau đó ngay lập tức lấy con sứa ra khỏi cơ thể của trẻ. Lưu ý nhớ đeo găng tay hoặc lót tay bằng túi nilon để hạn chế tối đa việc tiếp xúc với độc tố tiết ra từ xúc tu của sứa.

Rửa sạch vết thương với nước biển, chú ý không rửa bằng nước ngọt do việc thay đổi áp suất có thể kích thích xúc tu còn trên da giải phóng độc tố. Nếu có sẵn giấm (acid acetic 3-5%), có thể rửa vùng tổn thương với giấm trong vòng 30 giây để ức chế tế bào giải phóng độc tố trên các xúc tu sứa.

Sử dụng những vật dụng sẵn có như thìa, thẻ cạo nhẹ nhàng lên vết sứa tiếp xúc để loại bớt những tế bào độc của sứa trên da.

Có thể giảm đau bằng việc chườm ấm hoặc xả dưới vòi nước ấm (khoảng 40-45 độ) trong vòng 20 phút hoặc chườm đá bọc trong túi nilon sạch. Thuốc giảm đau dễ tìm như ibuprofen hoặc paracetamol.

Làm dịu tổn thương da bằng kem/nhũ tương dưỡng ẩm, giảm ngứa, giảm sưng đau bằng kem chứa thành phần corticoid, kháng histamin.

Chú ý không đắp lá, bôi thuốc không rõ loại, hay rửa vết thương bằng nước tiểu vì có thể gây ra tình trạng nặng hơn, thương tổn lan rộng hoặc nhiễm trùng tổn thương.

Sau khi xử lý ban đầu, trẻ cần được đưa đến khám tại các cơ sở y tế để được đánh giá mức độ nặng, điều trị chăm sóc vết thương kịp thời, tránh các biến chứng không mong muốn.

Khi cho trẻ đi tắm biển, cha mẹ cần giáo dục để trẻ nhận biết, tránh xa khi phát hiện sứa gần khu vực bơi.