Ngày 1/4, trao đổi với phóng viên , Phó giáo sư Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, cơ quan này đang tiếp tục các bước điều tra, truy tìm nguyên nhân trong vụ hàng chục học sinh tại hệ thống trường Tuệ Đức có biểu hiện nghi ngờ ngộ độc sau bữa ăn tại trường.
Các học sinh đã ăn gì tại trường?
Theo bà Lan, ngày 28/3, Sở An toàn thực phẩm (ATTP) nhận tin báo về một số trường hợp có biểu hiện buồn nôn, tiêu chảy xảy ra tại 2 cơ sở thuộc hệ thống trường Tuệ Đức.
Các cơ sở này gồm Trường tiểu học - trung học cơ sở Tuệ Đức (1/5 Bis, đường Lương Định Của, phường An Khánh, TP Thủ Đức) và Trường tiểu học - trung học cơ sở Tâm Tuệ Đức (644 đường Nguyễn Thị Định, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức).
Trước đó 2 ngày, một phụ huynh đã liên hệ đến Phòng Giáo dục và đào tạo TP Thủ Đức phản ánh về việc con mình nghi ngờ bị ngộ độc tại trường. Thông tin này sau đó được chuyển đến Phòng Y tế TP Thủ Đức.

Một cơ sở trong hệ thống trường Tuệ Đức (Ảnh: tuthuc.edu).
Sau khi nhận tin báo, các cơ quan chức năng đã phối hợp xác minh thông tin.
Tại Trường tiểu học - trung học cơ sở Tuệ Đức, qua nắm bắt tình hình, có tổng cộng 38 trường hợp được ghi nhận nghi ngờ ngộ độc thực phẩm.
Trong đó, có 2 học sinh nghỉ ở nhà và 2 học sinh ở trường có biểu hiện nghi ngờ, 34 trường hợp còn lại có biểu hiện đau đầu, ói, tiêu chảy sau khi ăn tại trường. Đến nay, sức khỏe hầu hết các học sinh cơ bản đã ổn định.
Nhà trường đã chủ động lấy mẫu thực phẩm nghi ngờ ngộ độc gửi Viện Pasteur TPHCM để tìm nguyên nhân, đồng thời tự tiến hành kiểm tra các hồ sơ pháp lý liên quan, các quy trình sơ chế, chế biến, phân chia thực phẩm tại trường đối với đơn vị cung cấp suất ăn là Công ty Cổ phần Quốc tế Haxeca Mekong.
Công ty nêu trên có địa chỉ ở đường Nguyễn Hậu, phường Tân Thành, quận Tân Phú nhưng cơ sở sản xuất nằm tại khu chế xuất Tân Thuận, phường Tân Thuận Đông, quận 7.
Qua việc tự kiểm tra, hệ thống trường Tuệ Đức cho rằng Công ty Cổ phần Quốc tế Haxeca Mekong thực hiện vệ sinh đảm bảo, nhân viên thực hiện sơ chế, phân chia thực phẩm có bảo hộ lao động, thực hiện ghi chép sổ 3 bước và lưu mẫu đúng theo quy định.

Trẻ dùng bữa tại một cơ sở của hệ thống trường Tuệ Đức (Ảnh: Fanpage nhà trường).
Tại Trường tiểu học - trung học cơ sở Tâm Tuệ Đức, Ban Giám hiệu nhà trường thông tin từ sáng đến chiều 26/3, có 2 phụ huynh báo con phải thăm khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Lê Văn Thịnh với biểu hiện buồn nôn, tiêu chảy, được chẩn đoán là viêm ruột - viêm dạ dày.
Nhà trường đã chủ động lấy mẫu thực phẩm bữa ăn xế ngày 25/3 gửi Viện Pasteur TPHCM xét nghiệm tìm nguyên nhân. Đơn vị cung cấp thức ăn của trường cũng là Công ty Cổ phần Quốc tế Haxeca Mekong.
Theo lãnh đạo Sở ATTP TPHCM, thức ăn mà các học sinh đã ăn tại 2 trường trên là món miến xào và sữa chua.
Đề nghị báo cáo ngay cho cơ quan chức năng
Bà Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ, vì không nắm sự việc ngay khi xảy ra, nên khi cơ quan chức năng đến trường điều tra đã không còn mẫu lưu thực phẩm học sinh đã ăn.
Các Đội quản lý ATTP số 6 và số 7 của Sở ATTP TPHCM đã đến trụ sở và cơ sở sản xuất của Công ty Cổ phần Quốc tế Haxeca Mekong để tiến hành các bước kiểm tra, giám sát theo quy định.
"Đề nghị các đơn vị khác không làm như thế mà phải báo cáo ngay cho cơ quan chức năng. Với mẫu thức ăn hệ thống trường Tuệ Đức tự lấy để đưa đi kiểm nghiệm, chúng tôi rất băn khoăn về cơ sở pháp lý", Giám đốc Sở ATTP TPHCM nói.

Lãnh đạo Sở An toàn thực phẩm TPHCM đề nghị khi có sự việc nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra, nhà trường phải báo cáo ngay cho cơ quan chức năng (Ảnh minh họa: Fanpage nhà trường).
Hiện tại, các cơ quan chức năng đang tăng cường kiểm tra liên ngành các cơ sở, hộ kinh doanh, cá nhân cung cấp thực phẩm có liên quan đến các ca nghi ngờ ngộ độc nêu trên.
Ngoài ra, thực hiện khẩn cấp cảnh báo cộng đồng về các trường hợp ngộ độc, nguy cơ ngộ độc cấp tính từ hàng hóa là thực phẩm không có nguồn gốc, nhãn mác, hàng rong, không đảm bảo ATTP.
Riêng hệ thống trường Tuệ Đức được yêu cầu phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế trong điều tra theo quy trình, khi có trường hợp nghi ngờ xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Liên quan vụ việc trên, ngày 28/3, Cục ATTP (Bộ Y tế) đã có văn bản đề nghị Sở ATTP TPHCM khẩn trương tổ chức điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm để xác định nguồn cung cấp nguyên liệu, thực phẩm cho cơ sở chế biến nghi ngờ gây ngộ độc; lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Cơ quan chức năng cần tạm đình chỉ hoạt động cơ sở chế biến bữa ăn nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm, nếu phát hiện nguy cơ có thể tiếp tục gây ngộ độc thực phẩm; xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.