Vụ sữa giả: 71 nhãn hiệu tự công bố tại Hà Nội, vì sao "lọt" hậu kiểm?

() - Dù đã thực hiện hậu kiểm, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Hà Nội cho biết các sản phẩm của Rance Pharma và Hacofood vẫn đạt các chỉ tiêu an toàn.

Vụ sữa giả: 71 hồ sơ sản phẩm tự công bố tại Hà Nội

Liên quan đến vụ sữa giả gây rúng động dư luận, trao đổi với phóng viên , ông Nguyễn Quang Trung - Phó Chi cục trưởng, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Hà Nội cho biết: "Từ năm 2021 đến 2023, đơn vị đã tiếp nhận tổng cộng 71 hồ sơ đăng ký tự công bố sản phẩm từ hai công ty Rance Pharma và Hacofood. Trong đó, 67 hồ sơ của Rance Pharma và 4 hồ sơ của Hacofood".

Theo ông Trung, trong số 71 hồ sơ này chủ yếu là các sản phẩm dinh dưỡng và không có hồ sơ nào là sản phẩm dành cho người tiểu đường, người suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ có thai.

Vụ sữa giả: 71 nhãn hiệu tự công bố tại Hà Nội, vì sao lọt hậu kiểm? - 1

Các sản phẩm sữa giả trong đường dây vừa được phát hiện (Ảnh: VTV).

Về quy trình tiếp nhận hồ sơ, theo ông Trung, chi cục đã thực hiện theo hướng dẫn của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

Doanh nghiệp sẽ nộp các hồ sơ được quy định qua cổng dịch vụ công của thành phố. Sau đó, chi cục sẽ thực hiện theo quy trình đã xây dựng theo tiêu chuẩn ISO. Trong vòng 7 ngày làm việc sẽ cấp giấy tiếp nhận bản tự công bố cho doanh nghiệp nếu đúng quy định.

Theo ông Trung, theo quy định tại Nghị định 15, trong hồ sơ cơ sở cần có phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm còn thời hạn trong vòng 12 tháng tại ngày nộp hồ sơ.

Tuy nhiên theo ông Trung, quy định của Nghị định 15, cơ sở chỉ phải nộp phiếu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn do Bộ Y tế ban hành theo nguyên tắc quản lý rủi ro.

Nghị định không yêu cầu các phiếu kiểm nghiệm về chỉ tiêu chất lượng. Điều này cũng dẫn đến thực trạng doanh nghiệp không làm kiểm nghiệm chỉ tiêu chất lượng sản phẩm khi nộp hồ sơ, do không bắt buộc.

Ông Trung cho biết, đơn vị cũng không thể yêu cầu doanh nghiệp nộp thêm các phiếu kiểm nghiệm này, bởi không có trong quy định. Nếu phát sinh thêm yêu cầu, thủ tục sẽ vi phạm quy định trong giải quyết thủ tục hành chính.

Cũng theo ông Trung, khi tiếp nhận hồ sơ tự công bố sản phẩm, nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường, chi cục sẽ có văn bản gửi doanh nghiệp yêu cầu làm rõ các nội dung trong hồ sơ.

"Ví dụ như về công dụng có các công dụng như thuốc điều trị rõ ràng là không được phép. Chúng tôi sẽ có văn bản yêu cầu doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh hồ sơ", ông Trung dẫn chứng.

Vì sao lọt hậu kiểm?

Về vấn đề hậu kiểm, theo đại diện Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Hà Nội, đơn vị này thường xuyên có những đợt kiểm tra, giám sát để phát hiện những vi phạm về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở lưu thông hàng hóa.

Ngoài kế hoạch triển khai thường xuyên thì liên tục có những đợt kiểm tra đột xuất và những đợt cao điểm.

Vụ sữa giả: 71 nhãn hiệu tự công bố tại Hà Nội, vì sao lọt hậu kiểm? - 2

Cơ quan điều tra khám xét các lô hàng sữa giả.

Riêng trong năm 2024, đơn vị này đã kiểm tra 200 cơ sở sản xuất sữa và thực phẩm bổ sung trên địa bàn Thủ đô và xử phạt 28 cơ sở, với số tiền trên 1,7 tỷ đồng.

"Khi kiểm tra hậu kiểm thì không chỉ mỗi xử phạt liên quan chất lượng sản phẩm, mà còn liên quan con người, cơ sở sản xuất, thiết bị có vi phạm gì theo hướng dẫn luật an toàn thực phẩm", ông Trung nói.

Đáng chú ý, theo ông Trung, trong năm 2023, chi cục đã tiến hành kiểm tra các sản phẩm của 2 công ty liên quan đến vụ việc sản xuất sữa giả. Trong đó, đoàn kiểm tra đã lấy mẫu ngẫu nhiên theo xác suất các sản phẩm ở trong kho: 4 mẫu của Rance Pharma và một mẫu của Hacofood.

Tuy nhiên, theo ông Trung, công tác hậu kiểm căn cứ theo hướng dẫn ở Nghị định 15, quản lý dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro. Kiểm nghiệm những yếu tố nào ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân, cụ thể là các chỉ tiêu an toàn.

Trong lần kiểm tra này, kết quả kiểm nghiệm của các mẫu đều đạt các chỉ tiêu an toàn.

"Các nước trên thế giới cũng áp dụng phương pháp quản lý theo rủi ro khi lấy mẫu kiểm tra. Chúng tôi trong quá trình làm cũng lấy mẫu ưu tiên kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn", ông Trung chia sẻ.

Sau khi đường dây sản xuất sữa giả được phát hiện, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, lấy mẫu nhóm sản phẩm này.

Ngoài ra, bên cạnh chỉ tiêu an toàn, chi cục cho biết sẽ thực hiện kiểm nghiệm thêm một số chỉ tiêu liên quan đến chất lượng: Chất lượng chủ yếu và một số thành phần khác.

Với 71 hồ sơ công bố của 2 cơ quan, ông Trung cho biết sẽ xử lý căn cứ vào quyết định của cơ quan điều tra.

Cũng theo ông Trung, chi cục đã có nội dung góp ý, kiến nghị khi có kế hoạch sửa đổi Nghị định 15, xuất phát từ những vướng mắc, khó khăn gặp phải trong thực tế. Mục tiêu để Nghị định 15 (sửa đổi) sẽ đi sát hơn vào thực tế cuộc sống.

Vị lãnh đạo này nêu ví dụ, một số doanh nghiệp hiện nay làm về thực phẩm nhưng không thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, mà lại làm thủ tục cấp chứng nhận ISO.

Cấp ISO được thực hiện qua đơn vị tư nhân. Một số doanh nghiệp khi đã được cấp xong không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước để cùng quản lý.

"Như những vụ việc kiểm tra cơ sở sản xuất bim bim được đăng tải thời gian vừa qua. Các đơn vị này không nằm trong danh sách quản lý để kiểm tra định kỳ. Khi chúng tôi đến kiểm tra đột xuất, họ xuất trình chứng nhận ISO và vẫn được chấp nhận về mặt giấy tờ", ông Trung chia sẻ.

Trước đó, như đưa tin, Bộ Công an đã triệt phá đường dây sản xuất và tiêu thụ sữa giả với gần 600 loại sữa dành cho người bệnh tiểu đường, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ...

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 8 đối tượng về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo đó, từ tháng 8/2021 đến nay, các đối tượng đã thành lập Công ty Cổ phần Dược Quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược Dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất, kinh doanh sữa bột.

Ngoài 2 công ty trên, các đối tượng còn liên doanh, liên kết bằng hình thức góp cổ phần với nhiều đối tượng khác để thành lập thêm 9 công ty, với mục đích đứng tên hồ sơ công bố các dòng sản phẩm (nhãn thương hiệu sản phẩm) và trực tiếp kinh doanh, phân phối tiêu thụ các sản phẩm được sản xuất tại nhà máy của Công ty Hacofood và Công ty Rance Pharma.

Theo cơ quan chức năng, đến nay, đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại, dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ có thai.

Những nhãn hiệu sữa này được quảng cáo, công bố có chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột mắc ca, bột óc chó... Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, sữa của 2 công ty trên sản xuất không có những chất này, chất lượng đạt dưới 70% mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.