"Vua đào hầm" nổi tiếng Việt Nam liên danh loạt DN lớn, đề xuất việc quan trọng cho tuyến metro 48.000 tỷ

Ngoài Đèo Cả, trước đó Tập đoàn Trường Hải (THACO), Tập đoàn Hòa Phát cũng muốn tham gia dự án tuyến metro 48.000 tỷ tại TP HCM.

"Vua đào hầm" nổi tiếng Việt Nam liên danh loạt DN lớn, đề xuất việc quan trọng cho tuyến metro 48.000 tỷ- Ảnh 1.

 Đề xuất chỉ định thầu giao liên danh thực hiện dự án metro số 2  

Tập đoàn Đèo Cả vừa đại diện liên danh 4 doanh nghiệp gồm: Đèo Cả, FECON (Việt Nam) và PowerChina và SUCG (Trung Quốc) có văn bản gửi UBND TP HCM và Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), đề xuất được tham gia thực hiện các dự án đường sắt đô thị (metro) tại thành phố. Trong văn bản, Đèo Cả bày tỏ mong muốn được đóng góp trực tiếp vào tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

Doanh nghiệp đã chủ động xây dựng "chiến lược đường sắt" với kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, chủ động chuẩn bị thiết bị chuyên dụng thông qua việc hợp tác với các tổ chức tại một số quốc gia như Pháp, Trung Quốc... để cử nhân sự tham gia làm việc và học tập.

Từ đầu năm 2024 đến nay, tập đoàn đã cùng Đại học Giao thông vận tải TP HCM tổ chức đào tạo kỹ sư đường sắt cho hơn 200 cán bộ kỹ sư công trình giao thông có nhiều kinh nghiệm.

Song song đó, công ty còn tổ chức đưa nhiều nhóm kỹ sư, công nhân trực tiếp tham gia làm việc, học tập tại công trình tuyến đường sắt liên thành phố Quảng Châu - Đông Quản - Thâm Quyến do Cục 2 - Tập đoàn Xây dựng đường sắt Trung Quốc (CSCEC2) thi công để nắm bắt công nghệ thi công hầm TBM.

Doanh nghiệp cũng cho biết đã đầu tư đặt hàng thiết bị khoan hầm TBM với Tập đoàn Công nghiệp nặng Đường sắt Trung Quốc (QRCHI) tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc...

Đèo Cả khẳng định việc triển khai sẽ tuân thủ nghiêm các yêu cầu kỹ thuật, an toàn, môi trường, tiến độ và đảm bảo tính minh bạch trong toàn bộ quá trình thực hiện.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng kiến nghị UBND TP HCM áp dụng các cơ chế của nghị quyết 188 của Quốc hội về phát triển đường sắt đô thị để chỉ định thầu giao cho liên danh thực hiện dự án metro số 2 (đoạn Bến Thành - Tham Lương) và một số dự án metro khác tại thành phố, thay vì tổ chức đấu thầu truyền thống.

"Vua đào hầm" nổi tiếng Việt Nam liên danh loạt DN lớn, đề xuất việc quan trọng cho tuyến metro 48.000 tỷ- Ảnh 2.

Đèo Cả nổi tiếng với hầm đường bộ Đèo Cả, một công trình giao thông quan trọng trên Quốc lộ 1, nối liền hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.

Về Đèo Cả (Mã: DCG), theo công bố báo cáo tài chính hợp nhất cả năm 2024 nhất đạt 9.646 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2023, lợi nhuận sau thuế đạt 735 tỷ đồng, tăng tới 14% so với cùng kỳ. Tính đến 31/12/2024, tổng tài sản của Tập đoàn Đèo Cả đạt hơn 50.041 tỷ đồng, vốn điều lệ hơn 4.206 tỷ đồng

Năm 2025, DCG đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 11.715 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 940 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 21% và 28% so với năm 2024.

Năm 2025, DCG cũng lên kế hoạch đầu tư vào các dự án PPP với tổng mức đầu tư 87.039 tỷ đồng, tập trung vào các dự án hạ tầng trọng điểm: Cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, cao tốc Vành đai 4 TP.HCM, cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận, cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh (giai đoạn 2), cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc. 

Bên cạnh đó, tích cực mở rộng thị trường, bổ sung lĩnh vực đầu tư với các dự án đường sắt tốc độ cao, metro, sân bay, cơ điện…với tổng giá trị các dự án dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng.

Hàng loạt doanh nghiệp lớn muốn tham gia tuyến metro TP HCM

Ngày 26/3/2025, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống metro với 7 tuyến, tổng chiều dài khoảng 355 km, trong lộ trình 10 năm.

Trong đó, 6 tuyến metro được xác định sẽ khởi công vào năm 2027, riêng tuyến metro số 2 sẽ được ưu tiên khởi công sớm hơn, dự kiến vào tháng 12/2025. Theo quy hoạch, tuyến metro số 2 đoạn Bến Thành - Tham Lương có chiều dài hơn 11 km, trong đó hơn 9 km đi ngầm và gần 2 km đi trên cao, với tổng cộng 10 nhà ga. Tuyến đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú (cũ) với tổng mức đầu tư khoảng 48.000 tỷ đồng.

Theo MAUR, công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành 100%. Dự kiến, việc lựa chọn tư vấn sẽ hoàn tất trong quý III/2025, để kịp khởi công vào cuối năm nay. 

Sau khi thành phố được trao nhiều cơ chế đặc thù trong đầu tư đường sắt đô thị (Metro), nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã đề xuất đầu tư các dự án Metro.

"Vua đào hầm" nổi tiếng Việt Nam liên danh loạt DN lớn, đề xuất việc quan trọng cho tuyến metro 48.000 tỷ- Ảnh 3.

TP HCM đã ấn định thời điểm khởi công tuyến metro vào cuối năm nay. Ảnh minh họa.

Tháng 6 vừa qua, Công ty cổ phần đầu tư Tập đoàn Trường Hải (THACO) đề xuất nghiên cứu đầu tư tuyến Metro số 2 (đoạn Tham Lương- Bến Thành; Bến Thành-Thủ Thiêm) và tuyến Thủ Thiêm- Long Thành. Tuyến đường sắt Bến Thành-Thủ Thiêm-Long Thành được chính quyền thành phố đánh giá cao vì giúp kết nối đồng bộ các tuyến Metro từ khu vực trung tâm thành phố (Bến Thành) đến khu đô thị Thủ Thiêm và kéo dài đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Liên danh Tập đoàn Đại Dũng, Tổng công ty xây dựng số 1 và Tập đoàn Hòa Phát (gọi tắt là Liên danh DCH) có đề xuất tham gia với vai trò tổng thầu EPC (thiết kế, thi công xây lắp, cung cấp thiết bị) cho các dự án Metro gồm tuyến Metro số 2 (Bến Thành-Tham Lương), tuyến Metro Thủ Thiêm-Long Thành và tuyến thành phố mới Bình Dương-Suối Tiên.

Nhà đầu tư này cam kết tham gia thi công tuyến Metro số 2 trong năm 2025.