Vượt mặt Huawei, một "gã khổng lồ" thương mại điện tử trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Trung Quốc: Doanh thu gần 1.000 tỷ NDT, Alibaba và Tencent cũng phải xếp sau

Do ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt thương mại từ Mỹ cùng nhiều yếu tố khác, Huawei đã chính thức mất ngôi doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Trung Quốc và để vị trí này lọt vào tay một "gã khổng lồ" thương mại điện tử.

Sau hơn 40 năm phát triển nhanh chóng, các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc không ngừng lớn mạnh, có sức ảnh hưởng từ thị trường trong nước đến quốc tế, trở thành lực lượng quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, là trụ cột tạo việc làm cho xã hội, đóng góp 50% thuế thu nhập của nước này.

Trong nhiều năm, Huawei luôn dẫn đầu trong danh sách 100 doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Trung Quốc. Dựa vào sức mạnh trong công nghệ 5G và sự gia tăng nhanh chóng doanh số bán điện thoại thông minh được hỗ trợ bởi các con chip do họ tự phát triển, doanh thu của Huawei đã từng đạt tới 900 tỷ NDT và việc vượt qua con số 1000 tỷ chỉ còn rất gần.

Vượt mặt Huawei, một "gã khổng lồ" thương mại điện tử trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Trung Quốc: Doanh thu gần 1.000 tỷ NDT, Alibaba và Tencent cũng phải xếp sau - Ảnh 1.

Tuy nhiên vào năm 2022, dưới tác động của các ”cơn bão” trừng phạt của Mỹ, tình trạng thiếu chip trong hoạt động kinh doanh tiêu dùng của Huawei đã dẫn đến doanh số bán hàng giảm mạnh. Từ đó khiến gã khổng lồ này đánh mất vị trí số một về doanh thu sau 6 năm giữ ngôi đầu.

Năm 2023, danh sách 100 doanh nghiệp tư nhân hàng đầu của Trung Quốc được công bố,  bảng xếp hạng tiếp tục có nhiều thay đổi. Với doanh thu 630,6 tỷ NDT, Huawei xếp vị trí thứ tư trong số các doanh nghiệp tư nhân lớn của Trung Quốc, tiến thêm một bậc so với năm ngoái. Tập đoàn Hengli với doanh thu 732,3 tỷ NDT chiếm giữ vị trí thứ ba.

Mặc dù vẫn chưa phục hồi như thời điểm trước khi cấm vận, nhưng ít nhất Huawei đã ổn định nền tảng kinh doanh của mình và vẫn có thể duy trì lợi nhuận hàng chục tỷ NDT mỗi năm. Đồng thời duy trì khoản đầu tư hàng trăm tỷ NDT cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) hàng năm.

Vượt mặt Huawei, một "gã khổng lồ" thương mại điện tử trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Trung Quốc: Doanh thu gần 1.000 tỷ NDT, Alibaba và Tencent cũng phải xếp sau - Ảnh 2.

Trong khi đó, đây là năm thứ 2 gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com vươn lên đứng đầu danh sách với doanh thu lên tới 951,5 tỷ NDT, vượt qua 2 “ông lớn” là Alibaba (đứng thứ 3) và Tencent (đứng thứ 5) với doanh thu lần lượt là 853 tỷ NDT và 560 tỷ NDT.

Từ góc độ công nghệ và đầu tư R&D, JD.com không thể cạnh tranh với Huawei, nhưng về doanh thu doanh nghiệp, JD.com là công ty có doanh thu cao nhất Trung Quốc và có thể được gọi là "doanh nghiệp tư nhân lớn nhất" đất nước tỷ dân.

Thành quả này của JD.com có liên quan mật thiết đến mô hình thương mại điện tử tự vận hành. Toàn bộ quá trình từ đặt hàng đến giao hàng đều diễn ra suôn sẻ và nhanh chóng. Hơn nữa, tốc độ giao hàng cũng rất nhanh, đơn hàng online có thể giao ngay trong ngày, có nơi xa còn có thể giao ngay ngày hôm sau, đây cũng lợi thế trong ngành thương mại điện tử. Nhờ nắm bắt và phát huy tốt lợi thế đó, JD.com chiếm được lòng tin của người tiêu dùng và nhanh chóng phủ sóng khắp Trung Quốc.

Sau khi mua lại Debon Express,  JD.com trở thành gã khổng lồ trong ngành hậu cần Trung Quốc. Khi trở thành công ty thương mại điện tử số một tại Trung Quốc, tập đoàn này có 3 đóng góp lớn sau đây cho đất nước và xã hội:

Đóng góp đầu tiên là tạo ra một lượng lớn việc làm cho người lao động. Theo đó, số lượng nhân viên của Tập đoàn này đã vượt quá 500.000 người, đặc biệt là trong thời gian 3 năm dịch bệnh, JD.com không những không sa thải nhân viên mà còn tăng gần 300.000 người.

Hơn nữa, sau khi JD.com mua lại Deppon Express, hãng này còn biến toàn bộ nhân viên thuê ngoài của Deppon Express trở thành nhân viên chính thức và đóng 5 khoản bảo hiểm xã hội, 1 quỹ nhà ở.  Mức lương trung bình hàng năm của nhân viên tuyến đầu của JD.com lên tới 120.000 NDT.  Ngoài ra, để giải quyết vấn đề nhà ở của nhân viên, JD.com đã chi hàng chục tỷ NDT thành lập "quỹ an ninh nhà ở" để hỗ trợ cho nhân viên của mình.

Vượt mặt Huawei, một "gã khổng lồ" thương mại điện tử trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Trung Quốc: Doanh thu gần 1.000 tỷ NDT, Alibaba và Tencent cũng phải xếp sau - Ảnh 3.

Đóng góp thứ hai là JD Logistics - công ty con của JD.com là đơn vị hỗ trợ khẩn cấp lương thực cấp quốc gia ở  đất nước tỷ dân. Đối với một quốc gia có dân số 1,4 tỷ người, an ninh lương thực là ưu tiên hàng đầu. JD.com đã tuân theo chỉ thị của nhà nước Trung Quốc để đảm bảo cung cấp và phân phối lương thực và dầu nhằm đảm bảo cung cấp đủ lương thực và giá cả ổn định.

Thứ ba, JD.com đã đóng một vai trò tích cực trong việc ứng phó khẩn cấp với các vấn đề xã hội, an ninh và năng lực tổ chức. Ngay từ trận động đất ở Tứ Xuyên năm 2008, JD.com đã ngay lập tức vận chuyển tất cả nhu yếu phẩm từ kho gần nhất đến khu vực xảy ra thảm họa; trong đợt dịch Vũ Hán năm 2020, JD.com đã ngay lập tức cung cấp khẩu trang, chất khử trùng và các thiết bị hữu ích khác giao đến Vũ Hán.

JD.com cũng đã gửi thêm 5.000 nhân viên chuyển phát nhanh từ khắp cả nước để đảm bảo việc vận chuyển các nhu yếu phẩm trong quá trình chống dịch ở Thượng Hải. Vào năm 2022, JD.com đầu tư hơn 2 tỷ NDT vào cuộc chiến chống lại dịch bệnh ở nhiều nơi trên khắp Trung Quốc. Trong danh sách "50 công ty thay đổi thế giới" năm 2022, JD.com đứng ở vị trí thứ hai.

Có thể nói, sự đi xuống của Huawei và sự trỗi dậy của JD.com có nhiều yếu tố chi phối. Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước mở cửa, đa dạng hóa, sự  cạnh tranh là quy luật tất yếu để tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp. Đó cũng là yếu tố giúp thúc đẩy kinh tế phát triển và đi lên.

(Theo Sohu)