WB: Kinh tế toàn cầu đang giảm tốc xuống mức tăng trưởng tương đối thấp

Tại báo cáo cập nhật công bố tháng 1/2025, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, kinh tế toàn cầu đang giảm xuống mức tăng trưởng thấp, không đủ để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Dự báo GDP toàn cầu tăng trưởng 2,7% trong năm 2025 và 2026

Theo nhận định của WB, kinh tế toàn cầu đang ổn định và phát triển rộng khắp, lạm phát giảm dần về mục tiêu đề ra và các biện pháp nới lỏng tiền tệ đã hỗ trợ hoạt động kinh tế tại các nước phát triển (AEs) cũng như tại các nước đang phát triển và mới nổi (EMDEs). GDP được dự báo sẽ tăng 2,7% trong năm 2025 và 2026, khi hoạt động thương mại và đầu tư tăng vững. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng có vẻ chưa đủ để bù đắp những thiệt hại do tác động tiêu cực của các cú sốc liên tiếp trong những năm qua, nhất là đối với các nước dễ bị tổn thương.

Cụ thể, báo cáo cho thấy, sau nhiều năm phải đối phó với các cú sốc liên tiếp, tình hình kinh tế toàn cầu có dấu hiệu cải thiện nhẹ từ tháng 6/2024. Lạm phát giảm dần, các nền kinh tế chủ chốt không giảm tốc quá mức, làn sóng nới lỏng chính sách tiền tệ ngày càng rộng khắp.

Thương mại toàn cầu phục hồi dần, mặc dù công nghiệp chế tạo tại một số nền kinh tế chủ chốt vẫn yếu ớt. Động lực thúc đẩy xu hướng phục hồi này là trao đổi hàng hóa, một phần là do lượng hàng tồn kho khá lớn. Trái lại, trao đổi dịch vụ tiếp tục giảm tốc. Trong năm 2025-2026, hoạt động thương mại được dự báo tiếp tục cải thiện, nhưng vẫn thấp hơn kết quả tăng trung bình trong giai đoạn 2010-2019. Rào cản thương mại ngày càng tăng, riêng số lượng các biện pháp hạn chế thương mại trong năm 2024 đã tăng 5 lần so với mức trung bình hàng năm trong giai đoạn 2010-2019.

Trong năm 2024, mặt bằng giá cả hàng hóa giảm khoảng 3,0%, chủ yếu là nhờ điều kiện cung ứng năng lượng và thực phẩm cải thiện, mặc dù căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang. Giá cả hàng hóa được dự báo sẽ giảm dần trong giai đoạn dự báo. Trong đó, giá dầu sẽ tiếp tục giảm sâu trong năm 2025-2026, do sản lượng dầu tăng cao trong khi nhu cầu yếu ớt, riêng giá kim loại cơ bản ít thay đổi. Sau khi giảm rõ nét trong năm 2024, giá cả các mặt hàng thực phẩm thiết yếu sẽ tiếp tục hạ nhiệt.

Trên toàn cầu, lạm phát cơ bản tiếp tục hạ nhiệt, phản ánh phần nào xu hướng giảm giá các mặt hàng hóa và tác động trễ của chu kỳ thắt chặt tiền tệ vừa qua. Hiện tại, lạm phát tại nhiều nước đang giảm về mục tiêu đề ra. Tương tự, lạm phát lõi cũng tiếp tục giảm dần, mặc dù vẫn tăng nhẹ tại một số nước, do lạm phát giá dịch vụ vẫn kéo dài.

WB: Kinh tế toàn cầu đang giảm tốc xuống mức tăng trưởng tương đối thấp- Ảnh 1.

Từ giữa năm 2024, điều kiện tài chính toàn cầu bắt đầu cải thiện nhẹ, chủ yếu là nhờ Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) bắt đầu nới lỏng tiền tệ và làn sóng đầu tư tăng cao. Trong năm 2025, mặt bằng lãi suất chính sách tại AEs được kỳ vọng tiếp tục giảm, nhưng vẫn cao hơn so với trong giai đoạn 2010-2019. Từ đầu năm 2024, hoạt động đầu tư phục hồi đã góp phần cải thiện điều kiện tài chính và thúc đẩy các dòng vốn vào EMDEs. Sau cuộc bầu cử tại Mỹ, hoạt động đầu tư tại Mỹ tiếp tục tăng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những rủi ro mang tính đặc thù tại mỗi quốc gia, USD và lợi suất trái phiếu tại Mỹ tăng cao đã phần nào xói mòn điều kiện tài chính tại EMDEs trong những tháng cuối năm 2024, hàng loạt đồng bản tệ của EMDEs mất giá và dòng vốn ra tăng cao. Gánh nặng dịch vụ nợ tiếp tục cản trở hoạt động kinh tế tại những quốc gia dễ bị tổn thương về tài chính, nhất là các nước thu nhập thấp (LICs). Trong số các nước thu nhập trung bình có mức tín nhiệm thấp, chênh lệch chủ quyền (chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ so với trái phiếu nợ quốc gia) tăng đáng kể trong năm 2024, mặc dù chi phí vay vốn tăng rất cao so với trong giai đoạn 2010-2019.

Trong bối cảnh trên, GDP toàn cầu được kỳ vọng ổn định ở mức tăng 2,7% trong ba năm 2024-2026, thấp hơn 0,4% so với kết quả tăng trung bình hàng năm trong giai đoạn 2010-2019 và thấp hơn so với trước đại dịch, phản ánh tác động triền miên của các cú sốc đối ngược trong những năm gần đây và những vấn đề mang tính cơ cấu. Động lực tăng trưởng yếu ớt cũng xói mòn tiềm năng kinh tế, tốc độ tăng trưởng tiềm năng giảm khoảng 1/3 kể từ những năm 2000.

Tại AEs, đà tăng trưởng khoảng 1,7% của GDP được dự báo tiếp tục được duy trì trong năm 2025-2026, nhưng thấp hơn so với trong thập niên 2010-2019. Trong năm 2025-2026, kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc, trong khi kinh tế khu vực đồng euro và Nhật Bản phục hồi nhẹ.

Tại EMDEs, GDP năm 2025-2026 được dự báo vẫn tăng khoảng 4,0%. Sau khi giảm nhẹ trong năm 2024, kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm tốc trong năm 2025-2026, nguyên nhân chủ yếu là do tiêu dùng yếu ớt. Nếu không tính Trung Quốc, GDP tại EMDEs sẽ tăng vững từ kết quả tăng 3,5% trong năm 2024 lên mức tăng 3,8% trong năm 2025-2026. Tuy nhiên, đại dịch và các cú sốc liên tiếp vẫn để lại hậu quả nặng nề, với GDP năm 2026 giảm khoảng 5% so với trước đại dịch.

Tại LICs, xung đột nghiêm trọng đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế, GDP năm 2024 chỉ tăng 3,6%. Do tình hình đã trở lại bình thường, nên GDP năm 2025-2026 được dự báo sẽ tăng tốc lên mức tăng trưởng 5,8%.

"Trong vài năm tới, xu hướng giảm tốc kinh tế tại Mỹ và Trung Quốc sẽ được bù đắp nhờ tốc độ tăng trưởng cao tại phần còn lại trên thế giới, bao gồm EMDEs. Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu đang giảm tốc xuống mức tăng trưởng tương đối thấp, không đủ để thúc đẩy phát triển bền vững và cải thiện thu nhập tại các nước nghèo", WB lưu ý.

Nhiều bất ổn tiềm tàng

Báo cáo của WB nhận định, kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với nhiều bất ổn khó lường, rủi ro tăng trưởng thấp vẫn hiện hữu. Kinh tế toàn cầu có thể tăng thấp hơn kỳ vọng do những thay đổi đối ngược tiềm tàng trong chính sách thương mại và bất ổn chính sách. Một sự bùng phát các biện pháp gây rối loạn thương mại, chủ yếu do AEs áp đặt, sẽ thường gây tác động không cân xứng đến EMDEs, đặt ra rủi ro đối với thương mại toàn cầu và hoạt động kinh tế.

Bên cạnh những thay đổi về chính sách liên quan đến thương mại, bất ổn chính sách kinh tế leo thang triền miên sẽ kìm hãm tăng trưởng, nhất là tại EMDEs. Căng thẳng địa chính trị leo thang liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine, tình hình Trung Đông, và những nơi khác trên thế giới có thể gây rối loạn thương mại và thị trường hàng hóa toàn cầu, gây tổn thương cho nền kinh tế.

Cùng với hiệu ứng lạm phát do những thay đổi trong chính sách thương mại và các cú sốc liên quan đến xung đột vũ trang gây ra, lạm phát có thể kéo dài hơn so với kỳ vọng nếu lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ vẫn tăng cao. Một rủi ro khác cần quan tâm là, GDP tại các nền kinh tế chủ chốt có thể tăng thấp hơn kỳ vọng (do tác động của một số yếu tố nào đó).

Triển vọng tăng trưởng yếu ớt và khó khăn thách thức nhấn mạnh sự cần thiết phải có giải pháp chính sách quyết đoán, tập trung các nỗ lực toàn cầu vào việc bảo vệ thương mại, xử lý những tổn thương về nợ nần, chống biến đổi khí hậu.

"Tại mỗi quốc gia, các nhà tạo lập chính sách cần tăng cường nỗ lực ổn định giá cả, củng cố nguồn thu ngân sách và chi tiêu hợp lý nhằm cải thiện năng lực tài khóa và đáp ứng đủ nguồn vốn cho hoạt động đầu tư cần thiết", WB nhấn mạnh.