Xây dựng tuyến ống ngầm hơn 21 km cung cấp nhiên liệu cho sân bay Long Thành

Tuyến ống đặt ngầm dưới đất, dài hơn 21 km cung cấp nhiên liệu cho sân bay Long Thành sẽ được thi công trong 7 tháng.

Ngày 7-11, UBND tỉnh Đồng Nai có cuộc họp với các đơn vị liên quan về hướng tuyến ống ngầm cung cấp nhiên liệu cho sân bay Long Thành.  

Theo Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PVOIL, chủ đầu tư tuyến ống), tuyến ống ngầm cung cấp nhiên liệu Jet A-1 từ kho đầu nguồn Gò Dầu (huyện Long Thành) về sân bay Long Thành có tổng chiều dài hơn 21 km, được chia làm 9 đoạn, trong đó có 8 đoạn nằm ngoài sân bay Long Thành.

Xây dựng tuyến ống ngầm hơn 21 km cung cấp nhiên liệu cho sân bay Long Thành- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức phát biểu

Theo quy hoạch về phương án hướng tuyến, vị trí tuyến ống phần lớn kéo dài theo các tuyến đường (cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Quốc lộ 51, đường T1 kết nối sân bay Long Thành, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành). 

Tuyến gồm 2 đường ống thép đặt song song, cách nhau 0,5 m, chiều sâu chôn ống là 2m; mỗi ống có đường kính hơn 400mm, chiều dày gần 13mm. Thời gian xây dựng tuyến ống khoảng 7 tháng.

Kết luận cuộc họp, ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho rằng năm 2026 sân bay Long Thành đi vào khai thác nên việc xây dựng tuyến ống ngầm cung cấp nhiên liệu phục vụ sân bay Long Thành cần sớm triển khai nhằm đảm bảo tính đồng bộ trong quá trình hoạt động của sân bay.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Đồng Nai cơ bản thống nhất với hướng tuyến ống do chủ đầu tư đưa ra, đồng thời đề nghị Sở Xây dựng, huyện Long Thành phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư tuyến ống rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, đảm bảo tuyến ống phù hợp các cấp độ quy hoạch. Đây là những công việc rất quan trọng, cần làm gấp, phải hoàn thành ngay trong tháng 11 này.

Trong khi đó, các ngành chức năng Đồng Nai đánh giá, hướng tuyến ống ngầm cung cấp nhiên liệu Jet A-1 từ kho đầu nguồn Gò Dầu về sân bay Long Thành cơ bản phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, giao thông. Đồng thời lưu ý chủ đầu tư đánh giá hệ thống điện hiện có trên phạm vi xây dựng tuyến ống. Từ đó, lên phương án đảm bảo quá trình triển khai tuyến ống không ảnh hưởng đến việc cung cấp điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Căn cứ ý kiến của cơ quan Trung ương và địa phương, thời gian qua đơn vị tư vấn đã hiệu chỉnh hướng tuyến đảm bảo tuyến ống đi ngầm độc lập dưới lòng suối, không gắn vào công trình cầu, cách xa trụ cầu, không ảnh hưởng đến dòng chảy của sông; nằm ngoài ranh hành lang an toàn của đường sắt, hạn chế tối đa vị trí cắt ngang với đường sắt. 

Đối với những đoạn tuyến đi qua khu vực đông dân cư, để đảm bảo an toàn giao thông và phòng chống cháy nổ, chủ đầu tư đã lên phương án lắp đặt đường ống đảm bảo an toàn chịu lực, tuân thủ quy định về phòng chống cháy nổ. Hướng tuyến sau khi hiệu chỉnh đảm bảo không ảnh hưởng đến quỹ đất và các quy hoạch liên quan của địa phương.