'Xé rào’ công viên

Những ngày này, một số công viên của Hà Nội như Thống Nhất, Cầu Giấy, Nghĩa Đô ở Hà Nội đang được chỉnh trang, tô điểm.

công viên - Ảnh 1.

Hàng rào công viên Thống Nhất đã được tháo dỡ - Ảnh: DANH KHANG

Dỡ hàng rào, tạo không gian mở đã thu hút quan tâm của người dân, bởi ai cũng kỳ vọng công viên sẽ phục vụ cộng đồng đúng nghĩa - trở thành nơi vui chơi, giải trí công cộng, sinh hoạt cộng đồng.

Phá rào, không bán vé qua cổng như trước đây xem như quyết định đột phá trong quản lý, được người dân đánh giá cao.

Công viên Thống Nhất đi cùng năm tháng

Nhìn lại, công viên Thống Nhất không chỉ là lá phổi xanh mà còn là chứng tích lịch sử hào hùng của nhân dân thủ đô. 67 năm trước (năm 1958), Hà Nội quyết định chọn khu vực đầm sình lầy, hồ nước và khu đất cạnh nhiều ngôi làng cổ đất Thăng Long xưa để xây dựng công viên tầm cỡ.

Đến năm 1961 chính thức khánh thành, lấy tên Thống Nhất với khát vọng sớm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bức ảnh ghi lại cảnh người dân ngồi trước thảm cỏ xanh mướt, phía sau là cổng chào được thiết kế sang trọng với niềm tự hào.

Để có được công viên hoành tráng ngày nay không chỉ rộng về diện tích mà có cả quần thể cây xanh thì nhiều tầng lớp nhân dân thời điểm đó đã tham gia phong trào trồng cây, dọn rác, nạo vét hồ không quản ngại nắng mưa.

công viên - Ảnh 2.

Công viên Thống Nhất đã trở thành lá phổi xanh cho nhiều khu dân cư rộng lớn từ hàng chục năm nay - Ảnh: D.KHANG

Trong hơn 15 năm trở lại đây, Hà Nội tiếp tục bắt tay cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới nhiều công viên với mong ước tăng thêm diện tích cây xanh, tạo ra không gian đáng sống cho người dân

Hàng rào công viên Cầu Giấy cũng đang được phá dỡ - Ảnh: Q.THẾ

Hiện nay, chiều cao và tuổi thọ trung bình của người Việt còn thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực. Năm 2020, tại Việt Nam chiều cao trung bình của nam là 168,1cm và nữ 156,2cm, trong khi đó Thái Lan (nam 171cm, nữ 159cm), Hàn Quốc (nam 174cm, nữ 161cm) và Nhật Bản (nam 172cm, nữ 158cm).

Trong một bài viết mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước - chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam phải đạt một mức nào ngang với các nước phát triển trong khu vực (ví dụ nam 175cm, nữ 163cm).

Để thực hiện hóa mục tiêu này, bên cạnh đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe toàn dân, xây dựng cơ sở thể thao, dinh dưỡng học đường, cải thiện chất lượng bữa ăn hằng ngày thì cần bắt tay vào phát triển hệ thống công viên, bởi nơi này sẽ là địa điểm vàng để rèn luyện sức khỏe.

Có lẽ để góp phần không nhỏ vào mục tiêu nói trên, cần sự quyết liệt trong chỉ đạo của người đứng đầu các địa phương để sớm hoàn thiện dự án xây công viên mới, cải tạo công viên cũ đang dở dang. Đừng để công việc này tiếp tục bị trì trệ, gây ra biết bao nhiêu bức xúc kéo dài không đáng có cho người dân.

'Xé rào’ công viên - Ảnh 4.

Nhiều loại cây xanh đã được trồng bổ sung bên trong công viên Cầu Giấy - Ảnh: Q.THẾ

công viên - Ảnh 6.

Công viên Cầu Giấy nhìn từ trên cao - Ảnh: D.KHANG

Từ đầu năm 2024, Thường trực Thành ủy, HĐND và UBND TP Hà Nội đã tổ chức giao ban với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã về công tác chỉnh trang, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới nhiều công viên trên địa bàn Hà Nội.

Theo đó, dự kiến đến năm 2025 công viên, vườn hoa được cải tạo sẽ đạt 91%. Tuy nhiên ghi nhận cho thấy công tác cải tạo, xây dựng mới nhiều công viên vẫn còn chậm tiến độ.

‘Xé rào’ công viên - Ảnh 7.Quá nể những 'vận động viên’ U80, U90 say sưa tập thể thao ở công viên Hà Nội

Hít xà, uốn dẻo, đẩy tạ… những “vận động viên” U80, U90 tại các công viên ở Hà Nội đã khiến nhiều người phải bất ngờ, chứng minh rằng tuổi tác chẳng hề là rào cản đối với đam mê thể thao.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề