Xóa 240.000 căn nhà tạm, dột nát trong năm 2025: Giải pháp nào để cán đích?

Với nỗ lực tăng cường xóa nhà tạm, nhà dột nát trong thời gian gần đây, Việt Nam đang tiến gần đích đến đầy tham vọng vào năm 2025. Tiến sĩ Richard Ramsawak (giảng viên Kinh tế, Đại học RMIT) nêu bật những yếu tố quan trọng giúp đảm bảo chiến dịch về đích thành công.

Xóa 240.000 căn nhà tạm, dột nát trong năm 2025: Giải pháp nào để cán đích?- Ảnh 1.

Hàng trăm nghìn hộ gia đình ở Việt Nam vẫn gặp khó khăn về nhà ở.

Vào tháng 4/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát động phong trào toàn quốc chung tay xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát với mục tiêu chậm nhất tới 31/12/2025 phải hoàn thành.

Từ năm 2000 đến 2023, hơn 1,7 triệu căn nhà đã được xây mới hoặc sửa chữa cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, còn khoảng 240.000 căn nhà phải hoàn thành trong năm nay để đạt mục tiêu đề ra.

Tiến sĩ Richard Ramsawak (giảng viên Kinh tế, Đại học RMIT) cho rằng, việc này đòi hỏi phải tích hợp bài học kinh nghiệm từ các thông lệ tốt nhất trên toàn cầu, tập trung vào lập kế hoạch chiến lược, sự tham gia của cộng đồng và triển khai bền vững.

Ông nhận định: "Bằng cách áp dụng phương pháp quy hoạch toàn diện, các cách tiếp cận có sự tham gia của người dân, giải pháp tài chính sáng tạo và tính minh bạch, phong trào toàn quốc không chỉ giúp thay thế các công trình kém chất lượng mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy phát triển lâu dài".

Xóa 240.000 căn nhà tạm, dột nát trong năm 2025: Giải pháp nào để cán đích?- Ảnh 2.

Tiến sĩ Richard Ramsawak, giảng viên Kinh tế, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam

Lập kế hoạch chiến lược cho phát triển cộng đồng

Vạch ra tầm nhìn chung cho phát triển cộng đồng là rất quan trọng. Bên cạnh việc cải tạo hoặc di dời nhà ở, nỗ lực cần tập trung vào cải thiện chất lượng cuộc sống nói chung thông qua các sáng kiến về y tế, giáo dục và hỗ trợ phát triển kinh tế.

Công tác tái định cư ở vùng nông thôn và miền núi nên tích hợp các chương trình nâng cao sinh kế, như đào tạo nghề và tài chính vi mô, để tăng năng suất và thu nhập. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng giáo dục, chăm sóc sức khỏe và giao thông sẽ đảm bảo người dân có thể tiếp cận các dịch vụ thiết yếu. Một số khoản đầu tư như vậy có thể huy động vốn thông qua quan hệ đối tác công-tư.

Để ưu tiên những địa điểm cần xây dựng nhà thay thế, có thể lập bộ chỉ số tái định cư dựa trên các yếu tố như tình trạng dễ bị tổn thương, điều kiện nhà ở và khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng, nhằm xác định các địa điểm có nhu cầu cao như vùng dễ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt hoặc bị cô lập về kinh tế-xã hội.

Đối với khu vực đô thị, Việt Nam có thể tham khảo mô hình nhà ở xã hội của Singapore – một ví dụ điển hình cho việc quy hoạch toàn diện sẽ giúp chi phí nhà ở hợp lý và tăng khả năng kết nối, tránh bị cô lập về kinh tế-xã hội cho người dân, đồng thời giảm suy thoái môi trường. Việt Nam cũng có thể lấy cảm hứng từ quá trình cải tạo các khu ổ chuột ở Medellin, thành phố lớn thứ hai của Colombia, nơi việc tích hợp không gian công cộng, hệ thống giao thông công cộng và các tiện ích đã phát huy hiệu quả.

Truyền thông hiệu quả và kết nối với các bên liên quan

Công tác truyền thông và gắn kết các bên liên quan là rất cần thiết để xây dựng niềm tin và đưa ra các giải pháp phù hợp với nhu cầu của cộng đồng. Một cách tiếp cận hữu ích là lập kế hoạch với sự tham gia đóng góp ý kiến của người dân về cách thiết kế nhà ở, các lựa chọn tái định cư và các tiện ích. Một ví dụ có thể tham khảo là chương trình Baan Mankong của Thái Lan, nơi cộng đồng được cùng thiết kế các giải pháp nhà ở, qua đó cải thiện sự hài lòng và tính bền vững.

Thu hút sự tham gia của cộng đồng vào mọi giai đoạn của dự án cũng đảm bảo các giải pháp phù hợp với văn hóa địa phương. Bằng cách thiết kế nhà ở phù hợp với các tập quán truyền thống và tạo điều kiện tiếp cận các cơ hội sinh kế như sản xuất nông nghiệp hoặc thủ công mỹ nghệ, có thể giảm thiểu gián đoạn tới cuộc sống của người dân và thúc đẩy ổn định lâu dài.

Hơn nữa, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình đóng vai trò then chốt để duy trì niềm tin của người dân. Quy trình thu hồi đất đai minh bạch, đấu thầu hợp đồng công khai và cơ chế giám sát chặt chẽ như kiểm toán độc lập và công bố báo cáo công khai là rất quan trọng. Ở đây, có thể kể đến Chương trình Tái thiết và phát triển của Nam Phi như một ví dụ minh họa cho cách đấu thầu minh bạch giúp phân phối nguồn lực công bằng.

Đảm bảo triển khai bền vững

Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc. Mô hình thông tin xây dựng (BIM) có thể hợp lý hóa các quy trình thiết kế để tạo ra nhà ở chống chịu thiên tai, tiết kiệm tài nguyên, phù hợp với điều kiện môi trường xung quanh. Sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và có nguồn gốc tại địa phương có thể giảm thiểu chi phí và tác động đến môi trường.

Tính linh hoạt và đổi mới trong việc huy động nguồn lực cũng rất quan trọng. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tổng kinh phí cần huy động để xóa nhà tạm, nhà dột nát ước tính lên tới hơn 6,5 nghìn tỉ đồng. Chính phủ có thể tận dụng nguồn tài trợ công, quan hệ đối tác công-tư và các mô hình kết hợp, như cách thành phố Mumbai của Ấn Độ đưa ra các chính sách nhằm khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp bất động sản tư nhân chung tay thay thế nhà ở cũ. Tính linh hoạt về quyền sở hữu (cung cấp các lựa chọn cho thuê hoặc sở hữu) cũng đảm bảo khả năng chi trả của người dân với năng lực kinh tế khác nhau.

Tốc độ triển khai và khả năng nhân rộng cũng rất quan trọng. Việc đơn giản hóa các quy trình hành chính là điều bắt buộc. Song song với đó, tiến độ xây dựng có thể được đẩy nhanh bằng các giải pháp nhà mô-đun hoặc nhà lắp ghép mà không ảnh hưởng đến chất lượng. Chương trình tái thiết các khu ổ chuột ở Trung Quốc là một mô hình có thể học tập về cách xây dựng nhanh chóng và tài chính linh hoạt có thể mang lại các giải pháp nhà ở quy mô lớn một cách hiệu quả.

Việc cân bằng giữa tốc độ, tính bao trùm và tính bền vững sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu nhà ở năm 2025. Bằng cách áp dụng phương pháp quy hoạch toàn diện, các cách tiếp cận có sự tham gia của người dân, giải pháp tài chính sáng tạo và tính minh bạch, phong trào toàn quốc không chỉ giúp thay thế các công trình kém chất lượng mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy phát triển lâu dài.