Đây là một số điểm mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Ngày 27/11, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
So với luật hiện hành, Luật BHYT mới có 8 nhóm điểm mới cơ bản như sửa đổi, cập nhật đối tượng tham gia, bổ sung cơ chế thanh toán thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở, bổ sung quy định cụ thể về chậm đóng, trốn đóng BHYT và các biện pháp xử lý, bổ sung quy định về cấp thẻ bảo hiểm y tế điện tử…
Cụ thể, luật quy định về khám bệnh, chữa bệnh BHYT, trong đó có đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu, chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.
Theo đó, việc chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo yêu cầu chuyên môn và khả năng đáp ứng của cơ sở y tế, chuyển về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu để điều trị, quản lý đối với các bệnh mạn tính.
Ngoài ra, một điểm mới nữa là quy định mức hưởng BHYT khi thực hiện thông cấp khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo hướng không phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh, giữ ổn định tỷ lệ mức hưởng BHYT theo quy định của luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp.
Theo đó, người tham gia BHYT được hưởng 100% mức hưởng khi
- Khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cấp ban đầu trong toàn quốc.
- Khi đi khám bệnh, chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cấp cơ bản trong toàn quốc.
- Khi khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cấp cơ bản, cấp chuyên sâu mà trước ngày 1/1/2025 đã được cơ quan có thẩm quyền xác định là tuyến huyện.
Đặc biệt, trong một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... người bệnh được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.
Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, hệ thống y tế của nước ta gồm 4 tuyến xã, huyện, tỉnh, trung ương. Tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, bổ sung (có hiệu lực từ ngày 1/1), hệ thống y tế phân làm 3 cấp: Cấp khám, chữa bệnh ban đầu, cấp cơ bản và cấp chuyên sâu.
Đồng thời, luật đã mở rộng một số phạm vi quyền lợi cho người có thẻ BHYT, trong đó có điều trị lác, tật khúc xạ của mắt cho người dưới 18 tuổi.
Luật BHYT mới cũng điều chỉnh tỷ lệ chi cho khám bệnh, chữa bệnh BHYT, chi dự phòng và tổ chức hoạt động BHYT từ số tiền đóng BHYT.
Cụ thể, tăng mức phân bổ từ nguồn thu BHYT để chi cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh lên 92%, giảm số tiền dành cho quỹ dự phòng, tổ chức hoạt động quỹ BHYT xuống 8%, trong đó dành tối thiểu 4% số tiền đóng BHYT cho quỹ dự phòng...
Bộ Y tế đánh giá những điểm mới nêu trên sẽ giải quyết được căn cơ những tồn tại, vướng mắc mang tính cấp bách sau 15 năm thực hiện Luật BHYT, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, bảo đảm an sinh xã hội, quyền, lợi ích của người tham gia BHYT…
Đồng thời, góp phần từng bước giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người tham gia BHYT và tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Riêng quy định liên quan đến cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh, đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu, chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh BHYT của luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.