Xử lý tình trạng 'có tiền không tiêu được' ?

Chậm giải ngân vốn đầu tư công trở thành căn bệnh kinh niên. Để thúc giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, chuyên gia kinh tế khuyến nghị rằng, Luật Đầu tư công sửa đổi cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tháo gỡ chồng chéo.

Xử lý tình trạng 'có tiền không tiêu được' ?- Ảnh 1.

Đường cao tốc Bắc - Nam Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: Hùng Lâm

Khắc phục tâm lý sợ sai

Một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Đầu tư công hướng tới là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Theo đó, quy định sửa đổi theo hướng: Thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách trung ương (giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương) từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội sang cho Thủ tướng Chính phủ; nâng quy mô vốn đầu tư công (dự án quan trọng quốc gia từ 30.000 tỷ đồng trở lên; dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C với quy mô gấp 2 lần so với hiện hành).

Phân cấp thẩm quyền cho người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do cơ quan, tổ chức mình quản lý với quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng; dự án nhóm A từ 10.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Chủ tịch UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A có quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng, nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý. Cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, việc sửa đổi Luật Đầu tư công nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật liên quan như Luật Xây dựng và Luật Phòng, chống thiên tai. Việc sửa đổi quy định trong Luật Đầu tư công nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cán bộ thực hiện và đảm bảo tính pháp lý.

“Một số cán bộ có tâm lý sợ sai và né tránh trách nhiệm, ảnh hưởng đến tính hiệu quả của các chính sách mới. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Đầu tư công hướng tới đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật liên quan, tránh chồng chéo và mâu thuẫn. Giải pháp để khắc phục tâm lý sợ sai, né tránh trách nhiệm của cán bộ, như tăng cường phân cấp, phân quyền và hướng dẫn cụ thể, tăng tính đồng bộ, linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cán bộ trong thực hiện”, Thứ trưởng Phương nói.

“Một số cán bộ có tâm lý sợ sai và né tránh trách nhiệm, ảnh hưởng đến tính hiệu quả của các chính sách mới. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Đầu tư công hướng tới đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật liên quan, tránh chồng chéo và mâu thuẫn”.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương

Xử lý chồng chéo quy định

TS. Nguyễn Quốc Việt - Viện trưởng Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công do quá nhiều văn bản chồng chéo liên quan đấu thầu, quy hoạch. Sự chồng chéo này khiến chủ đầu tư xin và chờ ý kiến phản hồi từ cơ quan cấp trên.

“Việc chồng chéo quy định, không rõ trách nhiệm khiến bộ ngành, địa phương là chủ đầu tư dự án xin ý kiến lòng vòng nhiều đơn vị. Điều này khiến thời gian quyết định dự án, giải ngân bị kéo dài. Tôi hy vọng, việc sửa đổi Luật Đầu tư công sẽ tháo gỡ vướng mắc này”, ông Việt nói.

Ông Việt cho rằng, thay vì phải lấy ý kiến của tất cả sở ngành về dự án, chỉ cần trao đổi, xin ý kiến của đơn vị liên quan và đặt ra thời hạn trả lời. Nếu các đơn vị không có phản hồi, coi như đã thống nhất với quan điểm đã nêu. Với các sở ngành khác, chỉ cần thông báo qua văn bản. Đó là cách giúp chủ đầu tư giải quyết được một số ách tắc về thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, vướng mắc liên quan tới cơ chế, chính sách, quy hoạch về đất đai , tài nguyên như đền bù giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu san lấp nền cho dự án cao tốc, cần sự tháo gỡ từ phía quản lý nhà nước và phối hợp giải quyết từ các bộ, ngành, địa phương liên quan.