Y tá Mỹ bị bệnh nhân xua đuổi vì xăm hình và xỏ khuyên

Nữ y tá, làm việc trong phòng cấp cứu ở Florida (Mỹ), cảm thấy thất vọng khi một bệnh nhân nam đưa ra yêu cầu bất thường chỉ vì thấy cô có hình xăm và xỏ khuyên.

Dawn cảm thấy thất vọng khi nam bệnh nhân xua đuổi mình vì xăm hình và xỏ khuyên. Ảnh: @dawntodusk9.

Trong video được đăng tải lên kênh TikTok @dawntodusk9, nữ y tá (muốn được gọi là Dawn) chia sẻ trải nghiệm bị một bệnh nhân nam xua đuổi. Anh ta yêu cầu đổi y tá khác chăm sóc mình khi thấy người phụ nữ xăm hình và xỏ khuyên.

“Tôi chỉ nghĩ đó là một yêu cầu rất kỳ quặc”, Dawn nói với Newsweek.

Nữ y tá cho biết hình xăm là cách cô tìm lối thoát cho những chấn thương tinh thần mình phải đối mặt trong công việc hàng ngày. Cô quay clip vì cần trút giận sau “một ca làm việc điên đầu”.

Dawn cho rằng một bệnh nhân đến khoa cấp cứu nhưng lại hạnh họe về dịch vụ chăm sóc mình nhận được, có thể không phải là trường hợp khẩn cấp thực sự.

“Mọi người có thể chọn bác sĩ riêng chăm sóc hàng ngày hay bác sĩ sản khoa. Nhưng khoa cấp cứu có các bác sĩ, y tá và kỹ thuật viên luân phiên nhau làm việc mỗi ngày. Chúng tôi đều được đào tạo bài bản và có tay nghề cao. Vì vậy, chúng tôi biết cách xử lý những trường hợp khẩn cấp”, cô nói.

Mặc dù thất vọng trước yêu cầu của nam bệnh nhân, Dawn nói rằng điều này không làm tổn thương cảm xúc của mình. Bởi lẽ, cô đã làm công việc này hơn 10 năm nay.

“Bệnh nhân đó hoàn toàn không biết tôi nhưng tôi biết giá trị của chính mình. Vì vậy, hành vi kỳ lạ không ảnh hưởng đến tôi quá lâu. Tôi có đông bệnh nhân mỗi ngày, nhiều người đã nói cảm ơn tôi”, cô chia sẻ.

Cuối cùng, Dawn bày tỏ mong muốn kết nối với các đồng nghiệp ở khắp nơi, những người có thể phải đối mặt với chuyện tương tự mỗi ngày.

Dưới video thu hút 600.000 lượt xem, nhiều người bày tỏ sự sửng sốt trước câu chuyện của Dawn. “Có chuyện gì với mọi người vậy? Xăm hình là có tội gì sao?”, một dân mạng bình luận.

Nhiều người đã “thả tim” cho Dawn và để lại phản hồi tích cực. Không ít đồng nghiệp trong ngành y cũng động viên cô.

“Y tá chúng tôi có thể xăm hình, xỏ khuyên hay thể hiện cá tính. Điều đó không có gì sai trái”, một người viết.

Một nhân viên y tế khác lên tiếng: “Tôi làm việc tại phòng cấp cứu. 90% đồng nghiệp của tôi xăm hình và họ rất vui tính”.

Trong phần bình luận, một phần nhỏ ý kiến ủng hộ bệnh nhân. “Nguyên tắc vàng là không xỏ khuyên và xăm hình tại nơi làm việc dường như đã biến mất”, một tài khoản phàn nàn.

“Công việc chăm sóc sức khỏe nói chung rất vất vả, nhưng khoa cấp cứu lại khó khăn và căng thẳng hơn nhiều. Chúng tôi cố cứu chữa những bệnh nhân bị thương hoặc hấp hối. Điều đó cũng phần nào ảnh hưởng đến tinh thần của chúng tôi”, Dawn nói và mong mọi người thông cảm hơn cho nghề nghiệp của mình.

Ky thi hinh xam anh 1

Thái độ kỳ thị hình xăm vẫn tồn tại ở nước Mỹ hiện đại. Ảnh minh họa: CNN.

Hình xăm rất phổ biến ở người Mỹ ngày nay. Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew ước tính 32% người trưởng thành ở xứ cờ hoa có hình xăm và 22% có nhiều hơn một hình xăm.

Tuy nhiên, dường như vẫn tồn tại một sự kỳ thị gắn liền với việc có hình xăm, đặc biệt đối với phụ nữ. Điều đó được nhấn mạnh trong một bài báo nghiên cứu năm 2017 trên Journal of Social Psychology (Tạp chí Tâm lý học Xã hội).

Nhóm nghiên cứu cho những người tham gia xem hình ảnh của một số đàn ông và phụ nữ có hoặc không có hình xăm. Họ được yêu cầu đánh giá về các cá nhân trong ảnh về tính cách, hành vi uống rượu, khả năng nhận thức…

Ở mỗi hạng mục, hình ảnh của những người có hình xăm đạt điểm kém hơn. Trong đó, phụ nữ có hình xăm được xếp hạng thấp nhất. Người có hình xăm chỉ được đánh giá tốt hơn về sức mạnh và sự độc lập.

Kết quả này cho thấy nhiều người vẫn định kiến về hình xăm trên cơ thể, đặc biệt với phụ nữ.

Sách chữa lành tại Việt Nam

Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.