Thông tin được PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó giám đốc Bệnh viện K chia sẻ tại hội thảo Điều trị đa mô thức bệnh ung thư và Quản lý bệnh viện trong kỷ nguyên số - Cập nhật ASCO 2024 diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày (30-31/10).
PGS Bình cho biết, bệnh ung thư là gánh nặng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2021 Việt Nam mất gần 3 triệu năm sống khỏe mạnh vì chết sớm hoặc phải sống trong tàn tật do bệnh ung thư. Chi tiêu cho y tế của Việt Nam trong năm này là 173 USD/người, trong đó, có một tỷ lệ lớn chi phí cho bệnh ung thư.
Theo thống kê năm 2023, quỹ bảo hiểm y tế đã chi trả 7.521 tỷ đồng cho thuốc điều trị ung thư, đứng đầu trong các chi trả thuốc điều trị bệnh của quỹ bảo hiểm y tế.
"Việt Nam có tỷ suất mới mắc cao thứ 101/185 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với 150,8/100.000 dân. Đứng đầu là Australia với tỷ suất mới mắc là 426,5/100.000 dân.
Xét trong khu vực châu Á, Việt Nam có tỷ suất mắc ung thư cao thứ 20/47 quốc gia, cao nhất là Nhật Bản với 267,1/100.000 dân", PGS Bình nhấn mạnh.
Với dân số 100 triệu dân, năm 2022, Việt Nam ước tính có hơn 180.000 trường hợp mới mắc ung thư và hơn 120.000 trường hợp tử vong do ung thư. Số ca mắc mới, tử vong mỗi năm đều tăng lên so với năm trước.
Trong đó, 3 loại ung thư phổ biến hàng đầu ở nam giới là gan, phổi, dạ dày. Trong đó, tỷ suất mắc mới ung thư gan là 35/100.000 nam giới, con số này với ung thư phổi là 31,5 và ung thư dạ dày là 18,6.
Theo ông, cả nước còn 2 tỉnh chưa có đơn vị chuyên khoa ung bướu là Tây Ninh và Bình Phước.
"Về nhân lực, chúng ta còn cách xa, thiếu nhiều bác sĩ, điều dưỡng trên tỷ lệ dân số và bệnh nhân ung thư. Ví dụ, chúng ta thiếu đến một nửa bác sĩ nội khoa ung bướu so với các nước thu nhập cao", PGS Bình phân tích.
Bệnh ung thư có 2 đặc điểm là tái phát và di căn, nên cần điều trị đa mô thức, kết hợp nhiều phương pháp phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, dinh dưỡng, tâm lý, thậm chí tôn giáo.
Trong đó, ngoại khoa mang tính chất triệt căn, với hơn 200 bệnh lý ung thư, 60% can thiệp ngoại khoa giúp điều trị ung thư. Đặc biệt những trường hợp phát hiện sớm có thể chữa khỏi, kéo dài thời gian sống chất lượng của bệnh nhân tốt nhất.
PGS Bình cho biết thêm, công cuộc phòng chống ung thư không phải một cá nhân, một bệnh viện, một tổ chức mà sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan quản lý nhà nước… Để hiện thực hóa mục tiêu giảm gánh nặng bệnh ung thư, cần chi phí đầu tư, cập nhật kiến thức hàng năm.
"Thế giới ước tính có 19-20 triệu người mắc bệnh ung thư một năm, trong đó nếu biết cách phòng bệnh 1/3 trong số này có thể phòng được, 1/3 có thể sàng lọc phát hiện sớm, điều trị khỏi, gánh nặng còn lại 1/3 phải sống chung với bệnh", PGS Bình nói.
Dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư ở nam giới
Ung thư gan
Ung thư gan là loại ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất và cũng là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong các loại ung thư ở Việt Nam.
Một số triệu chứng phổ biến nhất của ung thư gan là:
- Giảm cân.
- Ăn mất ngon.
- Cảm thấy rất no sau một bữa ăn nhỏ.
- Buồn nôn hoặc nôn mửa.
- Gan to, có cảm giác đầy dưới xương sườn bên phải.
- Lá lách to ra, cảm thấy như đầy dưới xương sườn bên trái.
- Đau ở bụng hoặc gần xương bả vai bên phải.
- Sưng hoặc tích tụ chất lỏng trong bụng.
- Ngứa.
- Vàng da và mắt.
Các triệu chứng khác có thể bao gồm sốt, nổi các tĩnh mạch trên bụng có thể nhìn thấy qua da và xuất huyết hoặc bầm tím bất thường.
Ung thư phổi
5 triệu chứng hay gặp nhất của ung thư phổi gồm:
- Ho kéo dài không rõ nguyên nhân.
- Ho máu.
- Đau ngực.
- Khó thở.
- Gầy sút cân, mệt mỏi,
Đôi khi những người mắc ung thư phổi thường không ho hay đau ngực, mà chỉ thấy xuất hiện cảm giác chán ăn, ăn không ngon kéo dài, gầy sút từ vài kg tới 5-6kg trong 1,2 tháng.
Ung thư dạ dày
Dấu hiệu của bệnh ung thư dạ dày bạn cần lưu ý:
- Đầy tức bụng.
- Chán ăn.
- Sụt cân chưa rõ nguyên nhân, mệt mỏi.
- Nôn ra máu.
- Ợ chua, đầy bụng sau khi ăn.
- Đi ngoài phân màu bất thường.