Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe gan. Nhiều loại thực phẩm có chứa các hợp chất đã được chứng minh giúp cải thiện men gan, bảo vệ chống lại sự tích tụ chất béo và giảm viêm cũng như stress oxy hóa.
Gan chịu trách nhiệm cho các quá trình của cơ thể từ sản xuất protein, cholesterol và mật đến lưu trữ vitamin, khoáng chất và thậm chí cả carbohydrate. Gan thường xuyên giải độc bằng cách loại bỏ độc tố khỏi máu.
Dưới đây là 3 loại đồ uống đặc biệt tốt cho gan:
Cà phê
Cà phê là một trong những loại đồ uống tốt nhất mà bạn có thể thử để tăng cường sức khỏe gan.
Theo Healthline, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống cà phê giúp bảo vệ gan khỏi bệnh tật, ngay cả ở những người đã có vấn đề về sức khỏe liên quan đến cơ quan này.
Ví dụ, các nghiên cứu trong bài đánh giá nghiên cứu năm 2016 đã chỉ ra rằng uống cà phê giúp giảm nguy cơ xơ gan hoặc tổn thương gan vĩnh viễn ở những người mắc bệnh gan mãn tính.
Bên cạnh đó, uống cà phê cũng có thể giúp giảm nguy cơ phát triển loại ung thư gan phổ biến. Nó cũng có tác dụng tích cực đối với bệnh gan và tình trạng viêm.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nó thậm chí còn liên quan đến nguy cơ tử vong thấp hơn ở những người mắc bệnh gan mãn tính. Những lợi ích lớn nhất được thấy ở những người uống ít nhất 3 tách cà phê mỗi ngày.
Đánh giá năm 2016 cho thấy những lợi ích này dường như bắt nguồn từ khả năng ngăn ngừa sự tích tụ chất béo và collagen. Chất béo và collagen là hai trong số những dấu hiệu chính của bệnh gan.
Cà phê cũng làm tăng mức độ chất chống oxy hóa glutathione. Chất chống oxy hóa trung hòa các gốc tự do có hại, được sản sinh tự nhiên trong cơ thể và có thể gây tổn thương các tế bào.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, lưu ý, cà phê cũng là một dạng chất kích thích, không khuyến khích uống quá nhiều, uống liên tục trong một ngày.
Cụ thể, một người bình thường có thể uống khoảng 250-400mg caffeine (tương đương 2-3 ly) một ngày.
Một số nhóm đối tượng như người mắc các bệnh lý mãn tính (tim mạch, đang bị rối loạn nhịp tim…) trước khi dùng thì phải hỏi ý kiến bác sĩ. Lý do cà phê có thể làm tăng nhịp tim, nhịp thở, có thể gây kích thích ở đường tiêu hóa, buồn nôn, đau dạ dày… hoặc làm tăng nhu động ruột.
Việc uống cà phê cần được kiểm soát phù hợp với sức khỏe, thể trạng, bệnh tật của từng người. Có người uống cà phê để sảng khoái nhưng có người uống bị mất ngủ. Người đang bị mất ngủ, lo âu nếu uống cà phê sẽ rất nguy hiểm.
Tương tự, người mắc các bệnh tim mạch uống cà phê sẽ làm tăng nhịp tim, rối loạn nhịp tim…
Phụ nữ có thai cũng nên thận trọng khi uống cà phê chứa caffeine. Cần lưu ý rằng cà phê đã khử caffeine vẫn chứa caffeine. Một tách cà phê bình thường có thể chứa 75 đến 165mg caffeine, trong khi cà phê khử caffeine chứa trung bình 2-7mg.
Trà
Trà được coi là có lợi cho sức khỏe, đặc biệt nhiều bằng chứng đã chỉ ra rằng nó có thể có những lợi ích cụ thể đối với gan.
Đánh giá năm 2020 về 15 nghiên cứu cho thấy trà xanh làm giảm mức độ enzyme gan ở những người mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Một nghiên cứu khác cũng có những phát hiện tương tự, báo cáo rằng việc bổ sung chiết xuất trà xanh trong 12 tuần làm giảm đáng kể các enzym gan alanine aminotransferase (ALT) và aspartate aminotransferase (AST) ở những người mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Thêm vào đó, một đánh giá năm 2017 phát hiện ra rằng những người uống trà xanh ít có khả năng mắc ung thư gan. Nguy cơ thấp nhất được ghi nhận ở những người uống bốn cốc trở lên mỗi ngày.
Tuy nhiên, một số người, đặc biệt là những người có vấn đề về gan, nên thận trọng và trao đổi với bác sĩ trước khi dùng trà xanh như một chất bổ sung. Đã có một số báo cáo về tổn thương gan do sử dụng các chất bổ sung có chứa chiết xuất trà xanh.
Tiến sĩ - Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam, chiết xuất trà xanh và hiếm gặp hơn là uống một lượng lớn trà xanh có liên quan đến các trường hợp tổn thương gan cấp tính rõ ràng trên lâm sàng, bao gồm các trường hợp suy gan cấp tính.
Các nghiên cứu lâm sàng ở người chứng minh rằng liều duy nhất lên tới 1,6g chiết xuất trà xanh được dung nạp tốt. Liều dung nạp tối đa ở người được báo cáo là 9,9g mỗi ngày, một liều tương đương với 24 tách trà xanh. Tác dụng phụ của chiết xuất trà xanh liều cao thường nhẹ và bao gồm nhức đầu, chóng mặt và buồn nôn.
"Để tránh tác dụng phụ này, chúng ta chỉ nên uống khoảng 4-5 tách trà xanh mỗi ngày và cần có chỉ định của bác sĩ khi sử dụng chiết xuất hoặc các sản phẩm có chứa chiết xuất trà xanh", TS Giang nhấn mạnh.
Nước ép củ cải đường
Nước ép củ cải đường là nguồn cung cấp nitrat và chất chống oxy hóa gọi là betalain. Các nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng nước ép củ cải đường có thể giúp giảm tổn thương oxy hóa và tình trạng viêm gan.
Tuy nhiên, mặc dù các nghiên cứu trên động vật có vẻ khả quan, nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác nhận lợi ích của nước ép củ cải đường đối với sức khỏe gan của con người.