Ngày 1/2, tức mùng 4 Tết Ất Tỵ 2025, lễ khởi công dự án đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đã diễn ra.
Theo quyết định của UBND tỉnh Bình Dương, liên danh Tổng Công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex IDC) – Công ty CP Phát triển hạ tầng kỹ thuật (Becamex IJC) – Công ty CP Phát triển hạ tầng kỹ thuật Becamex Bình Phước – Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả đã được phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư trúng thầu xây dựng đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành theo hình thức đối tác công tư (PPP) và xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 17.400 tỷ đồng theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Trong đó, riêng chi phí xây lắp hơn 8.833 tỷ đồng.
Thời gian khởi công xây dựng, hệ thống cơ sở hạ tầng và thời gian xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng là 36 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực.
Thời gian vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng là 32 năm 5 tháng kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho nhà đầu tư thu phí sử dụng đường bộ.
Tuyến cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành có tổng chiều dài trên 52 km, xuất phát từ đường Vành đai 3 (đoạn trùng với đường Mỹ Phước Tân Vạn thuộc phường An Phú, TP Thuận An, Bình Dương) và kết thúc tại Km52+159 giáp ranh giữa huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương) và thị xã Chơn Thành (tỉnh Bình Phước).
Hướng tuyến cao tốc đi qua các địa phận của Bình Dương như: TP Thuận An, TP Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên, huyện Phú Giáo và huyện Bàu Bàng, với quy mô 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục toàn tuyến, vận tốc thiết kế 100 km/h…
Tuyến cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành có đoạn đi trùng với đường ĐT.743 (từ TP Thuận An) và ĐT.747 (đến cầu Khánh Vân, TP Tân Uyên) với chiều dài khoảng 6,5 km.
Cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành sẽ thúc đẩy kinh tế liên vùng
Dự án cao tốc này tạo sự kết nối đồng bộ với các dự án khác như mở rộng quốc lộ 13, vành đai 3, 4 TP HCM, mở ra cửa ngõ mới kết nối đến Tây Nguyên và các hạ tầng lớn khác của vùng, gồm sân bay Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải...
Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành mở ra không gian phát triển mới cho toàn khu vực Đông Nam Bộ, kích hoạt những dư địa, tạo động lực cho phát triển công nghiệp, đô thị...
Cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành sau khi hoàn thành sẽ liên thông với cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa, kết nối với Tây Nguyên, tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh của các địa phương trong khu vực.
Dự án cũng góp phần hoàn thành mục tiêu 5.000km đường cao tốc cả nước trong giai đoạn 2021-2030.
Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc trung ương và là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia.
Quy hoạch mở ra các không gian đô thị mới, xứng tầm TP trực thuộc Trung ương trong tương lai, trong đó nổi bật là việc xác định rõ vành đai liên kết với vùng TP HCM, hành lang sinh thái ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và các trung tâm động lực dịch vụ, khoa học - công nghệ. Từ đó, nâng cao giá trị quỹ đất, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, cho rằng, các mục tiêu của quy hoạch đặt ra cho tỉnh là rất cao. Cụ thể, với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 10%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 15.800USD. Cùng đó, tỉnh phải phát triển không gian đô thị gắn với vùng TP HCM, theo mô hình vùng đô thị với khung cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại...