6 bí quyết bảo vệ đường tiêu hóa trong ngày Tết

() - Ngày Tết, không ít người ôm bụng vì khó chịu, đầy hơi, đau dạ dày, táo bón, thậm chí ngộ độc thực phẩm. Những lưu ý dưới đây từ bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai sẽ giúp bạn bảo vệ đường tiêu hóa.

Trong dịp Tết, chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng và lịch sinh hoạt có thể bị đảo lộn, dẫn đến nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe đường tiêu hóa, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh lý mạn tính như trào ngược dạ dày thực quản, viêm dạ dày mạn tính và hội chứng ruột kích thích.

Dưới đây là 5 bí quyết giúp bạn giữ sức khỏe đường tiêu hóa trong dịp Tết, do các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo:

Ăn đúng cách

Mâm cỗ ngày Tết tràn ngập các thực phẩm béo, chiên rán, cay nóng, hãy cố gắng hạn chế các món ăn này, nhất là với những người đã có bệnh về đường tiêu hóa.

6 bí quyết bảo vệ đường tiêu hóa trong ngày Tết - 1

Mâm cỗ Tết thường nên bổ sung thêm rau xanh, các loại rau luộc, hấp thay vì xào nhiều dầu mỡ (Ảnh: Phạm Hạnh).

Những món ăn giàu chất béo và gia vị cay dễ gây kích thích niêm mạc dạ dày và ruột, đặc biệt là ở người bị trào ngược dạ dày thực quản và viêm dạ dày mạn tính.

Hãy cố gắng ăn nhiều đồ luộc, hấp, thay vì chiên xào.

Nên ưu tiên chọn thực phẩm sạch, tươi sống và hạn chế các đồ thực phẩm có nhiều chất bảo quản.

6 bí quyết bảo vệ đường tiêu hóa trong ngày Tết - 2

Nên ăn nhiều rau xanh trong bữa ăn (Ảnh: Tú Anh).

Khuyến khích ăn nhiều rau xanh, trái cây. Các bữa ăn ngày Tết ở các gia đình thường nhiều chất đạm, chất béo, chất đường hơn ngày thường. Để hài hòa và cân đối, chúng ta chú ý có thêm trong thực đơn những món có rau, củ, quả luộc hoặc hấp, trái cây tươi sạch.

Những người có bệnh dạ dày, đường ruột hay người cao tuổi, những đồ ăn có nhiều chất xơ như măng khô, dọc mùng hoặc nhiều chất chát như quả sung, quả vả hoặc các món muối chua như dưa cà, kim chi ... cũng cần hạn chế. 

Cố gắng ăn đúng giờ để cơ thể quen với nhịp sinh học, giảm nguy cơ rối loạn tiêu hóa.

Đừng uống bia rượu khi đói

Rượu bia là một trong những nguyên nhân gây tăng tiết axit dạ dày và kích thích trực tiếp đến niêm mạc dạ dày, dễ dàng gây nên những cơn đau hay khó chịu vùng thượng vị.

Vì vậy, uống bia rượu không nên uống quá nhiều, đặc biệt không uống khi đói bụng hoặc sức khỏe đang trục trặc như đau bụng, đau đầu hay huyết áp chưa được kiểm soát tốt.

Đừng bỏ bữa sáng

Khi bạn bỏ bữa sáng, bạn sẽ có xu hướng ăn nhiều hơn vào các bữa còn lại, ăn vội vàng, ăn quá no dẫn đến đầy bụng, khó chịu.

Hãy đảm bảo một bữa sáng đủ dinh dưỡng trong suốt các ngày Tết, không nên dùng quá nhiều loại thực phẩm trong một bữa.

Ăn chậm nhai kỹ

Đây là nguyên tắc rất quan trọng với người có bệnh về đường tiêu hóa. Việc ăn chậm và nhai kỹ giúp giảm tải cho dạ dày và cải thiện quá trình tiêu hóa.

Duy trì nếp sinh hoạt lành mạnh

Hãy cố gắng ngủ đủ giấc, bởi thiếu ngủ làm suy giảm chức năng tiêu hóa.

Bên cạnh đó, nên tăng cường vận động nhẹ. Dù trong dịp Tết bận rộn, bạn nên dành thời gian tập luyện nhẹ nhàng như đi bộ, yoga hoặc tập thể dục.

Uống đủ nước

Uống nước đủ giúp duy trì đường ruột hoạt động tốt và ngăn ngừa tình trạng táo bón.

Ngoài ra, bạn có thể bổ sung men vi sinh, sữa chua ít đường, sử dụng thảo mộc (như gừng, bạc hà)... giúp giảm triệu chứng đầy bụng.

Đặc biệt lưu ý cho người có bệnh lý mạn tính đường tiêu hóa, trào ngược dạ dày thực quản cần tránh ăn quá no hoặc nằm ngay sau khi ăn; chia nhỏ các bữa ăn và duy trì tư thế ngồi thẳng trong ít nhất 2 giờ sau khi ăn.

Với người viêm dạ dày mạn tính cần hạn chế thực phẩm chua, cay, cà phê và đồ uống có gas. Luôn dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ.

Người bị hội chứng ruột kích thích, nên tránh các thực phẩm khó tiêu như đậu, bột mì và đồ ngọt. Duy trì các bữa ăn nhẹ nhàng, ăn chậm nhai kỹ.

Trong ngày Tết, nếu thấy các dấu hiệu đau bụng, buồn nôn hay đầy hơi kéo dài, tiêu chảy hoặc đầy hơi nặng, bệnh nhân cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa sớm để được đánh giá và điều trị kịp thời.