Sự tiếp xúc quá thường xuyên với khói hương trong dịp Tết, từ thắp hương gia tiên đến cúng lễ tại các địa điểm tâm linh, khiến cơ thể phải đối mặt với những nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn. Nguy cơ này càng tăng cao khi sử dụng các loại hương không an toàn.
Tăng nguy cơ tiếp xúc với hóa chất độc hại
Theo ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam, không phải loại hương nào cũng an toàn cho sức khỏe.
Hiện nay, do giá thành thấp và nguồn nguyên liệu tự nhiên ngày càng khan hiếm, nhiều nhà sản xuất sử dụng hóa chất công nghiệp để tẩm ướp, tạo mùi thơm và màu sắc bắt mắt cho hương.
"Khói từ các loại hương chứa hóa chất có thể chứa các hợp chất độc hại như: benzen, toluene và xylenes. Khi đốt cháy, chúng phát tán vào không khí, gây kích ứng mắt, mũi.
Nếu tiếp xúc lâu dài, có thể dẫn đến các tổn thương nghiêm trọng ở hệ hô hấp và nhiều cơ quan khác trong cơ thể", BS Mạnh cho biết.
Các chất độc này, khi hít vào, có thể bám vào niêm mạc đường hô hấp, gây viêm mãn tính, kích thích biến đổi tế bào và gia tăng nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư phổi.
Theo chuyên gia này, trước đây, hương hầu như chỉ được làm từ nguyên liệu tự nhiên như: gỗ trầm hương, bột quế hay các thảo mộc, tạo mùi thơm nhẹ nhàng và an toàn cho sức khỏe.
Nhưng hiện nay, nhiều loại hương chứa phẩm màu, lưu huỳnh, axit photphoric và các chất tạo mùi nhân tạo, thậm chí có cả vòng thơm benzene - một chất cực độc.
"Các loại hương càng thơm, càng sặc sỡ thì nguy cơ chứa hóa chất độc hại càng cao. Chúng không chỉ gây kích ứng tức thời như: chóng mặt, buồn nôn, mà còn tàn phá hệ thần kinh, gan, thận, gây đột biến gen và biến đổi tế bào", BS Mạnh cảnh báo.
Việc sử dụng loại hương này không chỉ ảnh hưởng đến người thắp hương, mà còn đặc biệt nguy hiểm đối với nhóm dễ bị tổn thương như: trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và người có bệnh nền.
Khói hương và các bệnh lý về hô hấp
Khói hương hóa chất chứa các hạt bụi mịn cùng chất khí độc hại, khi hít vào phổi sẽ bám vào niêm mạc đường hô hấp, gây kích ứng và tổn thương.
"Khói hương chứa benzen và các hợp chất VOC (hợp chất hữu cơ dễ bay hơi) tương tự như khói thuốc lá.
Chúng không chỉ gây viêm đường hô hấp mà còn ảnh hưởng lâu dài đến chức năng phổi, gây ra các bệnh như: hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) hoặc thậm chí ung thư phổi", BS Mạnh cho biết.
Bên cạnh đó, khói còn có thể gây kích ứng mắt, khiến mắt bị đỏ, chảy nước và khó chịu. Những người tiếp xúc da thường xuyên với khói hoặc bụi hương cũng có nguy cơ bị kích ứng hoặc nhiễm độc kim loại nặng.
Làm sao để sử dụng hương an toàn hơn?
Để giảm thiểu tác động tiêu cực từ khói hương, BS Mạnh khuyến cáo:
- Ưu tiên hương tự nhiên: Lựa chọn các loại hương có nguồn gốc rõ ràng, làm từ nguyên liệu tự nhiên như: trầm hương, quế, thảo mộc. Tránh xa các loại hương có màu sắc sặc sỡ hoặc mùi thơm quá nồng.
- Giảm lượng hương đốt: Không cần thắp quá nhiều hương cùng lúc. Thắp số lượng vừa phải, tập trung vào lòng thành kính thay vì số lượng.
- Thông gió tốt: Khi thắp hương, nên mở cửa sổ hoặc cửa chính để khói được lưu thông, tránh tích tụ trong không gian kín.
- Chú ý đối tượng nhạy cảm: Người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người có bệnh lý nền cần hạn chế tiếp xúc với khói hương để bảo vệ sức khỏe.