Trong 8 ngày nghỉ Tết (từ ngày 25/1 đến ngày 1/2), các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, thực hiện khám, cấp cứu gần 550.000 lượt bệnh nhân, chưa ghi nhận ổ dịch truyền nhiễm, ngộ độc thực phẩm và phản ánh thiếu thuốc dịp nghỉ Tết...
Trong đó, số người bệnh nhập viện điều trị nội trú là gần 200.000 người. Các cơ sở y tế đã thực hiện phẫu thuật hơn 19.000 ca, trong đó phẫu thuật cấp cứu do tai nạn là 3.275 ca; đỡ đẻ, mổ đẻ đón 16.508 trẻ chào đời.
Theo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), trong 8 ngày nghỉ Tết, số ca khám, cấp cứu; nhập viện, tử vong tai nạn nghi do giao thông, tai nạn nghi do pháo nổ giảm rõ rệt so với cùng kỳ Tết năm 2024.
Cụ thể, trong khoảng thời gian trên, các cơ sở y tế ghi nhận 481 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa; 47 ca khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế, chưa ghi nhận ca tử vong.
So với cùng kỳ năm 2024, tổng số khám, cấp cứu tai nạn nghi do pháo nổ, pháo hoa giảm 135 người (gần 23%); tổng số khám, cấp cứu tai nạn nghi do vũ khí, vật liệu nổ tự chế giảm 48 người (giảm khoảng 53%).
Ngoài ra, có hơn 700 người đến khám, cấp cứu do rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn tự chế biến, say bia/rượu trong 8 ngày, trong đó gần 450 người phải nhập viện theo dõi, điều trị, chưa ghi nhận ca tử vong.
Số lượt khám, cấp cứu tai nạn nghi liên quan đến giao thông trong 8 ngày là hơn 24.000 người, trong đó hơn 9.750 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú, theo dõi.
Số tử vong nghi do tai nạn giao thông là 159 người, trong đó tử vong trước khi đến cơ sở y tế là 66 người, tử vong tại cơ sở y tế là 38 người và tiên lượng tử vong xin về là 55 người.
So sánh với cùng kỳ Tết năm ngoái, số ca khám, cấp cứu nghi do tai nạn giao thông giảm gần 9%; số ca phải nhập viện điều trị, theo dõi giảm 11%; tử vong nghi do tai nạn giao thông giảm 28%.