Bác sĩ nêu điểm khác giữa sữa công thức và sản phẩm dinh dưỡng công thức

() - Trong khi sữa công thức được thiết kế mô phỏng sữa mẹ để nuôi trẻ sơ sinh không bú mẹ, sản phẩm dinh dưỡng công thức lại hướng đến nhiều đối tượng hơn.

Ngày nay, các kệ hàng sữa tại siêu thị, nhà thuốc ngày càng đa dạng với các nhãn hàng với tên gọi khác nhau như sữa công thức, sản phẩm dinh dưỡng công thức hay sản phẩm dinh dưỡng y học... nhưng không phải ai cũng hiểu rõ sự khác biệt giữa chúng.

Về lâu dài, việc nhầm lẫn các khái niệm, thuật ngữ với nhau có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ hoặc sức khỏe của người dùng.

Theo bác sĩ Vi Thị Tươi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng, sữa công thức là sản phẩm được sản xuất công nghiệp, mô phỏng thành phần dinh dưỡng của sữa mẹ. Sản phẩm dành riêng cho nhóm trẻ sơ sinh không được uống sữa mẹ, giúp cung cấp đầy đủ dưỡng chất thiết yếu.

Trong khi đó, sản phẩm dinh dưỡng công thức là nhóm sản phẩm được thiết kế với thành phần, tỷ lệ dinh dưỡng đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu đặc thù. Sản phẩm này bổ sung dinh dưỡng cân đối cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau như trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người cao tuổi khỏe mạnh...

Bên cạnh đó, sản phẩm dinh dưỡng y học là nhóm dùng cho bệnh nhân có nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt do bệnh lý như tiểu đường, suy dinh dưỡng, nằm phòng hồi sức tích cực, rối loạn chuyển hóa...

Sản phẩm hỗ trợ điều trị, cải thiện tiên lượng bệnh, phục hồi sức khỏe, được sử dụng dưới sự giám sát của chuyên gia y tế.

Bác sĩ nêu điểm khác giữa sữa công thức và sản phẩm dinh dưỡng công thức - 1

Bác sĩ Vi Thị Tươi tư vấn dinh dưỡng cho một bệnh nhi (Ảnh: BSCC).

Ngoài ra, theo bác sĩ Tươi, trên các vỏ hộp sữa hiện nay cũng có nhiều thuật ngữ, thành phần quen thuộc nhưng không phải ai cũng hiểu rõ.

Sữa non là dòng sữa đầu tiên từ vú mẹ sau sinh (3 ngày đầu), giàu protein, miễn dịch, yếu tố tăng trưởng. Sữa non cung cấp kháng thể IgG, IgA giúp bảo vệ trẻ sơ sinh, hỗ trợ phát triển hệ miễn dịch và tiêu hóa.

MCT là một loại chất béo dễ dàng hấp thu nhanh qua đường ruột. Chất béo này giúp cung cấp năng lượng nhanh cho người có hệ tiêu hóa kém, suy dinh dưỡng.

GI (Glycemic Index - Chỉ số đường huyết) là thước đo tốc độ và mức độ làm tăng đường huyết sau khi tiêu thụ carbohydrate, giúp kiểm soát đường huyết trong tiểu đường.

"Khi mua sản phẩm bổ sung dành cho bệnh nhân tiểu đường, người tiêu dùng cần quan tâm tới chỉ số GI của sản phẩm. Mọi người cũng cần cảnh giác những dòng sữa dành cho người tiểu đường nhưng không ghi rõ chỉ số đường huyết", bác sĩ Tươi chia sẻ.

Probiotic là các lợi khuẩn có lợi cho đường tiêu hóa, giúp cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, tăng cường miễn dịch, hỗ trợ tiêu hóa, giảm tiêu chảy.

Đạm A2 là loại đạm beta-casein chỉ chứa dạng A2, giúp giảm triệu chứng khó chịu tiêu hóa ở một số người nhạy cảm với đạm sữa.

Đạm thủy phân là loại protein đã được phân cắt thành các peptide nhỏ hơn hoặc amino acid, giúp hấp thu nhanh, hỗ trợ dinh dưỡng trong bệnh lý tiêu hóa kém, dị ứng thực phẩm. Sản phẩm chứa loại đạm này thường được dùng cho trẻ em, người dị ứng đạm sữa bò.

DHA là một acid béo omega-3 chuỗi dài, quan trọng cho sự phát triển não bộ và thị giác ở trẻ nhỏ, giảm nguy cơ bệnh tim mạch ở người lớn.

FOS, GOS là một dạng prebiotic có trong các sản phẩm sữa công thức dành cho trẻ nhỏ. Hai chất này giúp hỗ trợ cân bằng hệ vi sinh đường ruột, phòng chống nhiễm khuẩn tiêu hóa, từ đó cải thiện miễn dịch.

HMO là các dưỡng chất có tự nhiên trong sữa mẹ như 2'-FL, LNT, 3'-SL... Trẻ không được uống sữa mẹ sử dụng sữa công thức chứa các HMO thay thế có thể được hỗ trợ miễn dịch, ngăn ngừa nhiễm khuẩn, phát triển hệ vi sinh vật đường ruột đặc hiệu như ở trẻ bú mẹ.

Lactoferin là một dạng protein có khả năng liên kết sắt, có trong sữa mẹ và sữa bò. Chất này giúp kháng khuẩn, kháng virus, hỗ trợ miễn dịch, hỗ trợ hấp thu sắt, ngừa thiếu máu ở trẻ sơ sinh.