![]() |
"Bậc thầy" làng nghề nuôi rắn hổ mang
Đặt chân đến xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) hỏi đường đến nhà ông Sử "rắn" hầu hết ai cũng biết, bởi ông được mệnh danh là "bậc thầy" nuôi mãng xà của làng.
Bắt đầu bằng sở thích nuôi rắn hoang dã, năm 1993, ông Lê Văn Sử (72 tuổi, khu 12, xã Tứ Xã) lặn lội đạp xe đạp vào thị trấn Phố Vàng (huyện Thanh Sơn) cách nhà khoảng 60km để tìm mua cặp rắn hổ mang về nhà nuôi.
Theo ông Sử, những ngày đầu ông mang rắn về, cả nhà đều sợ hãi, hoảng hốt vì sợ bị rắn cắn. Mặc dù vậy ông vẫn bỏ ngoài tai tất cả và tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng cặp rắn của mình.
Sau thời gian ngắn chăm sóc, cặp rắn ông Sử nuôi lớn nhanh, sinh sản tốt và tạo nguồn thu nhập ổn định. Thấy vậy, anh em trong gia đình ông và sau đó là cả làng bắt đầu học tập kinh nghiệm, nuôi loài rắn kịch độc này.
![]() |
Ông Sử được mệnh danh là "bậc thầy" nuôi rắn cùng vết tích bị rắn cắn ở tay phải. Ảnh: Đức Hoàng |
Ông Sử chia sẻ, nghề nuôi rắn hổ mang cực kỳ nguy hiểm, chỉ cần một sơ sẩy nhỏ bị rắn cắn là có thể mất mạng. Nhẹ hơn thì các khớp ngón tay bị hoại tử phải tháo bỏ. Bằng chứng là bàn tay phải của ông đã mất gần một đốt ngón tay vì bị rắn cắn.
Ông Sử nhớ lại, tháng 10/2000, ông bắt một con rắn to khoảng hơn 2kg để bán cho khách. "Như mọi lần tôi dùng cây móc để ghìm, giữ chặt đuôi rắn, khi cho đầu rắn vào bao tải, do chủ quan nên bị rắn cắn một vết vào giữa ngón tay trỏ ở bàn tay phải".
Mặc dù ông đã nhanh chóng sơ cứu, rồi chạy vào nhà để lấy thuốc đắp nhưng do vết cắn quá sâu, lượng độc tố của rắn không đào thải hết nên phần đốt ngón tay đó cứ thế teo dần và hoại tử phần thịt.
![]() |
Hai bàn tay của ông Lập với vết tích để lại do bị rắn hổ mang cắn. Ảnh: Đức Hoàng |
Cũng bị mất một phần bàn tay như ông Sử, ông Bùi Văn Lập (51 tuổi) vẫn nhớ như in ngày bị rắn cắn vào năm 2006 khiến ông bị mất ngón tay trỏ trái và bị teo cơ, gân ngón áp út bên phải.
Ông Lập nhớ lại, thời điểm đó ông bắt rắn đực để phối giống, do sơ sẩy nên bị rắn cắn vào ngón tay. Lúc bị rắn cắn rất buốt và nhức, dù ông đã sơ cứu nhưng do tác động của nọc độc quá lớn nên ngón tay trỏ trái đã bị hoại tử và phải tháo bỏ.
"Sau nhiều năm nuôi rắn, điều may mắn nhất với tôi là vẫn giữ được mạng sống", ông Lập nói.
Tiết lộ ở làng rắn
Là người theo ông Sử để học nghề, ông Khổng Văn Hoàn (55 tuổi) có 20 năm kinh nghiệm nuôi rắn hổ mang. Hiện nay, ông Hoàn đang nuôi khoảng 1.000 con rắn với phần lớn là rắn cái để sinh sản, trong đó con già nhất đã gần 10 năm tuổi.
Đứng trong khu vực nuôi rắn của ông Hoàn, những tiếng thở phì phò của loài rắn từ trong các lồng nhỏ cũng đủ khiến nhiều người khiếp sợ. Lượng nọc độc tiết ra từ một cú cắn của rắn hổ mang có thể hạ gục một người trưởng thành trong 30 phút.
Rắn của ông Hoàn được nhốt trong các lồng nhỏ, quây kín bằng tường gạch và có cửa đảm bảo an toàn. Cửa này chỉ mở khi cho rắn ăn và bắt rắn để phối giống hoặc bán.
![]() |
Rắn hổ mang được nuôi trong các chuồng nhỏ ở làng rắn Tứ Xã. Ảnh: Đức Hoàng |
Trước đây, thức ăn hàng ngày ưa thích của rắn là cóc nhưng hiện nay cóc không có nhiều, giá thành cao nên cả làng chuyển sang cho rắn ăn gà, vịt mới nở được thải, loại từ các lò ấp gà, vịt con. Cứ 3 ngày sẽ cho rắn ăn một lần theo đúng định lượng.
Ông Hoàn cho biết, nuôi rắn không quá vất vả, nếu rắn khoẻ không bị chết sẽ cho hiệu quả kinh tế khá cao. Chỉ có điều, nghề nuôi rắn rất nguy hiểm và phải hết sức cẩn trọng, không bao giờ được chủ quan.
Theo ông Hoàn, Khi rắn phát hiện mối nguy hại, chúng sẽ tự vệ bằng cách dùng răng nanh cắn đối phương và tiết ra chất độc từ các lỗ trong răng nanh.
Thường người nuôi rắn chỉ bắt rắn vào lúc xuất bán và lúc cho rắn phối giống. Khi bắt phải sử dụng cây chuyên bắt rắn và phải đeo găng tay bảo hộ. Chỉ một phút sơ sẩy nhỏ sẽ ảnh hưởng đến tính mạng.
Theo ông Khổng Văn Hoàn, vì cả làng nuôi rắn nên mọi người đều được truyền dạy các bài thuốc chữa rắn cắn. Các con đường trong làng cũng có nhiều cây thuốc nam có thể sơ cứu và chữa rắn cắn.
Do đó, dù nghề nuôi rắn hổ mang rất nguy hiểm, nhưng người dân vẫn bám trụ vì tạo thu nhập cao và có cách phòng tránh.
Ông Đoàn Minh Huân, Chủ tịch UBND xã Tứ Xã cho biết, sau những năm cực thịnh với hơn 200 hộ nuôi rắn, hiện tại, còn lại 60 hộ vẫn còn gắn bó với nghề. Giá thị trường của rắn hổ mang trong 2 năm nay ổn định khoảng 600.000 đồng/kg. Trứng rắn có giá khoảng 50.000 đồng/quả. Doanh thu từ nuôi rắn của cả làng đạt hơn 6 tỷ đồng/năm.
Sách chữa lành tại Việt Nam
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.