Gói trừng phạt toàn diện này, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu nhôm của Nga, sẽ được các bộ trưởng ngoại giao EU chính thức thông qua vào thứ Hai tuần tới.
"EU đang siết chặt hơn nữa việc lách luật bằng cách nhắm mục tiêu vào đội tàu ngầm của Nga và áp đặt lệnh cấm xuất nhập khẩu mới", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen viết trên X. "Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục gây áp lực lên Điện Kremlin", bà nói thêm.
Vòng trừng phạt thứ 16 của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang hối thúc Ukraine và các đồng minh châu Âu của nước này tiến tới thỏa thuận ngừng bắn bằng cách khởi động các cuộc đàm phán trực tiếp với Moscow để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Cuộc đàm phán giữa Moscow-Washington tại Saudi Arabia đã kết thúc với 4 nguyên tắc có lợi cho đôi bên là dấu hiệu "tan băng" trong quan hệ Nga-Mỹ.

Gói trừng phạt thứ 16 của Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhắm vào ngành sản xuất nhôm béo bở của Nga. (Ảnh: rusal.ru)
Bên cạnh việc nhắm vào ngành nhôm béo bở của Nga, các biện pháp mới do EU ban hành còn nhắm vào "hạm đội ngầm" (hay "đội tàu ma") được sử dụng để lách lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu của Nga, bằng cách đưa thêm 73 tàu cũ vào danh sách đen. "Tàu ma" - theo cách gọi của truyền thông phương Tây, dùng để chỉ những con tàu chuyên vận chuyển dầu thô xuất khẩu của Nga để lách các lệnh trừng phạt của EU.
Liên minh châu Âu cũng sẽ ngắt kết nối thêm 13 ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT toàn cầu và cấm thêm 8 cơ quan truyền thông Nga phát sóng ở châu Âu.
Các quan chức châu Âu dường như đang phản ứng lại các động thái của Tổng thống Donald Trump được nhận định là đảo ngược 3 năm ủng hộ kiên định của Mỹ đối với Kiev, bằng cách bắt đầu các cuộc đàm phán riêng với Moscow.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chỉ trích cuộc họp ở Saudi Arabia vì không có bất kỳ đại diện nào từ Kiev, đồng thời kêu gọi các cuộc đàm phán "công bằng" có sự tham gia của nước này và các nước châu Âu.
EU đang cố gắng lên tiếng vì lo ngại một thỏa thuận hòa bình giữa Washington và Moscow có thể không tính đến lợi ích của Ukraine.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ cho biết EU sẽ vẫn đóng vai trò trong các cuộc đàm phán tiềm năng nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine, bởi các lệnh trừng phạt mà khối này áp đặt đối với Nga.
Hội đồng châu Âu vào ngày 16/12 đã thông qua gói trừng phạt thứ 15 đối với Nga, nhắm vào năng lực quân sự, công nghiệp và doanh thu xuất khẩu của nước này.
Gói trừng phạt thứ 15 bao gồm 54 cá nhân và 30 thực thể chịu trách nhiệm về các hành động làm suy yếu hoặc đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập của Ukraine.
EU chủ yếu nhắm vào các công ty quốc phòng và công ty vận tải biển của Nga vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu bằng đường biển. Một nhà máy hóa chất và một hãng hàng không dân dụng của Nga - bên cung cấp hỗ trợ hậu cần quan trọng cho quân đội Nga - cũng nằm trong danh sách bị trừng phạt.
Hội đồng châu Âu tuyên bố lệnh cấm đi lại, đóng băng tài sản và lệnh cấm cung cấp nguồn lực kinh tế đã được áp dụng đối với "nhiều tác nhân Trung Quốc" cung cấp linh kiện máy bay không người lái và linh kiện vi điện tử cho Nga.