'Bé ba' đắt hơn cả ngày lương, mẹ mua đồ fake để con 3 tuổi bớt đòi

Baby Three đang khiến các bậc phụ huynh tranh cãi gay gắt. Nhiều cha mẹ sẵn sàng chi tiền triệu để chiều con, số khác nghĩ đây là món đồ chơi vô bổ, mua chỉ phí tiền.

"Một con Baby Three bằng 2 ngày công của mẹ, bằng 2 ngày mua thức ăn cho cả nhà. Mua về chơi chỉ được 1-2 ngày chán là vứt xó... Phí cả tiền!". Đó là chia sẻ của một người mẹ khi con gái đòi mua "bé ba", món đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc, đang "gây bão" trên nhiều diễn đàn.

Dưới phần bình luận, nhiều phụ huynh "chia phe", người cho rằng đó là món đồ chơi vô bổ, mua chỉ phí tiền, trong khi số khác lại có quan điểm gia đình có điều kiện thì cho con chơi.

Tri Thức - Znews trò chuyện với nhiều phụ huynh về xu hướng con nhỏ yêu thích món đồ chơi "hot trend" Baby Three. Trong khi nhiều bậc cha mẹ nhất quyết từ chối mua cho con vì cho rằng giá thành quá đắt đỏ, số khác xem đây là món đồ chơi hấp dẫn, đẹp mắt, phù hợp làm quà cho trẻ nhỏ.

dap hop Baby Three anh 1

Trào lưu săn Labubu, đập hộp Baby Three gây sốt vào nửa cuối năm 2024 khi thu hút hơn 3,12 triệu thảo luận trên mạng xã hội, theo YouNet. Ảnh: Đào Phương.

Mua hàng nhái để con bớt đòi

Từ năm ngoái, khi mạng xã hội rộ lên trào lưu mua Labubu, và gần đây nhất là săn Baby Three, con gái hơn 3 tuổi của chị Ánh Tuyết (31 tuổi, Nghệ An) tỏ ra thích thú và thỉnh thoảng đòi mẹ mua.

Tuy nhiên, bà mẹ 2 con nhất quyết nói "không" với loại đồ chơi này vì cho rằng quá tốn kém và lãng phí.

"Một hộp Baby Three nhỏ cũng tốn vài trăm nghìn đến nửa triệu đồng, nhiều hơn cả thu nhập một ngày của tôi, quá đắt. Trong khi những món đồ chơi mua cho con, dù thích thú đến đâu, bé chỉ chơi đến ngày thứ 3 là bắt đầu không thèm ngó nữa. Chắc chắn Labubu hay Baby Three cũng không ngoại lệ, nên tôi không có ý định chiều con", chị nói.

Suy đoán của chị đã đúng khi dịp sinh nhật con vào cuối năm ngoái, một người quen tặng bé một mẫu Baby Three, loại mắt lé, có thể xỏ dây làm túi đeo. Chỉ chơi vài ngày, con gái chị đã đem vứt xó.

"Hôm đầu nhận quà, con bé mê tít, cứ xoay đi xoay lại mắt con búp bê, tối đòi ôm đi ngủ. Nhưng tới hôm nay thì tôi không biết món đồ đó đã thất lạc ở đâu", chị Tuyết kể.

Theo chị Tuyết, thay vì mua một con búp bê đắt tiền để theo trào lưu, mua cho con những mẫu quần áo, cặp sách in hình Baby Three hoặc các mẫu thú nhồi bông nhái theo kiểu đó cũng đủ làm con thích thú, vừa tiết kiệm tiền.

dap hop Baby Three anh 2

Theo báo cáo của các sàn thương mại điện tử, trong 6 tháng cuối năm, có đến gần 49.000 sản phẩm liên quan đến Labubu và Baby Three được bán ra mỗi tháng. Ảnh: Việt Hà.

Đồng tình với chị Tuyết, anh Trường Giang (công chức ở Vĩnh Long) cũng không chiều ý khi con gái học lớp 3 muốn mua "bé ba". Người cha tận dụng cơ hội này để dạy con suy nghĩ cẩn thận và chịu trách nhiệm với quyết định bản thân.

"Thay vì chiều ý, mua đồ chơi ngay lập tức cho con, tôi gợi ý bé suy nghĩ lại và dành món quà này vào dịp đặc biệt như sinh nhật sắp tới. Tôi cũng nhắc con bé suy nghĩ về giá trị thực tế mà món quà này mang lại", anh cho biết.

Đến cận ngày sinh nhật, anh Giang hỏi lại thì con gái vẫn còn thích. Song, cô bé nhấn mạnh muốn Baby Three dạng túi xách, có thể chứa tiền tiêu vặt và bánh kẹo, chứ không thích búp bê hình gấu, thỏ bông. Lúc này, anh Giang mới đồng ý.

"Món quà 400.000 đồng giờ đây có giá trị hơn hẳn khi con tôi được dịp học cách tính toán, chịu trách nhiệm với quyết định của bản thân", anh cho hay.

Món quà thưởng cho con

Cách đây ít ngày, khi con trai 6 tuổi hoàn thành tốt bài tập và một số công việc mà bố mẹ giao, anh Anh Cường (30 tuổi, kinh doanh tại Hà Nội) tặng con phần thưởng là hộp Baby Three.

"Dòng tôi mua cho con là Baby Three V2 400%, giá dao động 650.000 đồng/box và box mini khoảng 300.000 đồng. Tôi nghĩ các con còn nhỏ đều muốn được theo đuổi sở thích, món quà vừa làm tinh thần các bạn thoải mái, không bị quá tò mò, đủ thích thú", anh chia sẻ.

dap hop Baby Three anh 3

Anh Cường chỉ thưởng đồ chơi cho con trai khi cậu bé hoàn thành tốt bài tập và công việc cha mẹ giao. Ảnh: NVCC.

Nhưng để tránh con đòi liên tục, anh Cường chỉ mua và thưởng khi con trai đạt thành tích tốt trong học tập và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

"Nói chung nên chiều con ở mức vừa phải. Nếu con cố đòi bằng được, tôi sẽ giải thích cho bé món đồ chơi này có giá đắt đỏ, giúp con hiểu được sự vất vả của bố mẹ khi mua nó", người cha nói.

Cùng quan điểm với anh Cường, nhiều cha mẹ cũng thấy Baby Three là món đồ chơi phù hợp để làm quà cho con.

Từ những tháng cuối năm 2024, con gái đang học lớp 2 của chị Ngọc Chắc (40 tuổi, kinh doanh ở Hậu Giang) bắt đầu đòi mẹ mua đồ chơi Baby Three. Thử tìm hiểu trên Internet, người mẹ bất ngờ với mức giá mỗi hộp blind box (túi mù).

"Tôi ngạc nhiên vì có mỗi con búp bê mà giá thấp nhất là 300.000 đồng. Hồi nhỏ bản thân có bao giờ được mua món đồ chơi đắt thế này", chị kể.

dap hop Baby Three anh 4

Con gái chị Ngọc Chắc vui hẳn khi được mẹ cho Baby Three. Ảnh: NVCC.

Ban đầu, chị Chắc từ chối vì cho rằng số tiền đó không xứng đáng. Song, khi thấy con buồn, kể với mẹ bạn bè cùng lớp ai cũng có, người mẹ lại xiêu lòng rồi xuống tiền.

Mua được món đồ chơi mong ước, con gái chị vui hẳn, nhờ mẹ chụp hình cùng Baby Three mắt lé để đăng lên mạng xã hội. Đến tối, bé lại ôm búp bê đi ngủ, sáng dậy thì lại gần nói nhỏ: "Con cảm ơn mẹ".

Thấy con vui, chị càng không tiếc tiền mua thêm vài hộp mỗi khi bé đạt điểm cao. Đến nay, chị đã chi gần 3 triệu đồng để mua 6 chú Baby Three với đủ kiểu dáng, từ túi xách đến búp bê hình 12 con giáp.

"Nhiều người nghĩ đồ chơi với trẻ con là không cần thiết nhưng với chúng đó là cả một bầu trời hạnh phúc. Tiền có thể kiếm lại nhưng tuổi thơ con chỉ có một", chị trả lời khi được hỏi về tranh cãi có nên mua Baby Three cho con hay không.

Theo YouNet, trong 6 tháng cuối năm 2024, đã có 293.000 sản phẩm liên quan đến Labubu, Baby Three từ 30 cửa hàng hàng đầu trên Shopee và TikTok Shop được tiêu thụ. Điều này đồng nghĩa gần 49.000 sản phẩm liên quan đến Labubu và Baby Three được bán ra trung bình mỗi tháng.

Các chuyên gia dự báo sản phẩm này sẽ còn duy trì "sốt hàng" trong ít nhất 3 tháng tới trước khi nhường chỗ cho trào lưu mới.

Bài hát lớn lên cùng con

Ký ức của nhà báo Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát bất hủ do bố bà, nhạc sĩ Phạm Tuyên, sáng tác như Trường cháu là trường Mầm non - bài hát nhạc sĩ Phạm Tuyên viết tặng trường con gái học; Cả tuần đều ngoan cũng là một khúc ca quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ em Việt. Ngoài ra, Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay… cũng đã trở thành ký ức chung của nhiều người Việt Nam.