Giám đốc OneHousing: "Tôi cho rằng bất động sản năm 2025 là năm đại dự án"

Đây là nhận định của ông Trần Quang Trung, Giám đốc Phát triển Kinh doanh tại OneHousing về thị trường bất động sản năm 2025.

Giám đốc OneHousing: "Tôi cho rằng bất động sản năm 2025 là năm đại dự án"- Ảnh 1.

Ông Trần Quang Trung, Giám đốc Phát triển Kinh doanh tại OneHousing

Tại tọa đàm Bất động sản 2025 - Tìm cơ hội trong thách thức do Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức, ông Trần Quang Trung, Giám đốc Phát triển Kinh doanh tại OneHousing cho rằng, thị trường bất động sản năm 2025 sẽ khác với năm 2024 ở điểm: Quy mô tham gia thị trường sẽ lớn hơn.

"Năm trước chỉ có bất động sản ở TP. Hà Nội, TP.HCM, 1 phần TP. Hải Phòng nóng, còn năm 2025 sẽ phát triển mở rộng, khi TP. HCM khởi động mạnh, tạo ra tín hiệu, lan toả trên cả nước", ông Trung nói.

Ông Trung nhận định: "Tôi cho rằng năm 2025 là năm đại dự án. Trước đây liên quan đến hành lang pháp lý còn chưa rõ ràng nên doanh nghiệp còn chờ đón, nghe ngóng. Nhưng, giờ hành lang pháp lý đã rõ ràng, các nhà đầu tư đầu tư lớn sẽ mở rộng từ Nam ra Bắc, trong đó có huyện Cần Giờ, Long An… các đại dự án xuất hiện, cải thiện nguồn cung.

2025 sẽ là khởi đầu, thành phần chủ đầu tư tham gia, có chủ đầu tư không còn xuất hiện nữa, nhiều loại tư duy sản phẩm, tư duy đầu tư không còn phù hợp. Bên cạnh đó, khẩu vị khách hàng, nhà đầu tư, cơ bản theo hành lang pháp lý của Luật. Đầu cơ đất nền trước tràn lan, nay quy định đầu tư của tỉnh thành về tách thửa cũng rõ rồi, dần dần ổnn định sau này".

Về phân khúc, theo ông Trung, năm 2025 sẽ đa dạng hơn 2024. Ví dụ như trong năm 2024 sẽ chỉ có 1-2 "món", từ năm 2025 - 2027 sẽ đa dạng "menu" hơn. Nhà đầu tư, người dân có nhiều lựa chọn và cần quyết định đầu tư đúng đắn.

Trước câu hỏi với những tiềm năng lớn, từ nay đến cuối năm 2025 đã có phải thời điểm nên mua bất động sản chưa? Ông Trung cho rằng, đây là một câu hỏi rất khó để trả lời trực diện.

Dưới góc nhìn của Giám đốc Phát triển Kinh doanh tại OneHousing, vị này cho rằng, rõ ràng những gì chúng ta có hiện nay đang tốt hơn rất nhiều so với cách đây 2 năm.

Năm 2025, các điều kiện cần và đủ cũng như các yếu tố tạo nền cho thị trường đã tốt hơn rất nhiều nhưng chất lượng vốn FDI cả về quy mô, cả về thành phần tham gia FDI, về thành phần liên quan tạo ra những giá trị về công ăn việc làm của người dân trong tương lai, phân bổ về các địa phương là điều khác biệt hoàn toàn so với chặng đường thu hút FDI trước đây.

Thứ hai, về mặt luật. Luật đến thời điểm này đang từng bước được thực thi và tạo ra những hành lang pháp lý có tính định hướng, lộ trình rõ ràng cho câu chuyện doanh nghiệp phát triển.

Thứ ba, cải tổ về mặt liên quan hành chính, bộ ban ngành cũng như công tác liên quan thủ tục hành chính.

"Tôi cho rằng, ba yếu tố nêu trên vô hình sẽ tạo ra cơ hội nhưng cũng tạo ra thách thức. Trong đó, cơ hội là tạo ra những thứ giúp thị trường minh bạch, rõ ràng để doanh nghiệp dễ tiếp cận, tự phải thay đổi cách thức tiếp cận. Nhưng đồng thời cũng tạo sự sàng lọc.

Đó là để doanh nghiệp nào không còn khả năng thích ứng được với thay đổi của thị trường, chắc chắn sẽ phải tìm cách M&A sáp nhập, hoặc thay đổi về hành vi của người dân trong câu chuyện đầu cơ nhiều, thì phải đầu tư thay vì đầu cơ. Hay hành vi "lướt sóng" trước đây thì phải có lộ trình lâu dài hơn trong quá trình mua bán", ông Trung nói.

Về câu hỏi có nên đầu tư bất động sản trong năm 2025 hay không? Vị Giám đốc cho rằng, năm 2024 có khoảng 100.000 giao dịch bất động sản ở thị trường Hà Nội. Còn thị trường TP.HCM có độ trễ hơn, đi sau so với Hà Nội. Chúng tôi được biết có hơn 50% người được hỏi và khảo sát, trong vòng 1 năm tới có nhu cầu mua bất động sản. Thứ hai, từ 1-2 năm tới, có 35% người được hỏi và khảo sát có nhu cầu mua bất động sản.

Vậy thì nhu cầu mua bất động sản được chia làm 3 nhóm cơ bản: Nhu cầu đầu tư, tích lũy bất động sản; nhu cầu nâng cấp nơi ở và cuối cùng là nhu cầu sở hữu nhà ở lần đầu.

Theo quan điểm của ông Trung, khách hàng tùy theo tình hình tài chính để quyết định là mình nên mua sản phẩm nào?. Tuy nhiên, ở Việt Nam có sự hạn chế về kết nối giao thông chưa được đồng bộ, gây ra hạn chế khiến khu đô thị cao cấp không phải là ưu tiên của đa số người dân.