Bỉ sắp phê chuẩn hiệp định mở cửa dòng chảy đầu tư châu Âu vào Việt Nam

Bỉ sắp hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), khẳng định cả Bỉ và Việt Nam đều có lợi, chia sẻ của Nhà vua Bỉ Philippe khi gặp lãnh đạo cấp cao Việt Nam ngày 1-4.

đầu tư - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Nhà vua Bỉ Philippe - Ảnh: Báo Nhân Dân

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam, ngày 1-4, Nhà vua Bỉ Philippe đã có các cuộc gặp với Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Chia sẻ mô hình phát triển doanh nghiệp từ đại học

Theo Bộ Ngoại giao, tại cuộc tiếp, Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ trân trọng sự ủng hộ quý báu của nhân dân Bỉ, cũng như những tình cảm tốt đẹp và đóng góp của cá nhân Nhà vua cùng Hoàng hậu Bỉ dành cho Việt Nam và quan hệ hai nước.

Để tương xứng với tiềm năng và quan hệ chính trị tốt đẹp, Tổng Bí thư nhấn mạnh hai nước cần tiếp tục làm sâu sắc hợp tác trong các lĩnh vực thương mại - đầu tư, nông nghiệp bền vững, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân...

Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa hợp tác thực chất trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là chia sẻ mô hình phát triển doanh nghiệp từ môi trường đại học của Bỉ, góp phần giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển đến năm 2030 và 2045.

Tổng Bí thư hoan nghênh chuyến thăm lịch sử của Nhà vua Bỉ Philippe - Ảnh: TTXVN

EVIPA có lợi cho cả Bỉ và Việt Nam

Cũng trong ngày 1-4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội kiến Nhà vua Bỉ Philippe. Theo đó, Thủ tướng và Nhà vua Bỉ nhất trí cần tiếp tục làm sâu sắc hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống như kinh tế, văn hóa - nghệ thuật, du lịch, hợp tác giữa các địa phương.

Bên cạnh đó, tích cực triển khai hiệu quả hơn nữa các nội hàm của quan hệ Đối tác chiến lược về nông nghiệp nhằm ứng phó với các thách thức phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.

Phía Bỉ đánh giá cao vai trò và vị trí của Việt Nam trong khu vực, mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, cảng biển, năng lượng xanh, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Hai bên nhất trí tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tăng cường các hoạt động đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam và Bỉ.

đầu tư - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Nhà vua Bỉ Philippe - Ảnh: VGP

Để tiếp tục đồng hành và đóng góp hiệu quả cho sự vươn mình của Việt Nam trong kỷ nguyên mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai nước cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác thực chất trong công nghệ cao, kinh tế tuần hoàn, hạ tầng chiến lược, đào tạo nguồn nhân lực...

Người đứng đầu Chính phủ đồng thời đề nghị Bỉ sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) và thúc đẩy EC sớm gỡ "thẻ vàng" IUU với thủy sản Việt Nam.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trân trọng chuyển lời mời Thủ tướng Bỉ Bart De Wever sang thăm Việt Nam để tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa hai nước.

đầu tư - Ảnh 4.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Nhà vua Bỉ Philippe - Ảnh: TTXVN

Trước đó, trong sáng 1-4 tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đã hội kiến Nhà vua Bỉ Philippe.

Tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh Bỉ là nước đầu tiên trên thế giới thông qua một nghị quyết về hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Nhân dịp này, ông cũng kêu gọi nghị viện các nước EU thông qua các nghị quyết tương tự, mong muốn hai nước tích cực triển khai các dự án cụ thể tại Việt Nam.

Nhà vua Bỉ Philippe nhất trí hai nước cần tiếp tục làm sâu sắc hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn, năng lượng xanh, cơ khí chính xác, nông nghiệp bền vững, giáo dục - đào tạo, du lịch, hợp tác địa phương. Ông cũng cho biết Bỉ có kinh nghiệm và sẵn sàng hợp tác giúp Việt Nam tẩy độc các khu vực nhiễm chất độc da cam.

Nhà lãnh đạo Bỉ khẳng định EVIPA có lợi cho cả hai nước và phía Bỉ sắp hoàn tất quá trình phê chuẩn hiệp định này.

Ông cũng ghi nhận đề xuất của Chủ tịch Quốc hội về việc thúc đẩy EC sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU với xuất khẩu hải sản của Việt Nam, tính đến các nỗ lực của Việt Nam trong việc triển khai các khuyến nghị của EC và phát triển nghề cá bền vững.

EVIPA được Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào năm 2020. Tuy nhiên, hiệp định này vẫn còn chờ các nghị viện thành viên EU phê chuẩn mới chính thức có hiệu lực.

Hiện nay, phần lớn các quốc gia EU đã phê chuẩn EVIPA nhưng vẫn còn một số nước chưa thực hiện. Lãnh đạo Việt Nam, trong các cuộc làm việc với các nước này, đều kêu gọi việc sớm phê chuẩn.

EVIPA được xem là chìa khóa để mở cửa dòng vốn đầu tư lớn hơn nữa từ châu Âu vào Việt Nam, thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương hiện hành giữa Việt Nam và các nước thành viên EU.

Hiệp định có 4 chương, 92 điều và 13 phụ lục, trong đó có các chương chứa những cam kết quan trọng với nhà đầu tư như không quốc hữu hóa, đối xử công bằng. Hiệp định cũng bao gồm quy định về giải quyết tranh chấp, cơ chế thực hiện.

Bỉ sắp phê chuẩn hiệp định mở cửa dòng chảy đầu tư châu Âu vào Việt Nam - Ảnh 6.Thượng viện Ba Lan ủng hộ phê chuẩn hiệp định EVIPA với Việt Nam

Chủ tịch Thượng viện Ba Lan Malgorzata Kidawa-Blonska khẳng định cơ quan lập pháp này ủng hộ việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA), góp phần tạo thuận lợi cho hợp tác kinh tế hai nước.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề