Tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2025), diễn ra ngày 25/2, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, từ khi đất nước đẩy mạnh công cuộc đổi mới, ngành y tế thành phố là một trong những ngành nhanh chóng vươn lên bắt kịp xu thế phát triển và hội nhập.
Ngành y vượt qua thử thách kinh khiếp, khốc liệt nhất 70 năm qua
Từ một hệ thống còn bất cập, TPHCM đã xây dựng được một mạng lưới y tế đồng bộ, hiện đại, trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe lớn của cả nước.
Đội ngũ nhân lực y tế không chỉ phát triển nhanh số lượng mà đã có những thành công vượt trội trong nghiên cứu, làm chủ các kỹ thuật chuyên sâu, đưa ngành y tế tiếp cận trình độ một số nước tiên tiến trên thế giới, như: ghép tạng, phẫu thuật nội soi, tim mạch can thiệp, y học hạt nhân, hỗ trợ sinh sản...

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (Ảnh: PA).
Trong giai đoạn chống chọi Covid-19, đội ngũ y tế đã cùng toàn hệ thống chính trị và nhân dân thành phố kiên cường, dũng cảm, siết chặt tay nhau vượt qua đại dịch bằng tinh thần đoàn kết, xả thân, không lùi bước, nỗ lực phi thường, quyết tâm, sáng tạo vượt qua nghịch cảnh.
Hàng nghìn bác sĩ, nhân viên y tế sẵn sàng lao ra tuyến đầu, không ngại hy sinh sức khỏe, thậm chí cả tính mạng để chăm sóc, điều trị và giành giật sự sống cho bệnh nhân.
Bí thư Thành ủy TPHCM nhận định, 70 năm qua, việc phòng chống dịch Covid-19 là thử thách lớn nhất, kinh khiếp nhất và khốc liệt nhất đối với thầy thuốc thế giới nói chung và TPHCM nói riêng.
Đại dịch đã gây biết bao nhiêu đau khổ, hậu quả còn phải khắc phục lâu dài. Song từ khủng hoảng Covid-19 đã làm cho con người yêu thương nhau hơn, thấu cảm và sẻ chia nhiều hơn, đặc biệt là yêu quý thầy thuốc nhiều hơn.

Nhân viên y tế tại TPHCM lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trong những ngày chống dịch Covid-19 (Ảnh: BV).
Đề nghị của Bí thư Thành ủy TPHCM
Khi dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn, TPHCM đã chuẩn bị một kế hoạch hành động.
Cụ thể, Nghị quyết 05 của Thành ủy về kế hoạch tổng thể phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế trên địa bàn thành phố sau ngày 15/9/2021 được ban hành, xác định chiến lược y tế là trụ cột - bao trùm - xuyên suốt.
Hệ thống y tế từ chỗ suy kiệt trong đại dịch, đến nay đã được tập trung củng cố toàn diện, bảo đảm số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
TPHCM cũng chủ động ứng phó với các loại dịch bệnh; tiếp tục hoàn thành đưa vào sử dụng 27 bệnh viện, cải tạo hàng trăm trạm y tế; đầu tư phát triển nhiều bệnh viện trở thành trung tâm y tế chuyên sâu.
Đến nay, TPHCM đã đạt tỷ lệ 21 bác sĩ/vạn dân, 43 giường bệnh/vạn dân, hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội 11 đề ra trước thời hạn. Công tác cung ứng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế được quan tâm theo dõi, chỉ đạo sát sao.
Song song đó, hệ thống các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tiếp tục đầu tư nâng cấp, phát triển các kỹ thuật chuyên sâu. Hệ thống cấp cứu vệ tinh hình thành bao phủ khắp địa bàn thành phố. Nhiều chính sách an sinh xã hội, dự án nhà ở cho người nghèo được đầu tư xây dựng, triển khai rất mạnh mẽ.

Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 đi vào hoạt động năm 2023, đáp ứng nhu cầu điều trị ung thư cho người dân khu vực phía Nam (Ảnh: Hoàng Lê).
Ông Nguyễn Văn Nên cho biết, trong chiến lược phát triển của TPHCM giai đoạn 2025-2030, có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Đó là huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng sống của người dân TPHCM; phát triển xã hội bền vững trên nền tảng bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và an ninh con người.
Để thực hiện chiến lược đó, TPHCM đã và đang cụ thể hóa thành các chương trình hành động và tổ chức thực hiện từng bước hiệu quả.
Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị ngành y tế thành phố hết sức chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực; triển khai mạnh mẽ, đồng bộ chuyển đổi số, xây dựng y tế thông minh và đẩy mạnh cải cách hành chính trong toàn hệ thống y tế.
Cùng với việc nghiên cứu phát triển các cơ sở và kỹ thuật chuyên sâu, cần phải hết sức quan tâm các bệnh viện cơ bản và cơ sở y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; chủ động ứng phó với các loại dịch bệnh.
Gần 1.000 điều dưỡng được đào tạo tiêm truyền chuẩn quốc tế
Ngày 25/2, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, đơn vị vừa đạt chứng nhận JCI quốc tế cho chương trình "Phòng ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn và sai sót thuốc trong liệu pháp tĩnh mạch (PRIME)".
Chương trình PRIME được triển khai tại bệnh viện từ tháng 7/2024, với sự hỗ trợ từ các chuyên gia của Tổ chức JCI Hoa Kỳ, nhằm chuẩn hóa thực hành tiêm truyền theo tiêu chuẩn quốc tế.
Đến nay, gần 1.000 điều dưỡng, dược sĩ và nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn đã được đào tạo, với gần 200 huấn luyện viên nòng cốt nhận chứng nhận PRIME Champions.

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đạt chứng nhận JCI quốc tế cho chương trình PRIME (Ảnh: BV).
Theo tiến sĩ, điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Minh, Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, đơn vị là bệnh viện đại học đầu tiên tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á triển khai thành công chương trình PRIME JCI, với quy mô nêu trên.
Chương trình PRIME được kiểm soát chặt chẽ từ giai đoạn khởi đầu liệu pháp tiêm truyền; đảm bảo quy trình chuẩn bị thuốc đạt tiêu chuẩn, từ môi trường, kỹ thuật chuyên môn, tính toán liều lượng đến an toàn khi xử lý thuốc độc hại.
Ngoài ra, chương trình cũng tập trung kiểm soát các hệ quả không mong muốn, như phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện và sai sót trong sử dụng thuốc, nhằm nâng cao an toàn cho người bệnh.
PRIME đã được triển khai tại hơn 50 bệnh viện trên toàn cầu, trở thành một chuẩn mực y tế quốc tế.