![]() |
Thứ trưởng Tài chính Đỗ Thành Trung cập nhật thông tin về việc thí điểm sàn giao dịch tiền mã hóa. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/4, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung đã có thông tin cập nhật về tiến độ xây dựng quy định triển khai thí điểm sàn giao dịch tiền mã hóa tại thị trường Việt Nam.
Cụ thể, Thứ trưởng cho biết Bộ Tài chính là cơ quan được giao trách nhiệm hoàn thiện khung khổ pháp lý để xử lý các loại tài sản mã hóa, tiền mã hóa… Ngay sau khi được giao nhiệm vụ, Bộ đã phối hợp với các bộ liên quan nghiên cứu thực trạng, kinh nghiệm quốc tế trong quản lý. Đồng thời, Bộ cũng kiến nghị Chính phủ thừa nhận sự tồn tại, tiềm năng của tài sản mã hóa.
Ngay trong tháng 3, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản mã hóa. Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ ngành triển khai trên quan điểm thận trọng, có lộ trình, phù hợp thực tiễn, bảo đảm an toàn, minh bạch, hiệu quả; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức tham gia thị trường tài sản mã hóa.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, việc triển khai này sẽ thực hiện thí điểm trên thị trường giao dịch và phát hành tài sản mã hóa, hứa hẹn mở ra một kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp bên cạnh tài sản tài chính truyền thống.
Tuy nhiên, việc triển khai thí điểm cần tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của các quốc gia mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia trên thị trường tài sản mã hóa.
“Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có văn bản lấy ý kiến các bộ ngành liên quan. Chúng tôi sẽ hoàn thiện lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Hiện nay, chúng tôi đang tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến để hoàn thiện nghị quyết trước khi báo cáo Chính phủ”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung thông tin.
Liên quan tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong bối cảnh Mỹ dự kiến áp thuế đối ứng 46% với hàng hóa Việt Nam từ 9/4, Thứ trưởng Trung cho biết thu hút vốn FDI quý I của Việt Nam đã ghi nhận kết quả tích cực.
Trong đó, vốn đầu tư mới và điều chỉnh, góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài trong quý I đã đạt gần 11 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, vốn thực hiện đã đạt 5,16 tỷ USD, gấp 5,1 lần cùng kỳ; vốn FDI thực hiện riêng để đầu tư khoảng 4,96 tỷ USD, tăng 72%, chủ yếu tập trung ở các dự án công nghiệp chế biến chế tạo (chiếm gần 62% tổng vốn đăng ký và tăng 26% so với cùng kỳ).
Về kỳ vọng thu hút vốn FDI cả năm, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết hiện nay, các tổ chức quốc tế và định chế tài chính đều đánh giá gia tăng xác suất suy giảm kinh tế toàn cầu và có thể dẫn đến suy thoái kinh tế. Rất nhiều tổ chức đã hạ kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và điều này chắc chắn có ảnh hưởng đến Việt Nam.
Trong khi đó, chính sách thuế quan của Mỹ áp dụng không chỉ cho Việt Nam mà cho tất cả quốc gia đối tác. Đây cũng là yếu tổ ảnh hưởng lớn nhất đến tâm lý, môi trường kinh doanh cũng như triển vọng đầu tư kinh doanh toàn cầu. Điều này dự kiến cũng tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.
“Tuy nhiên, tôi tin với nỗ lực của Chính phủ, chắc chắn chúng ta sẽ lấy được niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp”, ông nói và cho biết hiện Bộ Tài chính đang thực hiện rất nhiều giải pháp, trong đó có làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư lớn để xúc tiến thực hiện, cụ thể hóa các dự án rất lớn về đầu tư nước ngoài.
“Mục tiêu năm 2025 vẫn là thu hút tăng thêm 38-40 tỷ USD vốn FDI, vốn thực hiện vẫn đặt mục tiêu 27-28 tỷ USD”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.