Cấm Google từ 15 năm trước, nay Trung Quốc định làm gì?

Không cung cấp các dịch vụ trực tiếp tại Trung Quốc, Google vẫn có hoạt động kinh doanh ở nhiều mảng, đặc biệt là sự liên kết với các hãng di đồng cùng hệ điều hành Android.

Văn phòng Google ở Bắc Kinh. Ảnh: Inc.

Trong chuỗi phản ứng Trung Quốc đưa ra để chống lại mức thuế quan Mỹ áp dụng cho hàng hóa từ nước này, có việc điều tra chống độc quyền với Google. Tuy nhiên, thông báo của Cục quản lý Thị trường nước này không nêu rõ những hoạt động đáng ngờ từ công ty Internet cũng như phạm vi theo dõi. Điều này còn gây bất ngờ hơn khi công cụ tìm kiếm và toàn bộ dịch vụ Google không khả dụng ở Trung Quốc từ lâu.

Tuy nhiên, hãng vẫn có nhiều mối hoạt động quảng cáo, điện toán đám mây, sản xuất phần cứng, phát triển ứng dụng liên kết với quốc gia tỷ dân.

Hoạt động của Google ở Trung Quốc

Google ra mắt công cụ tìm kiếm dành cho thị trường tỷ dân từ 2006, dưới tên miền .cn. Đến 2009, dịch vụ qua vòng kiểm duyệt, tiến vào thị trường đại lục và vươn lên trở thành một trong những trang web được sử dụng nhiều nhất. Nhưng đến 2010, toàn bộ dịch vụ của Google phải đóng cửa khi không tuân thủ sàng lọc kết quả theo yêu cầu của nhà chức trách. Từ đó, trang web Google cùng toàn bộ dịch vụ của công ty không còn hoạt động ở Trung Quốc.

Không có hoạt động nổi bật, Google vẫn duy trì văn phòng tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến. Theo CNBC, hoạt động kinh doanh của công ty Mỹ ở thị trường này gồm quảng cáo, điện toán đám mây, sản xuất phần cứng, phát triển ứng dụng, nghiên cứu AI… Mục đích Google hướng tới là cung cấp hạ tầng cho công ty nội địa khi vươn ra quốc tế.

Trung Quoc dieu tra Google anh 1

Công cụ tìm kiếm ngừng hoạt động ở Trung Quốc từ 2010, nhưng công ty không rời đi. Ảnh: Fortune.

Ví dụ, hãng này bán quảng cáo từ khóa trên công cụ tìm kiếm và YouTube cho công ty Trung Quốc, ở các thị trường mà họ muốn nắm tới. Google cũng cung ứng dịch vụ đám mây cho nhiều kỳ lân như TikTok, NetEase, Shein vận hành tại Đông Nam Á hay khu vực khác.

Với AI, gã khổng lồ Internet thành lập trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo ở Bắc Kinh vào năm 2017, hướng phát triển tập trung vào giáo dục và hiểu ngôn ngữ tự nhiên. Các dự án mã nguồn mở như TensorFlow và Kubernetes có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng phát triển ở Trung Quốc. Hàng năm họ cũng tổ chức sự kiện I/O riêng cho lập trình viên ở quốc gia tỷ dân.

Kho ứng dụng Play Store không có mặt tại Trung Quốc. Tuy nhiên, Google vẫn hợp tác để đưa ứng dụng nội địa ra quốc tế. Điện thoại Trung Quốc bán trong nước dùng giao diện người dùng riêng nhưng vẫn xây dựng trên nhân AOSP (Android Open Source Project), được dẫn dắt bởi Google.

Báo cáo năm 2023, công ty Alphabet có 17% doanh thu đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng phần đóng góp của thị trường tỷ dân không được công bố.

Trung Quốc điều tra gì?

Theo Financial Times, nguồn tin trong cuộc cho biết việc điều tra của nhà chức trách nhắm vào hệ điều hành Android. Vấn đề được nhắc đến là sự độc quyền gây thiệt hại cho các nhà sản xuất di động Trung Quốc, như Xiaomi, Oppo, đang sử dụng nền tảng này.

Nguồn tin này cũng tiết lộ Trung Quốc điều tra Google từ 2019, cùng thời điểm Huawei bị cấm vận. Nhưng sau đó nó bị gác lại đến tháng 12/2024, khi ông Trump sắp nhậm chức. Financial Times cho biết cơ quan chức năng đã khám xét văn phòng Google ở Bắc Kinh từ đầu tháng 1 và yêu cầu cung cấp thông tin liên quan.

Trung Quoc dieu tra Google anh 2

3 công ty Mỹ đang ở trong tầm ngắm của nhà chức trách Trung Quốc. Ảnh: FT.

Liu Xu, Nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia thuộc Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, cho rằng cuộc điều tra nhắm vào các công ty Mỹ mà một phần của các biện pháp trả đũa với việc chính quyền Trump áp thuế quan với hàng hóa từ quốc gia tỷ dân. Ngoài Google, Nvidia, Intel cũng bị chính quyền Trung Quốc đưa vào tầm ngắm.

Trong khi đó, theo ông Gong Jiong của Đại học Kinh doanh và Ngoại thương Trung Quốc, các công ty di động Trung Quốc không hài lòng với cách thao túng thị trường của Google với Android từ lâu. Hiện trừ Apple và Huawei, các hãng còn lại đều phải trả phí để được dùng hệ điều hành này trên smartphone bán ra quốc tế.

Những năm gần đây, Google liên tục phải đối mặt với các cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền. Nhiều vụ kiện diễn ra ở EU, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 8/2024, thẩm phán liên bang Mỹ đưa ra phán quyết Google đã độc quyền thị trường tìm kiếm một cách bất hợp pháp. Bộ Tư pháp nước này cân nhắc đề xuất chia tách hoạt động kinh doanh của công ty này, bao gồm việc công ty phải thoái vốn khỏi hệ điều hành Android và trình duyệt Chrome.

Hai nhà sáng lập Google tự tay làm nên tất cả

Kể về câu chuyện của 25 doanh nhân của thế giới, sách "Họ đã làm gì để thay đổi thế giới?" vừa là một “kho” tư liệu về tinh thần doanh nhân vừa là nguồn cảm hứng cho những ai muốn tự mình sáng tạo nên những điều ý nghĩa.