Cấm "hóa chất vĩnh cửu" để bao bì đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

() - Theo chuyên gia, vấn đề quan trọng đặt ra trong sản xuất bao bì hiện nay là phải đáp ứng an toàn vệ sinh thực phẩm, với xu hướng hạn chế và tiến tới cấm hóa chất vĩnh cửu (PFAS).

Tại Triển lãm quốc tế về thiết bị ngành công nghiệp đóng gói bao bì và in ấn mới diễn ra ở TPHCM,  bà Nguyễn Ngọc Ngân, phòng nghiên cứu phát triển một thương hiệu bao bì lớn cho biết, in ấn bị xem là ngành gây ô nhiễm và có nhiều yêu cầu đặt ra về môi trường từ Chính phủ, khách hàng, người tiêu dùng.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng bao bì bền vững (thân thiện, tái chế, kinh tế tuần hoàn…) ngày càng tăng. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ ngày càng nhiều, để tạo ra bao bì thông minh, đa chức năng.

Cấm hóa chất vĩnh cửu để bao bì đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm - 1

Ngành in ấn được ứng dụng nhiều trong việc tạo ra các bao bì đóng gói thực phẩm, hàng tiêu dùng (Ảnh: HL).

Vấn đề đặt ra là nguyên vật liệu sản xuất bao bì phải bền vững, đáp ứng an toàn vệ sinh thực phẩm, với xu hướng hạn chế và tiến tới cấm hóa chất vĩnh cửu (PFAS), hay cấm sử dụng toluene (một hydrocacbon dạng lỏng, trong suốt, không hòa tan trong nước) làm dung môi trong công thức mực.

Theo các chuyên gia, PFAS được sử dụng rất nhiều vì giúp cho đồ vật chịu nhiệt cao, chống bẩn và kháng nước.

Tuy nhiên khi không còn được sử dụng và vứt bỏ ra bãi rác, những sản phẩm có chứa PFAS sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, vì các hóa chất này rất khó phân hủy. Chúng là những nhân tố nguy hiểm đe dọa sức khỏe, có liên quan đến các bệnh gan, ung thư, tuyến giáp và nhiều bệnh khác.

Hiện nay, nhiều nhóm nghiên cứu khắp nơi trên thế giới đã tìm cách loại bỏ PFAS, như tạo ra bộ lọc than hoạt tính để thu giữ và loại bỏ các chất PFAS trong nước.

Theo bà Ngân, để trung hòa lượng rác thải theo lộ trình về 0 đến năm 2050, cần giảm thiểu rác bằng hoạt động sản xuất "xanh", tăng cường các dự án "xanh".

Theo đó, doanh nghiệp cần tự động hóa hoạt động sản xuất, sử dụng năng lượng hiệu quả, cũng như quan tâm đo lường hiệu suất thiết bị. Đồng thời, cần chú ý kỹ các tiêu chí về môi trường, lượng phát thải khi lựa chọn công nghệ, vật tư, chuẩn bị cho kiểm kê khí nhà kính theo quy định…

Cấm hóa chất vĩnh cửu để bao bì đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm - 2

Thiết kế tối ưu giúp giảm việc sử dụng các "hóa chất vĩnh viễn" trên chai nhựa (Ảnh minh họa: GD).

Ông Trần Thanh Hậu, người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành kỹ thuật in ấn chia sẻ thêm, tỷ lệ người dùng quan tâm đến bao bì khi lựa chọn sản phẩm có sự tăng lên khi so sánh giữa năm 2022 và 2023. Người tiêu dùng ưu tiên cho sản phẩm có bao bì có tính thân thiện với môi trường chiếm tỷ lệ cao.

Từ nhu cầu trên đã dẫn đến xu hướng phát triển bao bì xanh, khi khả năng sản xuất các loại nhựa sinh học có nguồn gốc tự nhiên tăng theo từng năm. Nhựa có khả năng phân hủy sinh học dự kiến sẽ ngày càng chiếm tỷ trọng cao nhất, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.