Sự ủng hộ của giới công nghệ dành cho Trump đã trở thành chủ đề chính trong quá trình chuyển giao quyền lực, đồng thời làm dấy lên những cảnh báo từ cựu Tổng thống Joe Biden. Ảnh: Reuters. |
Tại lễ tuyên thệ nhậm chức của Donald Trump ngày 20/1, 5 tỷ phú công nghệ trong số những người giàu nhất thế giới đã có mặt tại hàng ghế danh dự, bao gồm Elon Musk (CEO Tesla và SpaceX), Mark Zuckerberg (CEO Meta Platforms), Jeff Bezos (nhà sáng lập Amazon), Tim Cook (CEO Apple) và Sundar Pichai (CEO Alphabet và Google).
Họ ngồi gần gia đình ông Trump và các thành viên nội các được bổ nhiệm. Những cái tên này đại diện cho hơn 12.000 tỷ USD giá trị thị trường và hơn 1.000 tỷ USD tài sản toàn cầu.
Đây là một sự thay đổi so với truyền thống, đặc biệt là đối với một tổng thống thường nhận mình là người đấu tranh cho người lao động, công nhân. Những chỗ ngồi gần tổng thống thường được dành cho gia đình tổng thống, các cựu tổng thống và những vị khách danh dự khác, theo NBC News.
Nơi quy tụ quyền lực chính trị và tiền bạc bậc nhất nước Mỹ
Mỗi vị CEO đều ủng hộ tổng thống sắp tới và ủng hộ tham vọng chính trị của ông bằng những khoản quyên góp lớn. Và mỗi người trong số đó đều được hay mất nhiều thứ từ các quyết định của Trump về cả chính sách chống độc quyền hay bãi bỏ quy định, theo Wall Street Journal.
Trước buổi lễ, Musk và Pichai đã tranh thủ kiểm tra điện thoại khi chờ sự kiện bắt đầu, trong khi các nhà lãnh đạo công nghệ khác trò chuyện cùng các thành viên nội các tương lai. Khi Trump bước vào Rotunda, ông đã bắt tay Tim Cook. Elon Musk mỉm cười và giơ ngón tay cái khi Tổng thống nhắc đến kế hoạch đưa con người lên Hỏa tinh.
Loạt CEO công nghệ xuất hiện tại lễ nhậm chức ngày 20/1. Ảnh: Reuters. |
Ngoài ra, CEO TikTok Shou Chew cũng góp mặt, chỉ một ngày sau khi ông Trump tuyên bố sẽ ký sắc lệnh hành pháp để giữ ứng dụng này hoạt động tại Mỹ. Các tỷ phú khác như Sergey Brin (đồng sáng lập Google), Bernard Arnault (CEO LVMH), nhà đầu tư John Paulson và Rupert Murdoch (chủ sở hữu Fox News và Wall Street Journal) cũng tham dự.
Trái ngược với không khí ủng hộ của các ông trùm công nghệ, cựu Tổng thống Joe Biden và bà Kamala Harris gần như không vỗ tay khi ông Trump chỉ trích những "sai lầm" trong nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, cựu Tổng thống George W. Bush đã tán thưởng một số phần trong bài phát biểu, đặc biệt khi ông Trump nhắc đến việc tái áp dụng chính sách thắt chặt người nhập cư - "ở lại Mexico" (Remain in Mexico).
Đến bữa tiệc trưa sau buổi lễ tuyên thệ, loạt tỷ phú siêu giàu từ Thung lũng Silicon lại tiếp tục sát cánh cùng các nhà lập pháp, thẩm phán Tòa án Tối cao và đội ngũ cấp cao của Tổng thống Donald Trump.
Thông thường, bữa tiệc trưa nhậm chức sau lễ tuyên thệ của tổng thống sẽ diễn ra nghiêm túc. Chủ yếu là một thượng nghị sĩ nói chuyện với một người được bầu vào nội các.
Nhưng khung cảnh trong bữa tiệc trưa của Tổng thống Trump lại mang đến một cảm giác rất khác. Các tỷ phú và các nhà hoạch định chính sách ngồi cùng nhau trong sự giao thoa giữa quyền lực chính trị và tiền bạc, theo New York Times.
Mối quan hệ khăng khít giữa giới công nghệ với chính quyền Trump
CEO Meta Mark Zuckerberg và vợ Priscilla Chan đã trò chuyện sôi nổi với Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, Đảng Cộng hòa từ Nam Carolina và Thẩm phán Brett Kavanaugh, người từng được Trump bổ nhiệm vào Tòa án Tối cao.
Ông Kavanaugh là bạn thân lâu năm của Joel Kaplan, trưởng bộ phận chính sách toàn cầu của Meta. Tòa án Tối cao cũng từng tham gia phán quyết quan trọng về quyền tự do ngôn luận liên quan đến mạng xã hội.
CEO Tim Cook của Apple ngồi cùng bàn với Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo phe thiểu số của Đảng Dân chủ tại Thượng viện, Donald Trump Jr. và Thẩm phán Samuel A. Alito Jr. Điều thú vị là chỉ vài ngày trước đó, ông Alito cùng các thẩm phán đã nhất trí thông qua lệnh cấm TikTok vì lý do an ninh quốc gia, buộc Apple và Google phải xóa app này khỏi kho ứng dụng của họ tại Mỹ.
Sự căng thẳng giữa giới công nghệ và chính trị càng rõ nét khi Tổng thống Trump bất ngờ tuyên bố hôm 19/1 rằng sẽ ký lệnh hành pháp để gia hạn hoạt động của TikTok tại Mỹ, đồng thời đàm phán để bán ứng dụng này cho một tổ chức không thuộc Trung Quốc. Sở hữu 2 cửa hàng ứng dụng lớn nhất, Apple và Google đã chịu áp lực lớn từ các nhà lập pháp yêu cầu loại bỏ TikTok khỏi nền tảng của mình.
Lễ tuyên thệ và tiệc trưa sau buổi lễ của ông Donald Trump đều có sự góp mặt của giới chính khách và tinh hoa công nghệ. Ảnh: Reuters, New York Times. |
Nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos xuất hiện tại bữa trưa cùng vị hôn thê Lauren Sanchez, uống cà phê từ cốc giấy và trò chuyện với nhiều thượng nghị sĩ, bao gồm Ted Cruz và vợ Heidi.
Bezos được sắp xếp ngồi cạnh Thượng nghị sĩ John Thune, lãnh đạo phe đa số Đảng Cộng hòa bang South Dakota. Thune là người giữ vị trí cao thứ 2 chỉ sau Tổng thống Trump tại bữa tiệc. Ông có ảnh hưởng lớn đến ngành công nghệ nhờ vai trò của ông tại ủy ban thương mại giám sát NASA, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) và Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC).
Sundar Pichai, CEO Google, cũng không bỏ lỡ cơ hội bắt tay Tổng thống Trump và trò chuyện cùng Tim Cook và Vivek Ramaswamy, một cố vấn cấp cao của Trump, người từng được ông Trump bổ nhiệm điều hành Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) với Elon Musk.
Tất nhiên, các chính trị gia và tỷ phú luôn dành thời gian bên nhau, theo New York Times. Các ứng cử viên kêu gọi quyên góp từ những người siêu giàu trong chiến dịch tranh cử. Ngược lại, các CEO tìm kiếm sự ủng hộ từ các đại biểu được bầu, nhằm thay đổi luật hoặc quy định để phù hợp với họ. Nhưng với Trump, sự hòa hợp trong bữa tiệc trưa của ông thân mật hơn nhiều và đã được ghi lại toàn bộ bằng máy ảnh.
Trong bài phát biểu sắp mãn nhiệm của mình, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Joe Biden đã cảnh báo rằng Mỹ đang trở thành nơi các tỷ phú công nghệ nắm giữ quyền lực và ảnh hưởng ở mức độ nguy hiểm đối với quốc gia.
Những câu chuyện ít được biết về tỷ phú công nghệ
Tủ sách Công nghệ đem đến cho độc giả những cuốn sách hay nhất, đúc kết hàng trăm giờ chia sẻ của Steve Jobs, Elon Musk và những người liên quan. Chúng chứa đựng những câu chuyện công nghệ thú vị, ít khi được bật mí.