Có thu nhập khá từ công việc đầu tư tài chính, khi chưa có con, Thương Phan kể mình mua 3-4 bộ đồ mới mỗi tuần. Mỹ phẩm, quần áo, túi xách của cô đều là hàng hiệu đắt đỏ. Thương cũng thoải mái chi cho du lịch, ăn uống.
“Nhiều món tôi mua của Chanel, Dior. Tháng nào không mua sắm, chỉ chi tiêu lặt vặt và đi ăn uống cùng bạn bè, tôi tốn khoảng 20-30 triệu đồng”, Thương kể.
"Nghĩ lại, có nhiều thứ không đáng, nhưng vẫn phung phí, mua sắm quen tay", cô nói thêm.
Vợ chồng Thương Phan giảm chi tiêu cho mình từ khi có con. |
Mọi chuyện thay đổi hoàn toàn khi Thương kết hôn và có con.
"Giờ, chỉ món nào thích lắm, suy nghĩ cân nhắc, tôi mới xuống tiền. Mức chi cho cá nhân vì thế cũng chênh lệch trông thấy".
Giống vợ, chồng Thương cũng hạn chế chi tiêu cho các buổi gặp mặt bạn bè và nhu cầu giải trí. Anh cố gắng dồn tiền để chăm con. Hai vợ chồng thống nhất để con được hưởng những dịch vụ và đồ dùng chất lượng.
“Trước có 10 phần thu nhập, tôi tiêu cho mình toàn bộ. Giờ thì cho mình 2 phần, 8 phần còn lại cho con. Tôi không còn sắm những món đồ đắt đỏ vì thấy không đáng. Tôi muốn dành cho con tất cả”, cô nói. Hai vợ chồng cũng chăm chỉ "cày cuốc" hơn để nâng cao thu nhập, học thêm về quản lý tài chính.
Giống như Thương, nhiều người có tâm lý mua gì cho mình cũng thấy tiếc, giảm mức chi tiêu cá nhân để ưu tiên đầu tư cho gia đình, con cái.
Từ bỏ nhiều sở thích
Trong vòng 30 năm qua, mức sinh ở Việt Nam giảm gần một nửa và vẫn duy trì ở mức ổn định. Tỷ lệ sinh thấp hơn cho phép các bậc cha mẹ phân bổ lượng tài chính và các nguồn Iực khác nhiều hơn cho mỗi đứa trẻ, theo kết quả nghiên cứu mối quan hệ giữa các yếu tố nhân khẩu học với hôn nhân và gia đình đăng trên tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới số tháng 3/2022.
Tuy nhiên, chi phí nuôi con luôn là bài toán khó đối với các gia đình, đặc biệt ở những thành phố có mức sống đắt đỏ như Hà Nội, TP.HCM. Khi chào đón thành viên mới, các cặp vợ chồng ít nhiều phải tính toán kinh tế, điều chỉnh chi tiêu hợp lý.
Điều tương tự cũng xảy ra ở gia đình Đỗ Thu Huyền (23 tuổi, Hà Nội) từ ngày đón con trai, tên ở nhà là GD.
Trước kia, Huyền chi 50-60% thu nhập hàng tháng cho việc mua sắm cá nhân như quần áo, làm đẹp, ăn uống. Còn lại, cô gửi tiết kiệm và biếu bố mẹ, thỉnh thoảng làm từ thiện.
Thu Huyền và chồng luôn đặt mọi khoản chi tiêu cho con lên hàng đầu. |
Sau khi sinh con, Huyền tự động có suy nghĩ hạn chế mua sắm cho mình. Khoản này giờ chỉ chiếm 10-20% thu nhập hàng tháng.
“Ngày trước, mỗi lần lên ảnh, tôi phải diện bộ đồ khác nhau. Nhưng bây giờ, tôi chỉ lựa những mẫu đơn giản, thoải mái, có thể phối được đa dạng, dùng được nhiều dịp”, người mẹ trẻ cho hay.
Thay vào đó, Huyền ưu tiên chi tiêu, mua sắm những gì tốt nhất cho con.
Chồng Huyền cũng lược bớt nhiều thói quen độc thân trước đây như đi cà phê bàn công việc, du lịch xả stress, tập gym.
“Từ khi có con, anh ở nhà nhiều hơn, chỉ khi đi công việc mới ra ngoài, còn lại là dành thời gian bên 2 mẹ con”, cô kể. Mối quan tâm lớn nhất của cả hai giờ là con cái, cuộc sống gia đình.
Ở tuổi 25, Tiên (hiện 30 tuổi, TP Biên Hòa, Đồng Nai) từng lên kế hoạch độc thân đến khoảng 29-30 tuổi mới lập gia đình, dù khi đó quen chồng hiện tại được 8 năm. Vì chưa vướng bận gì, cô chi tiêu thoải mái, không suy nghĩ nhiều.
Thời điểm đó, với thu nhập 15-16 triệu đồng/tháng, Tiên thường để dành 5 triệu đồng, còn lại chi cho quần áo, mỹ phẩm, giày dép và đi du lịch 1-2 lần/năm.
Nhưng khi cặp sinh đôi, bé Ruby và Sapphire, ra đời, trong khoảng một năm đầu đời của con, cô dồn tất cả chi tiêu cho 2 bé và tạm biệt gần hết sở thích của mình.
“Việc gì tôi cũng phải nghĩ cho con trước hết rồi mới đến 2 vợ chồng. Mỗi khi ra đường, tôi chỉ cần mặc đồ đơn giản, buộc tóc gọn gàng là được, nhưng con thì phải 'lên đồ' quần áo, giày dép, túi xách, nón,… thật đẹp”, cô hài hước kể.
Thói quen của chồng Tiên là thay đổi nhiều nhất. Từ người bay nhảy, nhưng từ khi gia đình có 4 người, anh thay đổi hoàn toàn, bỏ game, hạn chế tụ tập bạn bè, gần như không tiêu xài.
"Buổi tối rảnh, nếu được, anh rủ bạn bè ăn ở nhà. Cuối tuần có thể đi cà phê sáng, gặp bạn bè 1-2 tiếng, còn lại chủ yếu ở cạnh vợ con. Hai bạn nhỏ vì thế cũng quấn bố”.
"Chi tiêu của cả nhà chủ yếu vào 2 nhóc. Bố mẹ sống tối giản, nhưng những thứ như khám bệnh, chăm sóc các con thì chúng tôi không ngại bỏ tiền", mẹ hai con nói thêm.
Chồng Tiên thay đổi hoàn toàn thói quen, sở thích từ khi có 2 bé Ruby và Sapphire. |
Không bỏ bê bản thân
Khảo sát Thói quen tiêu dùng 2023 công bố hồi tháng 4 của PwC Việt Nam cho thấy trong khi khủng hoảng chi phí sinh hoạt gia tăng trên toàn cầu, người tiêu dùng Việt Nam đang thận trọng hơn trong thói quen chi tiêu.
Cụ thể, 62% có xu hướng giảm tiêu thụ mặt hàng không thiết yếu, 54% dự kiến chi tiêu ít hơn cho các loại hàng xa xỉ, tiếp đó là du lịch (42%) và điện tử (38%). Chỉ 18% có ý định cắt giảm chi tiêu cho mặt hàng tạp hóa và thực phẩm.
Thương Phan bắt đầu sắm sửa cho con từ khi mang bầu 5 tháng. Mỗi lần mua đồ đều tốn 5-10 triệu đồng nên người mẹ trẻ chia ra từng đợt để đỡ nặng ví.
Cho tới lúc sinh, khoản chi này rơi vào không dưới 50 triệu đồng. Riêng xe đẩy, Thương sắm loại đắt nhất 30 triệu đồng. Bên cạnh đó là đủ loại máy móc, giường cho bé, quần áo, dụng cụ lặt vặt.
Hiện, bé Bentley được 4 tháng tuổi. Theo Thương, khoản chi tốn kém nhất cho việc nuôi con là bỉm, thuốc bổ, quần áo và vật dụng của bé.
“Vì vẫn ưu tiên cho con những món đồ tốt nhất nên bỉm và vật dụng cho bé tôi đều sử dụng loại đắt, tốn khoảng 10-15 triệu đồng/tháng”, cô nói.
Tuy nhiên, Thương cũng khẳng định cô hạn chế chi tiêu cho mình không có nghĩa là xuề xoà, bỏ bê bản thân.
“Thay vì mua đồ đắt đỏ như trước, giờ tôi chọn những món vừa tiền nhưng vẫn đẹp và tốt cho mình. Tôi vốn thích điệu đà nên dù có con, tôi cũng không muốn mình kém sắc. Tôi chỉ cố gắng không tiêu quá phung phí”, cô nói.
Thương Phan không tiếc tiền khi mua sắm đồ cho con vì tâm niệm con chỉ một lần trong đời được làm em bé. |
Con trai Huyền hiện được gần 4 tháng tuổi. Cô cho biết giống như nhiều cặp vợ chồng có con nhỏ, khoản chi tốn kém nhất cho đến giờ là tiền bỉm sữa, không kể khi đi viện.
Huyền luôn đặt con lên hàng đầu, chi tiêu mọi thứ cho bé trước vì không còn nhu cầu nhiều như khi độc thân. Tuy nhiên, cô vẫn dành thời gian đi spa, massage, tranh thủ lúc con ngủ để dưỡng da.
Còn với gia đình Tiên, hiện tại, khi cặp song sinh 4 tuổi, chi phí học hành, đồ lặt vặt cho các bé rơi vào khoảng 20 triệu đồng, chưa tính phát sinh mua sắm quần áo, đồ chơi.
“Vợ chồng tôi cố gắng kiếm tiền để con có cuộc sống đầy đủ. Ông bà đôi bên cũng hỗ trợ tài chính rất nhiều nên khá ổn. Thỉnh thoảng, chúng tôi cho các bé đi du lịch thì hơi tốn kém tháng đó, còn lại hai đứa không nghĩ cho mình nhiều”.
“Đến thời điểm nào đó, nếu xác định không sinh thêm con, tôi sẽ đầu tư cho bản thân nhiều hơn”, cô nói thêm.
Theo thống kê của Đại học Y Hà Nội, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu trẻ em chào đời. Kéo theo đó, nhu cầu mua sắm sản phẩm cho bé cũng tăng cao.
Bên cạnh giá cả, những yếu tố được các cặp vợ chồng trẻ ưu tiên khi lựa chọn sản phẩm cho con cái là chất lượng, độ an toàn và tiện lợi trong quá trình sử dụng, theo dự báo xu hướng mua sắm mặt hàng mẹ và bé năm 2023 của nhóm phụ huynh Gen Z châu Á do Skyperry thực hiện.
Không ít ông bố bà mẹ lần đầu có con thừa nhận thường mua sắm quá tay, gây lãng phí khi nhiều món không hoặc ít dùng đến. Một số cặp vợ chồng trẻ chật vật để xoay xở, thậm chí vỡ kế hoạch tài chính vì chưa có nhiều kinh nghiệm, tiêu quá tay với những khoản không cần thiết sau khi sinh con.