"Thực sự cảm xúc của tôi rất khó tả. Khi được ngắm nhìn kim tự tháp từ một góc nhìn hoàn toàn đặc biệt trên bầu trời, tôi cảm nhận được rõ hơn dòng chảy thời gian và các giá trị lịch sử mà nó mang lại. Đó không chỉ là một trải nghiệm cá nhân, mà còn là khoảnh khắc tôi cảm thấy kết nối với những giá trị văn hóa vượt thời gian".
Dương Đông Quân (sinh năm 1994) bày tỏ với Tri Thức - Znews khi nhớ lại khoảnh khắc bay lượn trên bầu trời Ai Cập trong chuyến đi hồi tháng 10 vừa qua.
Đặc biệt, Quân còn là một trong hai phi công dù lượn động cơ đầu tiên ở Việt Nam bay trên đỉnh kim tự tháp, một trong những kỳ quan cổ đại còn lại của nhân loại.
"Là người đam mê các nền văn hóa, đặc biệt là Ai Cập cổ đại, tôi đã tìm hiểu rất nhiều về kim tự tháp, về sự huyền bí và những cách thức người cổ đại có thể xây dựng nên những công trình khổng lồ. Vì vậy, chuyến đi vừa qua càng có ý nghĩa, khi kết hợp giữa đam mê bay lượn và tình yêu dành cho văn hóa cổ đại của tôi", anh chia sẻ.
Ngắm kim tự tháp từ một góc khác
Đông Quân hiện là freelancer sinh sống tại Bình Dương, đồng thời theo đuổi sở thích dành cho bộ môn dù lượn động cơ (Paramotor) 2 năm nay. Anh là phi công đã được cấp chứng chỉ quốc tế APPI (Association of Paragliding Pilots and Instructors) để điều khiển dù lượn động cơ.
Quân từng xem một số video trên mạng xã hội về những chuyến bay dù lượn trên kim tự tháp ở Ai Cập và cảm thấy rất cuốn hút. Vì vậy, khi được vlogger du lịch Đinh Hằng rủ tham gia chuyến trải nghiệm kéo dài 10 ngày cùng một phi công khác tên Nhật Thanh, anh nhanh chóng nhận lời.
Cả nhóm đăng ký theo sự kiện bay được tổ chức bởi một công ty về du lịch. Ba người chủ yếu bay tại 2 điểm chính là Cairo và Luxor. Vì đã có chứng chỉ APPI, Quân và Thanh có thể tự bay độc lập, không cần người hỗ trợ bay cùng.
Quân có cơ hội bay lượn phía trên kim tự tháp ở Ai Cập. |
Vào ngày "cất cánh", cả nhóm phải dậy từ sớm để chuẩn bị. Tuy nhiên ở một số điểm, thời tiết không quá thuận lợi nên Quân không thể check-in được hết các điểm như dự định. Ví dụ, kế hoạch bay qua bờ tây sông Nile để đến thung lũng các vị vua phải hủy bỏ vì điều kiện thời tiết không cho phép.
"Nhưng dù sao, chuyến đi nói chung khá thành công đối với tôi. Với mỗi chuyến bay kéo dài 40 phút đến 1 giờ, tôi có cơ hội tận hưởng khung cảnh và ghi lại nhiều khoảnh khắc đáng nhớ mà không phải khi nào cũng có cơ hội trong đời", Quân chia sẻ.
Quân và Thanh bay độc lập vì đã có bằng lái. |
Một mục tiêu khá thú vị trong chuyến bay Quân đặt ra là cố gắng tìm chú chó hoang tên Apollo, chú chó nổi tiếng trên Internet vì thường xuyên leo lên đỉnh kim tự tháp.
"Tôi không rõ vì sao nó làm vậy, nhưng hình ảnh của Apollo đã trở thành một biểu tượng rất đặc biệt với những ai yêu thích Ai Cập. Trong chuyến bay, tôi hy vọng có thể tận mắt chứng kiến hình ảnh 'ngầu' của nó, nhưng tiếc là không may mắn gặp được chú chó này".
Quân cho biết việc tham gia các sự kiện bay quốc tế, đặc biệt là ở Ai Cập, yêu cầu phi công phải có chứng chỉ quốc tế APPI.
Trong khi đó, cộng đồng Paramotor ở Việt Nam còn khá mới mẻ, số lượng thành viên sở hữu chứng chỉ quốc tế chưa nhiều, nên hầu như anh đều biết các phi công có chứng chỉ. Vì vậy, ở chuyến đi vừa qua, anh chắc chắn bản thân và Nhật Thanh là hai phi công Việt Nam đầu tiên bay ở Ai Cập, đặc biệt là trên các địa danh nổi tiếng như kim tự tháp Giza.
"Dù chuyến bay này không phải là một sự kiện được cấp giấy chứng nhận cụ thể, nhưng việc tham gia bay ở một địa điểm mang tính biểu tượng thế giới như vậy là một cột mốc quan trọng đối với tôi và cộng đồng Paramotor ở Việt Nam. Nó không chỉ là niềm tự hào cá nhân, mà còn góp phần đưa hình ảnh của Paramotor Việt Nam đến gần hơn với cộng đồng quốc tế", Quân bày tỏ.
Môn thể thao cho người yêu bầu trời
Dù lượn động cơ là bộ môn kết hợp giữa dù lượn và động cơ. Khác với dù lượn thông thường, phần động cơ gắn phía sau giúp người điều khiển có thể cất cánh, bay lượn một cách chủ động mà không cần phụ thuộc nhiều vào địa hình hay luồng gió.
Là người thích sự tự do và trải nghiệm, Quân đặc biệt bị môn thể thao này lôi cuốn. Chàng trai sinh năm 1994 yêu cảm giác bay lượn trên bầu trời, ngắm nhìn mọi thứ từ một góc độ đặc biệt, thậm chí có thể bay lên các tầng mây, chạm tay vào chúng. "Đó là cảm giác tự do tuyệt vời mà rất ít môn thể thao có thể mang lại".
Theo Quân, Paramotor đúng là một môn thể thao mạo hiểm, nhưng mức độ mạo hiểm của nó hoàn toàn phụ thuộc vào cách người chơi chuẩn bị. Anh tin rằng nếu được đào tạo bài bản, sử dụng thiết bị chất lượng tốt và tuân thủ các nguyên tắc an toàn, đây là một môn thể thao rất thú vị và không quá nguy hiểm. Quan trọng nhất là phải hiểu về thời tiết, kỹ thuật điều khiển và luôn giữ thái độ cẩn thận khi bay.
Bộ môn dù lượn động cơ thỏa mãn niềm đam mê bay lượn của Quân. |
Để chơi được bộ môn này, Quân cho rằng điều đầu tiên cần chuẩn bị là sự đam mê cũng như sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tim mạch và thần kinh tốt để có thể bình tĩnh xử lý trong mọi tình huống có thể xảy ra.
Khi đã có chứng chỉ bay, người chơi có thể cân nhắc đầu tư thiết bị. Mỗi bộ thiết bị giá dao động từ khoảng 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, tùy vào chất lượng và trường phái (solo hay bay đôi). Nếu không có nhu cầu bay quá nhiều, người chơi vẫn có thể thuê thiết bị để tiết kiệm chi phí. Cá nhân Quân đã đầu tư hơn 100 triệu đồng cho việc đào tạo, lấy chứng chỉ, các chuyến bay nâng cấp kỹ năng và cải thiện trình độ… chưa tính tiền thiết bị. Đối với anh, đây là khoản chi rất xứng đáng.
Theo Quân, paramotor không quá nguy hiểm nếu người chơi đáp ứng và tuân thủ các quy tắc an toàn. |
Quân nhấn mạnh tầm quan trọng của chứng chỉ khi chơi dù lượn động cơ: "Đây không chỉ là một bằng chứng cho khả năng của bạn, mà nó còn giúp bạn đủ điều kiện tham gia các sự kiện quốc tế. Để sở hữu chứng chỉ, bạn sẽ phải trải qua các kỳ thi sát hạch để đánh giá trình độ phi công, từ đó giúp bạn tự đánh giá và nâng cao khả năng, đảm bảo an toàn trong mỗi chuyến bay".
Điểm khó nhất của bộ môn này, theo cá nhân anh, là kỹ năng xử lý các tình huống ngoài ý muốn. Mỗi chuyến bay đều tiềm ẩn những yếu tố bất ngờ, và khả năng kiềm chế bản thân là rất quan trọng.
"Khi bay lên trời, cơ thể sẽ tiết ra nhiều adrenaline, gây hưng phấn và đôi khi làm phi công trở nên thiếu kiểm soát. Điều này có thể dẫn đến những hành động mạo hiểm hơn, từ đó gây ra các sự cố không đáng có. Thực tế, nhiều vụ tai nạn trong môn dù lượn động cơ xuất phát từ việc phi công không tự chủ được hành động, dấn thân vào những hành vi liều lĩnh", anh nói.
Cá nhân Quân cũng từng vài lần phải đối diện với những tình huống nguy hiểm, thậm chí giữa ranh giới của sự sống và cái chết. Những lúc như vậy, anh hiểu rõ tầm quan trọng của việc luôn giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát.
Về địa điểm bay, khác với môn dù lượn thông thường, dù lượn động cơ không cần phải lên núi hay từ một độ cao nhất định rồi mới bay xuống. Người chơi có thể cất cánh từ mặt đất và sử dụng lực đẩy của động cơ để bay lên cao. Đây cũng được coi là một loại hàng không siêu nhẹ, vì vậy việc bay đều phải được cấp phép từ Bộ Quốc phòng. Mỗi địa điểm bay đều phải có giấy phép bay, việc này đảm bảo tính an toàn cho người chơi.
Hiện, Quân sinh hoạt hàng tuần tại CLB Liên đoàn Dù lượn Tây Ninh và thường tham gia các sự kiện bay với Liên đoàn Dù lượn Hồ Chí Minh và các câu lạc bộ ở miền Bắc. Đối với chàng trai sinh năm 1994, dù lượn động cơ không chỉ có ý nghĩa là một môn thể thao.
"Với tôi, bay trên bầu trời là cách để cảm nhận sự tự do tuyệt vời, khi mà mọi thứ dưới chân chỉ còn là những điểm nhỏ bé. Mỗi chuyến bay là một cơ hội để ngắm nhìn thế giới từ một góc độ hoàn toàn khác, giúp tôi cảm nhận được sự kỳ vĩ của thiên nhiên. Bộ môn này là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, mang lại sự thỏa mãn và những giá trị tinh thần rất lớn cho tôi", Quân bày tỏ.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.