Nguyễn Siêu (SN 1995, Hà Nội) là chàng trai Việt Nam duy nhất có tên trong danh sách những người trẻ nổi bật “30 Under 30” của Forbes Bắc Mỹ năm 2025. Anh gây chú ý khi xuất hiện ở lĩnh vực Marketing và Quảng cáo với các bộ phim tài liệu, video xã hội, trailer “hot hit” như: Euphoria, The Idol, Hacks, The White Lotus,...
Anh được đề cử giải Primetime Emmy 2024 cho “Phim truyền hình phi hư cấu hoặc thực tế ngắn xuất sắc” với phim ngắn hậu trường “Hack: Bit by Bit”, giải thưởng Giải trí Clio 2022 cho “Phim truyền hình: Nội dung gốc” với loạt phim hậu trường “Enter Euphoria”.
Nguyễn Siêu đi thực tập và làm việc tại các xưởng phim hàng đầu thế giới như: Walt Disney, MTV, Blumhouses, Paramount, HBO. Nhân dịp đầu xuân năm mới, chia sẻ với chúng tôi, Nguyễn Siêu đã có những trải lòng về quá trình học tập, làm việc đầy thách thức tại xứ sở cờ hoa nhưng đó cũng là những trải nghiệm vô cùng thú vị, đánh dấu những bước tiến mới trên con đường phát triển sự nghiệp của anh.
- Được biết anh trúng tuyển 7 ngôi trường danh giá tại Mỹ, vì sao anh quyết định theo Điện ảnh - Truyền thông của ĐH Vassar, trong khi nhiều bạn trẻ Việt thường chọn những ngành mũi nhọn như Sinh học, Khoa học Máy tính, Tài chính đầu tư,...?
Về lựa chọn nghề nghiệp, mỗi người sẽ có những lý do khác nhau như: Theo xu hướng, thu nhập tốt, có nhiều bạn bè đang theo học, do yêu thích,... Còn tôi lựa chọn Điện ảnh - Truyền thông vì đam mê. Từ nhỏ, tôi đã rất thích xem phim ảnh trên ti vi, theo dõi chương trình “Điện ảnh chiều thứ 7” trên VTV, hay khi có truyền hình cáp thì xem HBO, Disney, Cinemax. Tôi được mở mang tầm mắt, thấy sự khác biệt và thú vị của thế giới bên ngoài.
Đến cuối năm cấp 2, tôi bắt đầu tự mày mò quay dựng video. Cảm giác khi đó rất vui, hào hứng, tò mò, vì tôi không chỉ được thấy những thước phim mình xem mà giờ được bắt tay thực hiện. Từ lúc đó, tôi nghĩ sẽ học tập nghiêm túc để theo đuổi Điện ảnh. Sau này khi đi du học, tôi được trải nghiệm nhiều ngành học như: Kinh tế, tâm lý, truyền thông, điện ảnh,... giúp tôi thật sự hiểu rõ đam mê, thế mạnh bản thân. Vì thế, tôi quyết định học Điện ảnh - Truyền thông, rất vui mừng khi bố mẹ tôn trọng và ủng hộ.
- Mới bước vào môi trường học tập mới, anh có gặp nhiều cú sốc khi đối mặt với sự khác biệt văn hoá?
Hồi mới sang Mỹ, tôi không sốc mà còn thích thú, trải nghiệm mọi thứ. Bởi tiếng Anh tôi ổn, giao tiếp tốt, bạn học thân thiện nên không thấy lạc lõng. Khoảng 1 năm sau, tôi mới nhận thấy sự khác biệt trong lối suy nghĩ của các bạn Mỹ. Họ rất thân thiện nhưng họ không thích lắng nghe tâm sự, chuyện riêng tư bởi họ có lối sống, lối nghĩ cá nhân. Khác người Việt Nam thường đề cao tính cộng đồng, yêu thương, quan tâm lẫn nhau.
Về chuyện học tập, ở Đại học, tôi phải tiếp thu rất nhiều thứ liên quan đến Triết. Môn học này quả thật “khó nhằn” với khối kiến thức đồ sộ, nhiều thuật ngữ khó hiểu. Tôi mất vài tuần làm quen cách học mới, nhưng khi đã hiểu bài, tôi thấy phương pháp này khá thú vị. Triết áp dụng vào nhiều vấn đề, giúp chúng ta xây dựng được hệ thống tư duy logic.
Khi bắt đầu học chuyên ngành, như “cá gặp nước”, tôi tha hồ khám phá đam mê, được tự do làm những điều mình muốn. Những ý tưởng ấp ủ nhiều năm được viết ra thành kịch bản rồi đi quay dựng, tạo thành sản phẩm khiến tôi phấn khởi. Tôi được lên ý tưởng, xây dựng kịch bản, tuyển diễn viên, quay phim, phụ trách âm thanh - ánh sáng,... Ở mỗi vị trí khác nhau đều cho tôi những trải nghiệm mới, kiến thức mới.
Khó nhất là làm phim đen trắng, nhưng đó cũng là trải nghiệm thú vị. Tôi phải quay phim bằng camera cũ kiểu Nga, dùng phim nhựa 16mm. Nếu làm phim kỹ thuật số có thể thao tác lại nhiều lần, làm đến khi nào ưng mới dừng thì làm phim theo kiểu xưa rất áp lực. Chỉ cần bạn làm sai sẽ phải làm lại, gây tốn kém chi phí. Nhưng cũng chính nhược điểm này khiến tôi học được tính trau chuốt, cẩn thận khi làm nghề.
- Có cơ hội được trải nghiệm nhiều phương pháp học tập khác nhau, vậy anh thấy giáo dục ở Mỹ có gì khác biệt so với Việt Nam?
Giáo dục ở Việt Nam tập trung nhiều vào kỹ năng chuyên môn, kiểu “cầm tay chỉ việc”, thiên về tính cụ thể. Còn giáo dục Mỹ thiên về kỹ năng mềm nhiều hơn, hiểu đơn giản là họ dạy sinh viên cách tư duy trước vấn đề. Vì thế nên mai sau nếu sinh viên đổi ngành nghề vẫn có thể áp dụng tư duy cho mọi thứ. Nhưng điều gì cũng có 2 mặt, kỹ năng chuyên môn cũng rất quan trọng trong môi trường việc làm. Chính vì thế, sinh viên càng đi thực tập sớm sẽ càng có lợi.
Một khác biệt nữa là giảng viên Mỹ thường giao bài tập để sinh viên tự tìm tư liệu học hỏi. Khi đến lớp, sinh viên trình bày ý kiến, như vậy tính chủ động được phát huy.
- Sau khi ra trường, vị trí công việc đầu tiên của anh là gì?
Hồi sinh viên, tôi đã đi thực tập nhưng không có lương. Cứ vào thứ 5, thứ 6 hàng tuần, tôi sẽ đi tàu tới New York làm việc. Tôi hỗ trợ học sinh cấp 3 làm phim, chọn thiết bị, tổ chức hậu cần. Thời sinh viên không có tiền, may mắn tôi được một người bạn giúp chỗ ngủ qua đêm. Giờ nhớ lại, tôi thấy biết ơn người bạn đó.
Công ty tiếp theo tôi đi thực tập là Blumhouse. Suốt gần 3 tháng hè, tôi đọc rất nhiều kịch bản, tóm tắt rồi đánh giá nội dung. Việc không lương nhưng mang đến niềm hứng thú vì tôi được tiếp cận những tác phẩm hay. Tôi cũng học được cách đánh giá toàn diện sự việc, nhìn ra tiềm năng của kịch bản.
Còn sau khi tốt nghiệp ĐH, tôi là trợ lý sản xuất ở Paramount, xử lý vô vàn công việc như: Tìm file âm thanh, sắp xếp video, vận chuyển các ổ cứng,... Cứ 3 tháng sẽ có đợt đánh giá nhân sự nên tôi luôn cố gắng làm tốt việc của mình. Về sau, tôi tự mày mò sản xuất video rồi gửi lên Giám đốc sáng tạo và được đánh giá cao. Nhờ vậy mà sau 1 năm, tôi được nhận việc chính thức.
- Công việc liên tục đòi hỏi sự sáng tạo. Hơn thế, sáng tạo ở Mỹ lại cần phải hiểu rõ văn hoá, con người, ngành công nghiệp giải trí,.... Liệu đây có phải là thách thức lớn nhất đối với anh?
Đúng là thách thức, vì thế tôi thường xuyên phải tìm hiểu, nghiên cứu thị hiếu khán giả bằng cách xem ti vi, phim ảnh, dùng MXH,... Bằng cách này, tôi mới biết mọi người thích gì, đang bàn luận về nội dung gì,... Ngoài ra, tôi tích cực gặp gỡ bạn bè, trò chuyện với mọi người để nắm rõ hơn về thị hiếu.
Nhiều khi bí ý tưởng, tôi đi tìm kiếm bằng cách thay đổi không gian, có thể là ra ngoài dạo bộ, tới bảo tàng, đến quán cà phê mới lạ,... Đường phố New York nhộn nhịp, nhiều ánh sáng, sống động âm thanh, màu sắc - đó là nơi mà ý tưởng sẽ nảy sinh.
- Có khi nào anh sợ mình bị tụt lùi phía sau hay bị đào thải?
Tôi luôn đặt bản thân vào vị trí là người tạo ra xu hướng nên không sợ bị thụt lùi. Tôi không lên TikTok hay Instagram tìm xu hướng rồi cố gắng bắt “trend” bởi mình làm theo, chạy theo sẽ luôn tạo ra sản phẩm bị chậm nhịp. Nguyên tắc của tôi là không nhìn mọi người làm gì rồi bắt chước mà phải nghĩ ra nội dung thú vị. Người tạo ra trào lưu mới là người thành công. Rất tự hào khi tôi cũng làm nhiều thứ “viral” trên TikTok.
Tôi từng có nhiều sản phẩm không được đón nhận. Lúc đầu, những góp ý của mọi người khiến tôi có đôi chút buồn rầu, thất vọng. Nhưng sau đó, tôi nhận ra, làm chưa tốt là bình thường. Cách khắc phục của tôi là lắng nghe từ người có kinh nghiệm lâu năm, chuyên môn cao. Không nên có cái tôi quá lớn, mọi ý tưởng đều thay đổi được, quan trọng là chúng ta cần nhìn lại và tự điều chỉnh.
- Có 10.000 đề cử và Forbes chọn ra 30 gương mặt xuất sắc cho các ngành nghề, lĩnh vực. Điều này hẳn là cột mốc danh giá trong sự nghiệp, đặc biệt là trước khi anh bước sang tuổi 30?
Dĩ nhiên tôi vui, ngạc nhiên và bất ngờ! Một đồng nghiệp đã đề cử nhưng tôi không nghĩ bản thân sẽ lọt danh sách 30 người xuất sắc, tôi nghĩ điều đó là xa vời. Nhưng khi đạt được, tôi thấy tất cả cố gắng, nỗ lực những năm tuổi 20 rất xứng đáng. Sự ghi nhận cũng giống như tấm bằng danh giá, mang lại lợi thế trên con đường phát triển sự nghiệp.
Như bao bạn trẻ khác, tôi từng loay hoay trong công việc, thi thoảng suy nghĩ nên đổi ngành hay không. Nhưng sau cùng tôi nhận ra, nếu tôi lựa chọn con đường khác, tôi sẽ mất thời gian, công sức để học từ đầu. Giám đốc Sáng tạo, cô Laura Kane từng nói với tôi rằng: “Trong cuộc đời không có điều gì gọi là lựa chọn sai hay đúng. Mình cứ lựa chọn một thứ, rồi những gì mình làm sau lựa chọn phải khiến nó thành lựa chọn đúng”.
Khi bạn đang phân vân giữa 2 con đường, hãy chọn ra lối đi mà cảm tính bạn thiên về, sau đó hãy dốc toàn bộ sức lực chứng minh đó là con đường đúng. Thay vì chán nản, hoài nghi vào lựa chọn, tôi sẽ luôn nhìn về phía trước, nghĩ cách làm tốt nhất cho các dự án tiếp theo. Lời khuyên này áp dụng cho mọi vấn đề trong đời sống.
Một niềm vui nữa là sau khi công bố danh sách, Forbes tổ chức buổi gặp mặt, giao lưu toàn bộ các bạn có mặt trong danh sách 30 cá nhân. Tại sự kiện, tôi được gặp những người còn ở các lĩnh vực khác nhau. Nhiều bạn chỉ 18, 19 tuổi đã rất thành công, không biết đến khi bằng tuổi tôi, họ sẽ thành công như thế nào nữa.
- Anh có thể chia sẻ về "mentor" - những người có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của anh?
Không phải ai cũng may mắn có “mentor” tốt. Tôi được 2 người hỗ trợ rất nhiều, và đó cũng là những người thầy ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của tôi. Họ là Giám đốc sáng tạo, cô Laura Kane và ông John Wilhelmy. Họ luôn khuyến khích tôi đưa ra ý tưởng sáng tạo, mới lạ, táo bạo. Họ giúp tôi biến ý tưởng thành hiện thực, tôi biết ơn vì điều đó.
Nhiều người thích làm theo cách truyền thống, theo công thức sẵn có nhưng với họ, càng khác biệt càng thích. Khác biệt có thể sẽ “fail”, không được đón nhận nhưng đôi khi phải làm, mới biết kết quả có thành công hay không. “Fail” sẽ có bài học, còn nếu thành công sẽ là người tạo ra xu hướng, thay vì chạy theo trào lưu. Họ đã chấp nhận những ý tưởng điên rồ nhất, và cho tôi thoải mái suy nghĩ, sáng tạo.. Với cá nhân tôi, sự khác biệt tạo nên thành công, chứ không phải là con đường quá an toàn.
- Trong thời gian tới, ngoài tiếp tục làm phim, anh có ấp ủ những dự định khác không?
Tôi không lên kế hoạch quá xa cho cuộc sống, trước mắt là cứ làm tốt công việc. Năm tới, tôi tiếp tục làm show “The White Lotus” mùa 3 và hỗ trợ online cho vài dự án ở Việt Nam. Mỗi khi về Hà Nội, tôi vẫn thường gặp những đạo diễn để học hỏi kinh nghiệm, chuyên môn và hỗ trợ lẫn nhau.
Ngoài ra, tôi sẽ cố gắng viết nhiều hơn trong năm tới. Sau cuốn “Cô đơn để trưởng thành” phát hành thành công, tôi muốn viết thêm sách bởi viết sách có giá trị lâu bền theo thời gian.
- Là người có tuổi đời, tuổi nghề khá trẻ, từng có bài viết nhận xét về phim chiếu rạp Việt và nhận được phản hồi đa chiều, anh suy nghĩ gì?
Điều gì khiến mọi người bàn tán, tranh luận nghĩa là đang nhận được quan tâm. Tôi “review” phim Việt dựa theo kiến thức chuyên môn được học và từ trải nghiệm trong nghề gần 10 năm, chứ không tấn công cá nhân nào. Tôi nghĩ ai cũng có quyền được bày tỏ, chia sẻ, thảo luận vì đó là bản chất của MXH. Càng tranh luận càng tốt để học hỏi, lắng nghe được nhiều ý kiến khác.
Với phim Việt, tôi nghĩ nhiều khi đạo diễn vẫn chạy theo thành tích, có cách quảng bá giật gân, dùng những con số để đánh giá chất lượng. Nhưng theo tôi, con số chỉ phản ánh một phần, doanh thu đôi khi phản ánh thị hiếu. Chất lượng của bộ phim phải nằm ở tầm nhìn của đạo diễn, những yếu tố mới lạ, dù điều đó có thể chưa được khán giả đón nhận ngay lập tức.
- Anh nghĩ đâu là những yếu tố giúp anh có thành tích đáng nể như vậy?
Đầu tiên là sự chăm chỉ, tôi vẫn nghe người lớn dạy “cần cù bù thông minh”. Thứ hai là sự chủ động khi học tập cũng như khi làm việc. Môi trường Mỹ dạy tôi rằng: Muốn hỏi gì thì phải hỏi, có ý tưởng phải nói. Thứ ba là sự nhạy bén, trong trường hợp không đi theo kế hoạch phải có cách giải quyết linh hoạt. Thứ tư là hoà đồng với mọi người. Việc xây dựng mối quan hệ rất quan trọng. Càng nhiều người góp ý sẽ càng tốt cho bạn. Cuối cùng là yếu tố may mắn. May mắn khi bạn đã nỗ lực 4 điều trên, khi thời cơ đến, bạn cần biết chớp cơ hội.
Trong quá trình làm việc, tôi được hợp tác với nhiều ngôi sao giải trí hạng A Hollywood như: Lady Gaga, Robert Downey Jr., Jennie, Selena Gomez, Zendaya,... Trước khi thành công, nhiều người trong số họ cũng từng làm công việc lao động tay chân nhưng luôn nỗ lực phát triển. Không phải ai sinh ra cũng ngậm thìa vàng, sẽ luôn có con đường cho những người xuất phát điểm khác nhau đi đến thành công.
Dù giờ đã là sao hạng A nhưng họ luôn đến đúng giờ, chuẩn bị nội dung câu trả lời kỹ lưỡng. Họ thành công, nổi tiếng như vậy mà còn cẩn thận, chỉn chu thì tôi càng cần nghiêm túc, chuyên nghiệp trong công việc.
- Quan niệm của anh thế nào về sự giàu có và hạnh phúc?
Giàu có về hạnh phúc là điều quan trọng. Nếu chúng ta đi làm 8 - 10 tiếng/ngày nhưng luôn vui vẻ, thay vì kêu than, hay muốn nghỉ việc thì đó là hạnh phúc. Về nhà thấy an yên, được mọi người xung quanh yêu thương, quan tâm giúp đỡ thì đó cũng là hạnh phúc.
Tôi thấy những điều này quan trọng hơn việc có nhiều tiền trong tài khoản. Có nhiều người rất giàu có nhưng chưa chắc đã hạnh phúc vì nhiều người xung quanh không tôn trọng.
- Câu nói truyền động lực/truyền cảm hứng cho anh là gì?
Tôi luôn nhớ đến lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Khiêm tốn - Thật thà - Dũng cảm”. Tôi vẫn nhắc nhở mình phải khiêm tốn với mọi người, trong mọi hoàn cảnh, không được kiêu căng tự phụ. Thứ hai là cần thật thà với chính bản thân, với mọi người xung quanh. Và cuối cùng là tôi cần can đảm, dám dấn thân trước mọi thử thách, không ngại khó khăn.
- Nhìn lại hành trình vừa qua, anh có lời nhắn nhủ nào tới các bạn trẻ đang loay hoay trong việc theo đuổi đam mê?
Khi còn trẻ, còn sức khoẻ, còn thời gian, các bạn trẻ nếu có ý tưởng hãy bắt tay vào thực hiện. Sự khác biệt giữa người bình thường và người thành công đó là hành động.
Chẳng hạn, nếu bạn có ý tưởng, hãy viết kịch bản rồi lên kế hoạch quay phim, dựng phim, tạo thành sản phẩm. Hay khi bạn có ý tưởng viết lách, hãy lập tức ngồi xuống và viết ra. Đôi khi, chúng ta có ý tưởng hay trong đầu nhưng không làm vì nghĩ chưa sẵn sàng, cần trau dồi thêm thời gian, muốn đợi thời điểm thích hợp để thực hiện. Nhưng bạn phải làm mới có sản phẩm để mọi người góp ý, chỉnh sửa mới dần tiến bộ.
Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện thú vị!