Thông lộ - Sức bật mới ở đồng bằng châu thổ

Các dự án giao thông trọng điểm được đầu tư tại ĐBSCL đã và đang tạo ra diện mạo mới cho vùng đất Chín Rồng. Kỳ vọng sẽ tạo ra lực đẩy “khổng lồ”, để gỡ nút thắt giao thông, đưa đồng bằng châu thổ bứt phá phát triển trong thời gian tới.

Tháo gỡ “nút thắt” giao thông

Trong 4 dự án giao thông đường bộ cao tốc trọng điểm đang được triển khai tại đồng bằng sông Cửu Long, đường cao tốc Cà Mau – Cần Thơ là dự án được người dân vùng đất Chín Rồng mong chờ và kỳ vọng nhất. Bởi lẽ, đây là tuyến cao tốc trục dọc, mở ra một trang mới trong phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực bán đảo Cà Mau và cả đồng bằng châu thổ. Đi dọc công trường dự án vào những ngày cuối năm 2024, không khí thi công rất hối hả. Hàng trăm kỹ sư, công nhân, cùng với xe lu, xe ủi, máy đào… thi công “3 ca, 4 kíp”, bất kể ngày đêm.

Thông lộ - Sức bật mới ở đồng bằng châu thổ- Ảnh 1.

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án), cho biết, sản lượng thi công toàn dự án đến nay đạt 53%. Nhìn tuyến đường cao tốc Cà Mau – Cần Thơ dài tít tắp, dần nên hình nên dáng, ông Trần Văn Bảy, ở xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình (Cà Mau) phấn khởi nói: Vậy là còn một cái tết nữa, chúng tôi sẽ được ngược xuôi trên cao tốc. Mừng nhất là khi đau bệnh, bà con Đất Mũi chỉ mất vài giờ để đến TPHCM, không phải lặn lội cả ngày đường như trước.

Bên cạnh Dự án cao tốc Cà Mau – Cần Thơ, 3 dự án đường bộ cao tốc trục ngang đang triển khai còn lại tại ĐBSCL cũng được đẩy nhanh tiến độ. Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc vào giữa tháng 10-2024, các địa phương có 3 dự án đi qua cho biết, công tác giải phóng mặt bằng các dự án này đã đạt 99%.

Theo Bộ GTVT, Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (dài hơn 188 km) sẽ hoàn thành toàn tuyến vào năm 2026; Dự án thành phần 2 Cao Lãnh - An Hữu (hơn 11km) hoàn thành năm 2027, còn lại Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh sẽ khởi công vào đầu năm 2025.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, các dự án cao tốc trục dọc, trục ngang này sẽ kết nối, tạo thành hệ thống giao thông khép kín hơn 500km, từng bước nới lỏng, tiến tới tháo gỡ “nút thắt” hạ tầng giao thông, góp phần đưa đồng bằng châu thổ “cất cánh” trong thời gian tới.

Tác động tích cực

Tròn 1 năm tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 được thông xe, đưa vào khai thác (ngày 30-12-2023), đến nay hai dự án này đã tác động nhiều mặt đến kinh tế các địa phương nằm dọc theo tuyến cao tốc và cả khu vực ĐBSCL. Đại diện Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long cho biết, trước đây tỷ lệ doanh nghiệp vào hoạt động tại Khu công nghiệp Hòa Phú (huyện Long Hồ) và Khu công nghiệp Bình Minh (thị xã Bình Minh) đạt dưới 50%, nhưng từ đầu năm 2024 đến nay tăng lên 96,3%.

Kết quả này có được là nhờ giao thông được kết nối, kéo giảm chi phí logistics, vận chuyển. Các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI tại khu vực miền Đông, TPHCM về hoạt động, đầu tư nhiều hơn. Tính đến cuối năm 2024, các khu công nghiệp của tỉnh Vĩnh Long đã thu hút 68 dự án đầu tư, với tổng vốn thực hiện/đăng ký hơn 2.126 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 48.000 lao động.

Thông lộ - Sức bật mới ở đồng bằng châu thổ- Ảnh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời đánh giá, tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 từ khi đưa vào khai thác như một lực đẩy giúp kinh tế địa phương chuyển động mạnh. Chi phí logistics, thời gian vận chuyển từ TPHCM về tỉnh Vĩnh Long cũng giảm. Các yếu tố này đã tạo ra không gian phát triển mới, động lực tăng trưởng mới, thu hút nhà đầu tư đến Vĩnh Long nhiều hơn.

Vẻ mặt rạng ngời, chị Hà Bé Bảy, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập nhập khẩu nông – thủy sản Long Điền (Cần Thơ), cho biết, năm 2024, công ty lãi lớn, lợi nhuận tăng 20% so với năm 2023. Nguyên nhân chính yếu là nhờ có đường cao tốc thông suốt từ Cần Thơ đi TPHCM, thời gian di chuyển ngắn, chi phí vận chuyển giảm mạnh...

Nhiều địa phương tại ĐBSCL đang đầu tư, nâng cấp, cải tạo các tuyến giao thông huyết mạch trong tỉnh để tạo sự kết nối liên hoàn, nâng cao năng lực vận tải. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, tỉnh đang triển khai xây dựng nhiều tuyến đường, như: tuyến đường tôm - lúa, tuyến vành đai, trục đường Đông Tây, tuyến đường ven biển… Các tuyến - trục đường này dự báo sẽ tạo ra nhiều không gian phát triển mới, từ đó giải quyết vấn đề việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Cuối năm 2024, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức khởi công cầu Ba Lai 8 và tuyến đường bộ ven biển. Dự án này được xem là nơi giao thoa của các tuyến giao thông quốc gia. Bởi phía Bắc kết nối với tỉnh Tiền Giang thông qua quốc lộ 50, đi Long An, TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ; phía Nam nối với tỉnh Trà Vinh đi Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau; phía Tây kết nối với Vĩnh Long qua quốc lộ 57 đi Đồng Tháp. Do đó, kinh tế - xã hội khu vực này sẽ có nhiều bứt phá.