ChatGPT nghĩ gì về bài phát biểu nhậm chức của ông Trump

Nếu năm 2017, ông sử dụng một giọng điệu mạnh mẽ và quả quyết, thì trong bài phát biểu năm 2025, Trump chọn cách nói hy vọng nhưng thận trọng, theo nhận xét của ChatGPT.

So với các tổng thống trước đây, bài phát biểu của Trump vẫn giữ phong cách cá nhân rõ nét, khác biệt so với sự chặt chẽ và ý nghĩa sâu sắc trong bài phát biểu của Barack Obama hay sự lạc quan và nhấn mạnh "tự do"của George W. Bush. Ảnh: New York Times.

Ngày 20/1, Tổng thống Donald J. Trump đã có lời tuyên thệ nhậm chức lần 2 tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ. Bài phát biểu dài hơn 2.800 từ, gấp đôi độ dài so với bài phát biểu năm 2017. Đó từng là bài phát biểu nhậm chức ngắn nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại.

Giọng điệu mới, nhưng thông điệp quen thuộc

So với bài phát biểu đầu tiên, giọng điệu trong lần xuất hiện này của Trump ấm áp hơn, mang tính hy vọng và hòa nhã hơn. Dù vậy, những ưu tiên cho chính sách cơ bản vẫn không thay đổi, theo Axios.

Phân tích từ ChatGPT chỉ ra rằng giọng điệu của Trump đã chuyển từ "táo bạo và quyết đoán" (2017) sang "hy vọng nhưng thận trọng" (2025). Cách ông chỉ trích đối thủ cũng chuyển từ "trực diện" sang "nhẹ nhàng hơn, nhấn mạnh vào các vấn đề hệ thống", thay vì mang tính cá nhân. Về tu từ, phong cách của ông thay đổi từ "khoa trương và kịch tính" sang "truyền cảm hứng và đậm tính yêu nước".

ChatGPT noi gi ve Trump anh 1

Phân tích của Axios về các từ ngữ trong bài phát biểu nhậm chức của Trump trong 2 năm. Ảnh: Axios.

Tuy nhiên, theo phân tích của nền tảng AI Yoodli, lời tuyên thệ của Trump có phần lan man và thiếu súc tích. Số lượng từ nhiều hơn 36% so với mức cần thiết để truyền đạt thông điệp. Yoodli cũng chỉ ra cấu trúc bài phát biểu khá rời rạc, thiếu liên kết chặt chẽ giữa các ý tưởng.

Đơn cử như từ "America first" (Nước Mỹ trên hết) được lặp lại nhiều lần, nhưng không phải lúc nào cũng gắn liền với các hành động cụ thể.

Dữ liệu cũng chỉ ra rằng các từ như “tôi”, “chúng ta” và “bạn” tiếp tục là những từ được ông Trump sử dụng nhiều nhất. Tần suất gấp đôi so với bài phát biểu trước. Ngoài ra, một số từ xuất hiện lần đầu hoặc được nhấn mạnh hơn bao gồm: “cảm ơn”, “chính phủ”, “thống nhất”, “panama”, “công lý”, “thay đổi”, “cùng nhau”.

Theo phân tích của New York Times, từ được sử dụng nhiều nhất trong lời tuyên thệ lần này là "American" (21 lần), tiếp theo là "quốc gia" và "America" (20 lần mỗi từ).

Tân tổng thống nói: “Giấc mơ Mỹ sẽ sớm quay trở lại và thăng hoa hơn bao giờ hết. Tham vọng là huyết mạch của một quốc gia vĩ đại. Và ngay lúc này, đất nước chúng ta đang có nhiều tham vọng hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Không có dân tộc nào như dân tộc chúng ta”.

Trong bài phát biểu kéo dài gần 8.000 từ tại buổi tập hợp tối trước lễ nhậm chức, Trump sử dụng từ “con người” đến 56 lần. Ông nhấn mạnh: “People are happy. People are happy. It’s been a long time” (Người dân hạnh phúc. Người dân hạnh phúc. Đã lâu lắm rồi).

Trước đó, năm 2017, Trump nổi tiếng với bài phát biểu mang giọng điệu “u ám” và nhấn mạnh các vấn đề như “American carnage” (tình trạng suy tàn của nước Mỹ). Ông mô tả cụ thể những khó khăn mà đất nước đang phải đối mặt. Những từ ngữ như “thảm sát”, “mắc kẹt trong nghèo đói”, “cạn kiệt” và “đổ nát” đã gây ấn tượng mạnh vào thời điểm đó.

Sự khác biệt của Trump so với phần còn lại của lịch sử nước Mỹ

So với các tổng thống tiền nhiệm, lời tuyên thệ của Trump năm 2025 lặp lại các khẩu hiệu quen thuộc từ chiến dịch tranh cử và nhấn mạnh vào các lời hứa hành động ngay lập tức. Trong khi đó, các tổng thống trước đó thường sử dụng bài phát biểu nhậm chức để truyền tải thông điệp đoàn kết hoặc định hình lại tầm nhìn quốc gia.

Tổng thống Joe Biden (2021) nhấn mạnh sự đoàn kết, sử dụng từ “unity” 11 lần. Ông cảnh báo về sự mong manh của nền dân chủ và kêu gọi chấm dứt "cuộc nội chiến không văn minh" giữa các phe phái chính trị.

ChatGPT noi gi ve Trump anh 2

Bài phát biểu năm 2025 của Trump có độ dài gần gấp đôi bài phát biểu năm 2017 của ông. Ảnh: New York Times.

Tổng thống Barack Obama (2009, 2013) tập trung vào các khái niệm về “freedom" (tự do) và "must" (phải) trong các bài phát biểu của mình, nhấn mạnh cần hành động tập thể. Tổng thống George W. Bush (2005) sử dụng từ “tự do” đến 27 lần. Ông xem đó là trụ cột chính của thông điệp về hòa bình và sự thịnh vượng.

Một trong những điểm đáng chú ý là bài phát biểu năm 2025 của Trump kéo dài hơn và có phần chi tiết hơn so với bài phát biểu năm 2017. Ông liệt kê những lời phàn nàn về chính quyền tiền nhiệm, đồng thời lặp lại nhiều lời hứa từ chiến dịch tranh cử.

Trump dự kiến ký gần 100 sắc lệnh hành pháp ngay trong buổi chiều cùng ngày. Trọng tâm xoay quanh các vấn đề như kinh tế, thương mại và chính sách đối ngoại, theo New York Times.

Ngoài ra, tại sự kiện vận động chiến thắng diễn ra trước ngày nhậm chức, Trump đã dành 58 phút - dài hơn cả tuyên thệ nhậm chức - để nhấn mạnh các vấn đề quen thuộc trong chiến dịch của mình, như TikTok (nhắc đến 12 lần) và các vấn đề biên giới và việc làm.

Theo NPR, bài phát biểu nhậm chức của các tổng thống Mỹ luôn phản ánh phong cách lãnh đạo và bối cảnh lịch sử thời kỳ đó. George Washington với bài phát biểu đầu tiên chỉ 135 từ vào năm 1789 đã nhấn mạnh trách nhiệm và nghĩa vụ của một nhà lãnh đạo.

Trong khi đó, William Henry Harrison vào năm 1841 lại tạo dấu ấn với lời tuyên thệ dài nhất trong lịch sử - hơn 8.000 từ - nhưng cái giá phải trả là sức khỏe của ông, dẫn đến cái chết chỉ sau một tháng.

Những câu hỏi chúng ta phải đối mặt trong thế giới AI

Chúng ta có rất nhiều câu hỏi về thế giới AI, mà đó đều là những nghi hoặc không dễ có ngay đáp án.

Cuốn sách Thời đại AI - Và tương lai loài người chúng ta trình bày cách AI làm thay đổi mối quan hệ của chúng ta với tri thức, chính trị và xã hội. Mục tiêu tối thượng của cuốn sách này là giải thích về AI và cung cấp cho độc giả những câu hỏi mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong những năm tới lẫn bộ công cụ để bắt đầu trả lời chúng.