Chạy online: Lợi ích và nguy cơ

() - Chạy online mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn các rủi ro sức khỏe như chấn thương, kiệt sức, đột quỵ… Vậy bạn cần chuẩn bị những gì để chạy an toàn?

Chạy online (chạy bộ trực tuyến) là hình thức tham gia các hoạt động chạy bộ từ xa thông qua nền tảng số hoặc sự kiện ảo. Người tham gia tự chọn địa điểm, thời gian và hoàn thành thử thách theo yêu cầu, ghi lại kết quả bằng ứng dụng hoặc thiết bị điện tử, sau đó gửi kết quả lên nền tảng để xác nhận và chia sẻ với ban tổ chức hoặc cộng đồng.

Theo đó, người tham gia phải mang thiết bị số trong quá trình tham gia chạy (thiết bị kết nối trực tuyến với ban tổ chức, với cộng đồng, có khả năng ghi hình, có thể ghi lại thành tích cá nhân đã tham gia chạy).

Lợi ích sức khỏe của chạy online

Người tham gia có thể chạy bất cứ lúc nào, ở bất kỳ đâu (công viên, đường phố, máy chạy bộ...) mà không bị ràng buộc bởi lịch trình cố định. Đây cũng là hoạt động tiết kiệm, người tham gia chạy không tốn tiền di chuyển đến địa điểm tổ chức, phí đăng ký thường thấp hơn sự kiện trực tiếp.

Nó cũng là một hình thức kết nối cộng đồng. Người tham gia nhóm chạy ảo, chia sẻ thành tích trên mạng xã hội. Họ cũng có thể theo dõi sức khỏe bằng việc đo lường tiến bộ qua biểu đồ, số liệu chi tiết.

Hình thức hoạt động cũng khuyến khích rèn luyện sức khỏe, tạo động lực duy trì thói quen chạy bộ, nhất là trong đại dịch hoặc thời tiết khó khăn.

Chạy online: Lợi ích và nguy cơ - 1

Ngày nay nhiều người chọn hình thức chạy online để rèn luyện sức khỏe (Ảnh minh họa: Shutterstock).

Rủi ro sức khỏe

Tự chạy không có huấn luyện viên hướng dẫn, không có sự hỗ trợ y tế kịp thời có thể dẫn đến chấn thương (chuột rút, đau khớp) hoặc tập luyện quá sức.

Chạy online mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn các rủi ro sức khỏe cần lưu ý. Chẳng hạn, phát sinh bệnh tật như chấn thương cơ xương khớp do kỹ thuật chạy sai (dáng chạy, tiếp đất không đúng), giày không phù hợp, quá tải cơ, không khởi động…

Thường gặp là đau gối, viêm gân gót, căng cơ, rách cơ. Một số trường hợp bị kiệt sức, đột quỵ nhiệt do chạy dưới thời tiết nắng nóng, thiếu nước, đặc biệt trời nắng, độ ẩm cao. Người chạy có thể bị ngất, sốt cao, thân nhiệt tăng cao, nhịp tim nhanh, huyết áp tăng…

Hoặc bạn cũng có thể bị chấn thương do nguyên nhân môi trường, khí hậu như đường chạy trơn trượt, giao thông đông đúc, địa hình gồ ghề, đường chạy thiếu ánh sáng… Bệnh lý tuần hoàn, hô hấp cấp có thể xảy ra do ganh đua, gắng sức quá mức, xuất hiện thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, đột quỵ não, xuất hiện cơn khó thở, hen phế quản…

Bên cạnh đó, nó cũng tiềm ẩn rủi ro về sức khỏe tinh thần. Chẳng hạn, nghiện tập luyện do lạm dụng việc chạy để đạt mục tiêu ảo, bỏ qua dấu hiệu mệt mỏi, dẫn đến mệt mỏi mất bù dẫn đến trạng thái suy kiệt.

Chạy online: Lợi ích và nguy cơ - 2

PGS.TS Võ Tường Kha, Trưởng Bộ môn Y học Thể thao, Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: N.P)

Giải pháp khắc phục rủi ro

Để phòng ngừa chấn thương thể chất, chúng ta cần kiểm tra sức khỏe ban đầu như khám tổng quát, chú ý trạng thái thể lực chung, hệ thống tim phổi, vận động trước khi tham gia, đặc biệt với người có tiền sử tim mạch, tiểu đường.

Bên cạnh đó, chúng ta cần học kỹ thuật chạy đúng (xem video hướng dẫn từ chuyên gia, tham gia lớp học online về dáng chạy chuẩn); chọn trang phục (giày, quần áo, mũ) phù hợp. Bạn ưu tiên giày có đệm êm, hỗ trợ bàn chân, mùa đông mặc ấm kín, mùa hè nắng nóng mặc rộng, thoáng, che nắng, tia UV.

Đồng thời, lưu ý khởi động đầy đủ, đúng cách trước khi chạy. Quy tắc từ từ, tăng dần lượng vận động 10%, chỉ tăng quãng đường hoặc tốc độ tối đa 10% mỗi tuần. Chọn lộ trình chạy an toàn: như công viên, đường ít xe, tránh khu vực tối hoặc vắng người.

Bạn cũng cần theo dõi thời tiết để quyết định chuẩn bị trang phục, dinh dưỡng, nước uống khi chạy, tránh chạy khi nhiệt độ trên 35 độ C hoặc dưới 10 độ C. Sử dụng áo chống nắng, đeo khẩu trang chống bụi.

Tránh cố gắng quá mức, ganh đua tùy hứng theo bạn chạy. Bạn có thể sử dụng thiết bị cảnh báo sức khỏe để theo dõi nhịp tim, cảnh báo khi vượt ngưỡng an toàn; chuẩn bị túi khẩn cấp (mang theo điện thoại và bộ sơ cứu).

Đồng thời, chuẩn bị dinh dưỡng, nước uống. Bạn nên uống 500ml nước trước khi chạy 30 phút, bổ sung gel năng lượng nếu chạy trên 10km, bù nước thường xuyên liên tục mỗi 30 phút/200 ml suốt cuộc chạy.

Chạy online an toàn khi người tham gia lắng nghe cơ thể, chuẩn bị kỹ lưỡng và sử dụng công nghệ hợp lý.

PGS.TS.BS Võ Tường Kha

Trưởng Bộ môn Y học Thể thao, Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội