"Chơi lớn" như đại gia nuôi heo Trương Sỹ Bá: Tiết lộ mua 13 công ty chỉ trong 2 tháng cuối năm 2024, đang đàm phán mua thêm 10-12 trang trại

Hồi tháng 11/2024, BAF đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Muyuan. 2 tháng cuối năm, BAF tiếp tục tiến hành M&A 13 công ty.

CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã chứng khoán BAF) vừa có buổi gặp mặt với nhà đầu tư, cung cấp thông tin về thị trường cũng như định hướng kinh doanh các năm tới của doanh nghiệp.

BAF đang đàm phán mua thêm 10-12 trang trại

Thông tin đáng chú ý, đại diện là ông Ngô Cao Cường - Phó Tổng Giám đốc BAF – cho biết sau khi tiến hành M&A 13 công ty chăn nuôi trong vòng 2 tháng kể từ cuối năm 2024, Công ty hiện vẫn đang đàm phán để thâu tóm tiếp 10-12 trang trại mới.

Hồi tháng 11/2024, BAF đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Muyuan. 2 tháng cuối năm, BAF tiếp tục tiến hành M&A 13 công ty. Hiện, các công ty trên sở hữu quỹ đất, chuồng trại, đang tiến hành hoàn tất các thủ tục pháp lý trước khi tiến hành xây dựng.

Theo ông Cường, BAF có chiến lực mở rộng trang trại với tham vọng đạt 10 triệu heo thương phẩm vào năm 2030. Hiện, doanh nghiệp đang tiếp tục đàm phán để thâu tóm thêm 10-12 công ty nữa chuẩn bị cho năm 2026, cũng như đưa heo vào trại ngay trong năm 2025 với các trang trại đã xây dựng xong.

“Nếu có cơ hội, nguồn lực, cái kết 10 triệu con heo thậm chí có thể đến sớm hơn năm 2030. Chúng tôi chưa thể trả lời kế hoạch M&A cụ thể, mà miễn thấy đất phù hợp, trang trại phù hợp, thì sẽ M&A ngay. Hiện tại, BAF đang đàm phán mua thêm 10-12 trang trại nữa để chuẩn bị cho giai đoạn sắp tới” , ông Cường nói.

Năm 2024 lãi tăng gấp 11 lần lên 324 tỷ, BAF lên kế hoạch lợi nhuận tăng tiếp 2,5 lần

Về kinh doanh, năm 2024 Công ty đạt lợi nhuận kỷ lục. Cụ thể, BAF ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.554 tỷ đồng, tăng 7% so với năm trước. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế đạt 324 tỷ đồng, tăng 969% (tương đương gấp gần 11 lần) so với năm 2023 . Như vậy, so với kế hoạch đề ra, công ty đã vượt 6% mục tiêu lợi nhuận.

Theo giải trình, Công ty cho biết kết quả này chủ yếu nhờ thị trường giá heo năm 2024 tăng mạnh, duy trì ở mức trên 60.000 đồng/kg và tiệm cận 70.000 đồng/kg. Sản lượng heo cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ, góp phần đáng kể vào tăng trưởng lợi nhuận.

Giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi trong năm 2024 cũng giảm so với trước, góp phần giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu quả chăn nuôi.

Cũng theo BAF, chênh lệch lợi nhuận luỹ kế 12 tháng một phần đã được giải thích trong quý 1 từ khoản lợi nhuận đáng kể đã được ghi nhận từ việc bán lô đất Mai Chí Thọ. Khu đất này ban đầu được dự định để phát triển tòa nhà văn phòng mới của BaF. Tuy nhiên, với việc Công ty chuyển đến địa điểm hiện tại phù hợp hơn vào năm 2023, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, việc giữ lại tài sản được cho là không cần thiết, Công ty đã quyết định chuyển nhượng để tập trung nguồn lực vào kinh doanh chăn nuôi cốt lõi.

Sang năm 2025, BAF lên kế hoạch bán ra 900.000 đến 1 triệu con heo thương phẩm, tươn đương doanh thu khoảng 6.000 tỷ đồng (tính theo mức giá 55.000-60.000/kg). Kế hoạch lợi nhuận gấp 2,5 lần thực hiện 2024.

Từ năm nay, đại diện nhấn mạnh BAF không định vị hoạt động trong mảng bán nông sản nữa vì biên lợi nhuận thấp. Thay thế, BAF hướng tới là công ty chăn nuôi trong năm 2030.

Sau năm 2030, BAF định vị là công ty thực phẩm, cung cấp cho thị trường các sản phẩm ready-to-eat (nấu sẵn), hoặc ready-to-cook (ướp sẵn).

“Hiện tại, BAF sẽ phát triển 3F (Feed-Farm-Food) để đáp ứng nhu cầu thị trường trước mắt. Tháng 4-5/2025, BAF sẽ khởi công nhà máy chế biến sâu, giết mổ, bếp trung tâm tại Bình Phước. Đất này đã làm chủ trương đầu tư, mua hơn 100 tỷ đồng từ cách đây vài năm”, ông Cường cho biết thêm.

BAF dự kiến giá heo dự kiến tiếp tục tăng trong thời gian tới

Về thị trường, theo cập nhật từ BAF, trong tháng 12/2024, chỉ số giá thịt heo toàn cầu đạt 119 điểm, tăng 7% so với cùng kỳ. Áp lực dịch bệnh từ châu Âu, Hàn Quốc và Đông Nam Á đang làm chậm lại tốc độ tăng trưởng sản xuất, cũng như hạn chế giết mổ từ Mỹ và trở ngại quy định từ EU làm thịt heo tăng giá, góp phần giúp các công ty chăn nuôi tăng trưởng và cải thiện khả năng sinh lời.

Tại Việt Nam, ngành chăn nuôi kết năm 2024 với thách thức lớn từ dịch bệnh và bão Yagi. Dù vậy, kết quả vẫn lạc quan khi giá trị toàn ngành chiếm hơn 26% GDP. Ước giá trị sản xuất chăn nuôi tăng khoảng 5.4% so với năm trước, do giá heo hơi tăng, nhóm nhỏ lẻ giảm.

Tổng đàn tăng nhẹ 4%, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước. Theo thông tin từ Tổng cục hải quan, trong 11 tháng năm 2024, nhập khẩu heo tươi, ướp hoặc đông lạnh đạt khoảng hơn 100 ngàn tấn, giá trị 228 triệu USD (giảm 17.2%). Việt Nam hiện nhập thịt heo từ hơn 40 thị trường, chủ yếu là Brazil, Nga và Canada.

Đối với dịch bệnh ASF, đại diện BAF chia sẻ đã xuất hiện chủng mới gây ra tình trạng mãn tính, giảm số lượng heo khỏe mạnh. Dự kiến, tình hình dịch bệnh ASF trên thế giới diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

Tương tự, ASF tại Việt Nam tiếp tục hoành hành với nhiều biến chủng mới. Cả nước có gần 1.6 ngàn ổ dịch mới, tăng 79% so với cùng kỳ tại 48 tỉnh và gấp 2.5 lần tại 20 tỉnh. Điều này gây áp lực đến nguồn cung heo trong thời gian tới.

Riêng quý 4, ASF cùng hệ quả từ cơn bão Yagi đã tàn phá chuồng trại, và Luật chăn nuôi mới có hiệu lực từ 01/01/2025 tác động mạnh đến nguồn cung heo. Lượng heo chạy dịch, nông hộ bán mạnh trước khi đóng cửa làm tăng nguồn cung, khiến giá cuối năm quay đầu giảm. Giá heo không tăng trong dịp Tết vì chạy dịch lở mồm long móng.

Ở diễn biến khác, giá heo có xu hướng tăng sau dịp Tết, lên gần 73.000 đồng/kg, do nguồn cung khan hiếm. Tại miền Nam, nơi có tác động của heo nhập lậu từ Campuchia, giá thậm chí cao hơn miền Bắc. Điều này cho thấy sự khan hiếm do các nhà sản xuất đang thu hẹp dần chứ không còn là nhất thời. BAF dự kiến giá heo dự kiến tiếp tục tăng trong thời gian tới.