![]() |
YouTuber Tzuyang trả lời các câu hỏi của báo chí trước đồn cảnh sát Gangnam ở phía nam Seoul. Ảnh: Yonhap. |
Tzuyang, một trong những YouTuber mukbang (phát sóng cảnh ăn uống) nổi tiếng nhất Hàn Quốc với hơn 1 triệu lượt theo dõi, đang vướng vào vụ việc gây xôn xao dư luận liên quan đến hành vi bị cho là theo dõi và quấy rối từ một YouTuber khác. Sự việc kéo dài suốt nhiều tháng qua, thu hút sự quan tâm lớn từ công chúng, đặc biệt sau khi phía Tzuyang lên tiếng chỉ trích quá trình điều tra thiếu công bằng và thiếu minh bạch.
Mới đây, cảnh sát Hàn Quốc đã quyết định thay đổi đội ngũ điều tra phụ trách vụ án nhằm giải quyết những lo ngại về tính công bằng và quy trình xử lý vụ việc. Đây được xem là bước đi quan trọng trong bối cảnh phía Tzuyang liên tục yêu cầu có một cuộc điều tra minh bạch, đúng pháp luật.
Cụ thể, Sở cảnh sát quận Gangnam (Seoul) cho biết vụ việc đã được chuyển từ Đội Hình sự 1 và Đội Điều tra 2 sang Đội Hình sự 2. Quyết định được đưa ra vào ngày 16/4.
Cảnh sát cũng cho biết vụ án - bao gồm cả các yêu cầu điều tra bổ sung từ phía Viện Kiểm sát - sẽ tiếp tục được xử lý "theo đúng pháp luật và quy trình phù hợp".
Trước đó cùng ngày, Tzuyang, tên thật là Park Jeong-won, đã có mặt tại đồn cảnh sát Gangnam để hợp tác điều tra, nhưng rời đi sau khoảng 40 phút vì cho rằng quá trình làm việc không đảm bảo quyền lợi cho cô.
![]() |
Tzuyang có hàng triệu lượt xem trên YouTube, là mukbanger có thu nhập cao ở Hàn Quốc. Ảnh: Tzuyang/YouTube. |
Luật sư của cô, bà Kim Tae-yeon, lên tiếng chỉ trích cách xử lý vụ việc của lực lượng chức năng. Bà cho rằng các điều tra viên “không xem Tzuyang là nạn nhân” và cũng “không thể hiện bất kỳ nỗ lực nào để bảo vệ cô ấy”. Ngoài ra, luật sư Kim cũng cho biết phía cảnh sát không cung cấp thông tin liên quan đến yêu cầu điều tra bổ sung từ phía công tố, khiến họ nghi ngờ nghiêm trọng về tính công bằng của quy trình.
“Tôi hy vọng vụ điều tra sẽ được thực hiện một cách công bằng để không có thêm nạn nhân nào phải chịu đựng”, Tzuyang chia sẻ sau buổi làm việc. Được biết, nhóm pháp lý của cô đang xem xét việc nộp đơn yêu cầu thay thế điều tra viên.
Theo luật sư Kim, từ tháng 7 đến tháng 10 năm ngoái, ông Kim Se-ui - người điều hành kênh YouTube Hoverlab - đã đề cập đến Tzuyang hơn 30 đến 40 lần, với những nội dung được cho là mang tính quấy rối và công kích cá nhân. Trước đó, Tòa án đã ban hành hai lệnh cấm tạm thời, xác định ông Kim có hành vi theo dõi và yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi quấy rối đối với nạn nhân.
Kim Se-ui từng bị cáo buộc đăng tải nhiều hình ảnh và phát ngôn liên quan đến Tzuyang trên kênh YouTube của mình từ ngày 30/7/2024, trong đó có cả những cáo buộc cá nhân như trốn thuế.
Vào tháng 2, cảnh sát từng quyết định khép lại vụ việc với lý do “thiếu bằng chứng”. Tuy nhiên, sau khi Tzuyang gửi đơn phản đối, Văn phòng Công tố quận trung tâm Seoul đã chấp nhận và ra lệnh điều tra bổ sung.
Hiện công chúng Hàn Quốc đang theo dõi sát diễn biến vụ việc, bởi Tzuyang là một trong những YouTuber nổi tiếng, có sức ảnh hưởng và thu nhập cao nhất nước, với hơn 1 triệu người theo dõi và nhiều video đạt hàng triệu lượt xem.
Đừng làm việc quá sức
Theo tác giả James Suzman, Đông Á được coi là khu vực đang phải chịu hậu quả nặng nề từ thực trạng nhân viên làm việc quá sức. Những con số đáng báo động về "văn hóa 996" ở Trung Quốc, hiện tượng "karoshi" (làm việc đến chết) tại Nhật Bản... được đề cập trong cuốn sách Lịch sử việc làm khiến chúng ta phải giật mình.