Giá loại “hạt vàng” này tăng mạnh nhất nửa thế kỷ, đẩy lạm phát tại Nhật Bản tăng trên 3% trong 4 tháng liên tiếp

Giá gạo tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái dù chính phủ Nhật Bản đã mở kho dự trữ gạo nhằm kìm hãm đà tăng.

Giá loại “hạt vàng” này tăng mạnh nhất nửa thế kỷ, đẩy lạm phát tại Nhật Bản tăng trên 3% trong 4 tháng liên tiếp- Ảnh 1.

Chỉ số giá tiêu dùng lõi (CPI) của Nhật Bản trong tháng 3 đã tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do giá gạo tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn 50 năm.

Theo số liệu từ Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, giá gạo trong tháng 3 tăng 92,1% so với năm trước. Đây là mức tăng cao nhất kể từ khi bắt đầu thống kê vào năm 1971. Diễn biến này cho thấy những thách thức mà chính phủ Nhật đang đối mặt trong nỗ lực kiểm soát lạm phát thông qua việc đưa gạo dự trữ ra thị trường.

Đây là tháng thứ tư liên tiếp CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm, tăng trên 3%.

Giá trung bình 5kg gạo tại siêu thị trong tuần kết thúc vào ngày 6/4 đã tăng 14 tuần liên tiếp, đạt mức 4.214 yên (29,6 USD), theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Nhật Bản. Mức giá này cao hơn 8 yên so với tuần trước đó và gấp đôi cùng kỳ năm ngoái (2.068 yên).

Theo ông Daisuke Komaeda – nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu NLI, giá gạo tăng do nguồn cung giảm vì diện tích canh tác bị thu hẹp, cùng với nhu cầu tăng từ các nhà hàng khi ngành du lịch và dịch vụ ăn uống phục hồi hậu COVID-19.

Nguồn cung gạo tại Nhật Bản gần đây trở thành tâm điểm chú ý sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu rằng: “Nhật Bản không muốn chúng ta bán gạo cho họ”. Nhật Bản gần như tự cung tự cấp được gạo và chính phủ nước này vẫn dè dặt tăng cường nhập khẩu.

Ngày 18-4, Bộ trưởng Nông nghiệp Taku Eto tuyên bố rằng phụ thuộc vào nguồn cung thực phẩm thiết yếu từ nước ngoài không có lợi cho an ninh lương thực của Nhật Bản.

Nếu nhập khẩu vượt quá quota, mỗi kg gạo chịu mức thuế 341 yên. Trong khi đó, Nhật Bản vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu các loại thực phẩm khác.

Chính phủ Nhật Bản dự trữ khoảng 1 triệu tấn gạo để đề phòng khủng hoảng lương thực.

Trước đây, gạo dự trữ chỉ được xuất kho khi xảy ra mất mùa hoặc các tình huống khẩn cấp như động đất. Tuy nhiên, từ mùa hè năm ngoái, mối lo thiếu gạo đã lan rộng trong hệ thống bán lẻ, buộc chính phủ phải cân nhắc lại chính sách.

Ban đầu, chính phủ không muốn tung gạo dự trữ, cho rằng tình trạng thiếu hụt sẽ giảm khi thu hoạch vụ mùa mới. Tuy nhiên, ngay cả khi vụ mới bắt đầu bán ra vào mùa thu 2024, giá vẫn không giảm. Đến cuối tháng 1 năm nay, chính phủ Nhật đã thay đổi chính sách và điều chỉnh quy định về việc sử dụng gạo dự trữ.

Bộ Nông nghiệp Nhật Bản đã tổ chức hai phiên đấu giá các kho gạo dự trữ vào tháng 3 với tổng khối lượng 210.000 tấn, và một phiên đấu giá thứ ba dự kiến diễn ra vào 23-4.

“Việc tung gạo dự trữ ra thị trường có thể giúp giảm giá phần nào nhưng sẽ không đủ để đưa giá trở về mức của năm ngoái”, ông Komaeda nhận định. “Nếu thời tiết không diễn biến bất lợi, giá có thể ổn định từ tháng 8 hoặc tháng 9 khi sản lượng vụ mùa năm nay trở nên rõ ràng”.

Theo Nikkei Asia