Cô dâu bị nhóm đàn ông trói vào cột điện ở Trung Quốc

Cảnh tượng cô dâu gào khóc, cố gắng trốn thoát khi bị nhóm đàn ông buộc người vào cột điện gây tranh cãi trên mạng xã hội.

Cô dâu bị nhóm bạn thân chú rể trói vào cột điện trong tục náo hôn.

Ngày 23/9, đoạn video ghi lại cảnh một số người đàn ông trói một cô dâu mặc trang phục cưới truyền thống vào cột điện lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc. Vụ việc xảy ra ở tỉnh Sơn Tây, miền Bắc nước này.

Cô dâu kêu khóc xin giúp đỡ và cố gắng trốn thoát nhưng không ai can thiệp, theo South China Morning Post.

Một người bạn của chú rể, họ Yang, nói với tờ Fengmian News rằng những người đàn ông là bạn từ nhỏ của chú rể. "Trò đùa" này cũng đã được cả cô dâu và chú rể thống nhất từ trước.

"Việc tạo ra một chút náo nhiệt tại các đám cưới là phong tục địa phương của chúng tôi, tất cả diễn ra giữa những người bạn tốt. Không có gì gây hại cả", Yang nói.

Yang cho biết thêm chú rể cũng có mặt khi sự việc diễn ra và mọi người đều trông chừng sự an toàn của cô dâu. Yang kêu gọi mọi người không hiểu lầm tình hình. Tuy nhiên, vụ việc vẫn gây phẫn nộ và bị chỉ trích trên mạng xã hội Trung Quốc.

"Tạo niềm vui trên sự đau khổ của người khác thật kinh tởm", một người bình luận.

Một người khác viết: "Nếu có chuyện gì xảy ra với cô dâu, ai sẽ chịu trách nhiệm?".

tuc nao hon anh 1

Một người bạn tuyên bố cô dâu chú rể đã đồng ý từ trước song vụ việc vẫn hứng nhiều chỉ trích.

Ngày 24/9, chính quyền địa phương đưa ra một tuyên bố về vụ việc, trong đó Yang và những người liên quan gửi lời xin lỗi về hành động của mình. Tuyên bố cũng cho biết chính quyền địa phương sẽ tăng cường thúc đẩy phong tục cưới xin văn minh và khuyến khích người dân bỏ các tập tục lỗi thời.

Tại Trung Quốc, náo hôn được nhiều người xem là nét đặc trưng trong đám cưới truyền thống, nhằm tạo ra bầu không khí vui vẻ cho sự kiện. Tục này có nguồn gốc từ nhiều thế kỷ trước, liên quan đến việc gia đình và bạn bè dùng tiếng cười để xua đuổi tà ma.

Tuy nhiên trong một số đám cưới ngày nay, hủ tục này bị lợi dụng trở thành những trò đùa thô tục, quá trớn.

Một người làm trong ngành tổ chức tiệc cưới ở Vũ Hán cho biết anh từng thấy khách mời buộc chuối hoặc dưa chuột vào chú rể để cô dâu cắn, hoặc bắt chú rể lột đồ để tạo dáng cùng cô dâu.

Những vụ việc gây sốc tương tự cũng không phải là hiếm ở Trung Quốc. Tháng 6/2023, video lan truyền cho thấy cảnh một nhóm đàn ông ở Vân Nam kéo hai phù dâu trong đám cưới ra từ cốp xe hơi, dùng băng dính trói họ vào một cây cột cạnh đường, châm lửa đốt pháo ngay dưới chân các cô gái, sau đó bỏ chạy. Khi tia lửa và khói dày đặc bao trùm, hai cô gái cố gắng lấy tay che bảo vệ khuôn mặt còn xung quanh không ai đứng ra giúp đỡ.

Tháng 1 cùng năm, trong đám cưới ở Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông, một nhóm đàn ông cố ép cô dâu xuống đất, sau đó một vài người trong số họ trèo lên người cô để tạo thành một kim tự tháp người. Nhóm đàn ông sau đó đã xịt bọt trắng lên đầu cô dâu và ngăn cản khi cô cố gắng thoát ra. Sau đó, một số đàn ông dùng vũ lực giữ đầu cô dâu và chú rể, bắt họ phải tỏ lòng kính trọng với nhau để hoàn thành màn náo hôn.

Theo một cuộc khảo sát của Xinlang Entertainment, hơn 78% dân mạng Trung Quốc cho rằng trêu chọc cô dâu trong đám cưới là không tôn trọng phụ nữ. Theo CCTV, tục náo hôn không còn phù hợp và có 70% người dân Trung Quốc thấy xấu hổ với tục lệ này.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.