Cô gái đi làm bằng máy bay mỗi tuần

Sophia Celentano (21 tuổi, Mỹ) gây sốc cho cộng đồng mạng khi quyết định đi làm bằng máy bay mỗi tuần để tiết kiệm tiền thuê nhà và sinh hoạt phí, theo Independent. 

Sophia sống ở thành phố Charleston (bang Nam Carolina) và hiện là thực tập sinh Marketing cho một công ty quảng cáo ở thành phố New York trong mùa hè này. Hàng tuần, cô có mặt tại văn phòng một lần/tuần, làm việc từ 9 giờ đến 17 giờ.

Trong clip ghi lại hành trình đi làm, nữ sinh chia sẻ thông tin chi tiết về tuyến đường đi làm hàng tuần của mình. Trong ngày đầu đi làm, Sophia khởi hành từ nhà bạn trai ở Richmond (bang Virginia) và bắt chuyến bay lúc sáng sớm đến sân bay quốc tế Newark Liberty ở New Jersey - một bang giáp với tiểu bang New York.

Dậy đi làm lúc 3 giờ sáng

Để kịp giờ, Sophia phải thức dậy vào 3h sáng, có mặt ở sân bay lúc 4h, sau đó máy bay khởi hành lúc 6h và đến lúc 7h30. Từ đó, nữ sinh di chuyển bằng taxi công nghệ đến chỗ làm. Tan làm vào cuối chiều, Sophia bắt chuyến bay về nhà của mình ở bang Nam Carolina.

"Tôi đến sớm vào ngày đầu tiên vì thấy lo lắng và muốn tạo ấn tượng tốt đẹp ban đầu. Những tuần sau, tôi sẽ đặt chuyến bay muộn hơn một chút", cô kể.

di lam bang may bay anh 1

Sophia Celentano (21 tuổi) đến văn phòng vào thứ 4 hàng tuần. Ảnh: NY Post.

Giải thích về lý do lựa chọn hình thức di chuyển này, Sophia cho biết số ngày cô đến văn phòng không nhiều, cộng với chi phí trả tiền vé máy bay vẫn rẻ hơn so với việc thuê nhà ở New York trong suốt 3 tháng hè.

Chia nhỏ các chi phí, một lần đi làm tốn hơn 100 USD mỗi tuần cho các chuyến bay, 100 USD cho tiền taxi đi lại và 25 USD cho đồ ăn. Con số cuối cùng rơi vào khoảng 2.250 USD cho 10 tuần thực tập.

So với thuê nhà ngắn hạn cộng với chi phí sinh hoạt, ước tính khoảng 4.250 USD, cô cho rằng quãng đường đi làm khoảng 965 km từ quê nhà đến New York đáng để bỏ thêm tiền.

Theo trang web đặt vé máy bay Expedia, các chuyến bay khứ hồi từ Nam Carolina đến New Jersey có giá khởi điểm là 54 USD.

Sophia cũng nói thêm cô không muốn sống ở vùng ngoại ô New Jersey bên ngoài thành phố New York. "Ngay cả sống gần chỗ làm, thời gian đi lại cũng tốn ít nhất một tiếng rưỡi mỗi ngày vì tắc đường, kẹt xe".

Ngoài ra, cô gái chủ yếu muốn dành thời gian cho người thân sau nhiều tháng đi học xa nhà.

“Tôi thích sự linh hoạt khi ở quê nhà. Tôi có thể dễ dàng đi thăm bạn bè hoặc bạn trai. Tôi ưu tiên việc đó hơn là trả tiền thuê nhà ở một nơi mà tôi không thực sự muốn sống".

di lam bang may bay anh 2

Dưới sự tính toán của cô gái, việc di chuyển bằng máy bay tốn nhiều thời gian hơn, song lại là một bài toán tiết kiệm hiệu quả, so với việc thuê nhà cố định gần nơi thực tập. Ảnh minh họa: Fortune.

Sophia cũng lưu ý rằng việc đi làm là do mình tự quyết định và đã “minh bạch” với người quản lý về kế hoạch đi lại của mình. “Nhiều người bình luận cho rằng tôi đang nói dối công ty nhưng phía tôi thực tập đã nắm rõ hoàn cảnh, nơi ở của tôi trước khi tôi được thuê”, cô giải thích.

"Tôi hiểu cách thức này nghe rất kỳ quặc, song nó hiệu quả với tôi. Nhiều người nghĩ rằng tôi đang tự gây kiệt quệ tinh thần và sức khỏe cho bản thân, song điều đó không quá khó khăn. Tôi vốn đi du lịch rất nhiều và ưa vận động", nữ sinh viên nói thêm.

Song, Sophia thừa nhận phần khó nhất của chuyện đi làm này là việc phải tỉnh dậy lúc 3h sáng, cộng với thời gian "chết" khi phải chờ đợi vài tiếng đồng hồ ở sân bay cho chuyến bay về nhà.

Sau khi Sophia chia sẻ câu chuyện của mình, nhiều người dùng cho biết họ không tin lại có hành trình đi làm như vậy. Các bình luận trái chiều nổ ra, với đông người cho rằng kỳ thực tập của sinh viên không đáng để mất công sức nhiều như vậy.

"Tôi sẽ khóc nếu kết thúc ca làm việc và nhận ra rằng mình vẫn phải lên máy bay để về nhà", một người bình luận. "Đó không phải là một ngày đi làm bình thường, đó là một chuyến công tác", một tài khoản khác châm biếm.

Mặt khác, một số thấy lời giải thích của nữ sinh viên thuyết phục được họ, nhất là khi New York vốn nổi tiếng bởi mức sinh hoạt phí quá đắt đỏ. Vài người gợi ý Sophia nên kết bạn với đồng nghiệp của mình để có lựa chọn thay thế trong trường hợp lỡ mất chuyến bay về nhà.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.