Bệnh nhân 3 tháng đau mất ăn mất ngủ
"Zona thần kinh có thể gây ra nhiều biến chứng, nhưng biến chứng hay gặp nhất là đau, gặp ở hơn 50% bệnh nhân.
Với cơn đau cấp tính, điều trị 1-3 tháng là khỏi, còn cơn đau chuyển sang mãn tính, người bệnh thậm chí chịu đựng sự đau đớn nhiều năm liền, ảnh hưởng chất lượng sống", bác sĩ Nguyễn Ngọc Dự thông tin tại cuộc thảo luận bàn tròn về Chủng ngừa ở người lớn và dự phòng bệnh zona, do Tổng Hội Y học Việt Nam phối hợp với GSK Việt Nam tổ chức.
Bệnh zona, còn được gọi là herpes zoster (HZ), gây ra do sự tái hoạt động của virus varicella-zoster (VZV), cùng loại virus gây bệnh thủy đậu. Đây là căn bệnh phổ biến, khiến người bệnh rất đau đớn, thậm chí có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng và kéo dài.
Dấu hiệu điển hình của zona là dải mụn nước, phát ban, đau rát vùng tổn thương và không đối xứng. Khi mắc bệnh, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng zona vùng mắt, gây giảm thị lực, thậm chí mất thị lực một bên.
Bệnh nhân khi khỏi, có nguy cơ để lại sẹo, thâm, liệt dây thần kinh số 5 gây méo, lệch mặt. Nhiều bệnh nhân bị đau mãn tính nhiều tháng, nhiều năm sau khi mắc zona.
Bác sĩ Dự chia sẻ về trường hợp nam bệnh nhân ở Hà Nội, vào viện sau 3 tháng mắc zona. Bệnh nhân đau đến không thể ngủ suốt 3 tháng. "Đặc trưng cơn đau do zona gây ra thường khởi phát vào chiều tối và đêm, người bệnh không có giấc ngủ sinh lý, mệt mỏi, stress.
Sau 2 tuần điều trị kiểm soát cơn đau, bệnh nhân đã ổn và ra viện.
Theo các bác sĩ, cơn đau do zona gây ra ám ảnh người bệnh. Nó được xếp vào đau hơn đau đẻ; đau hơn các bệnh mãn tính như cơ xương khớp, ung thư gây ra. Cơn đau vượt quá sức chịu đựng của người bệnh, khiến nhiều người cần sự hỗ trợ y tế.
90% người trên 50 tuổi mang virus gây bệnh zona
Tại sự kiện, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, phần lớn người lớn trên 40 tuổi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều mang virus zona trong người, từ đó gây nên tỷ lệ mắc zona ở khu vực này cao.
"Trung bình cứ 3 người lớn trưởng thành có một người có nguy cơ mắc zona. Nguy cơ tăng cao từ tuổi 50 liên quan miễn dịch cơ thể, với 90% người ở lứa tuổi này có virus gây bệnh zona trong người", GS Kính cho biết.
Một số liệu bác sĩ Dự thu thập được khi làm ở Bệnh viện Da liễu Trung ương cho thấy, trong 2 năm 2022-2023, trong khoảng 2000-2600 ca zona/năm, số bệnh nhân trên 50 tuổi chiếm 60%.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam, hiện nay có nhiều bệnh truyền nhiễm có thể được phòng ngừa bằng vaccine.
Việc phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm từ sớm sẽ góp phần làm giảm gánh nặng bệnh tật và nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời giảm gánh nặng cho ngành y tế.
GS Kính cho biết, hệ miễn dịch suy giảm dần theo thời gian được gọi là quá trình lão hóa miễn dịch, khiến cơ thể ngày càng dễ bị tác động bởi các yếu tố gây bệnh. Tình trạng lão hóa miễn dịch trở nên rõ rệt, nghiêm trọng hơn theo độ tuổi, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng và các vấn đề sức khỏe.
GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam chia sẻ, zona là một trong những bệnh có thể gây ảnh hưởng lâu dài và nghiêm trọng, đặc biệt với người có bệnh nền như đái tháo đường.
Zona không chỉ gây ra cơn đau dữ dội kéo dài mà còn liên quan đến mất kiểm soát đường huyết, thậm chí gây biến chứng cấp như nhiễm toan ceton, có thể ảnh hưởng đến tiên lượng bệnh. Do đó, việc chủ động phòng ngừa zona là vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe và hạn chế nguy cơ biến chứng ở nhóm bệnh nhân đái tháo đường.
Bên cạnh các biện pháp dự phòng bệnh tật như tập thể dục, không hút thuốc, ăn uống lành mạnh hay tầm soát bệnh mãn tính thì chủng ngừa đóng một vai trò quan trọng trong việc góp phần nâng cao sức khỏe cho người lớn.
Tại sự kiện, ban tổ chức cũng chính thức cho ra mắt tài liệu tham khảo "Dự phòng bệnh zona bằng vaccine". Cuốn sách tập hợp các thông tin về đặc điểm bệnh lý, biến chứng, dịch tễ học của bệnh zona, đồng thời cập nhật các biện pháp dự phòng bệnh zona hiện nay có thể áp dụng tại Việt Nam.