Con rể mời mẹ vợ về sống chung, tặng trang sức tiền tỷ

Mời mẹ vợ về sống chung nhà, anh Thông còn tặng mẹ vợ bộ trang sức kim cương trị giá 1 tỷ đồng.

Xuất hiện trong chương trình Mẹ chồng nàng dâu tập 361, gia đình anh Trần Thái Thông (TP Cần Thơ) gây ngạc nhiên cho nhiều người khi gia đình có tới 3 bà thông gia sống chung nhà.

Bà Trần Thị Mải (55 tuổi) cho biết từ ngày 2 con kết hôn, bà được các con mời tới sống cùng, đến nay đã được 5 năm. Bà Nguyễn Thị Minh Hiền - mẹ đẻ anh Thông cho biết, sống cùng 2 bà còn có mẹ đẻ của một con dâu khác, tức là 3 bà sống chung một nhà.

me vo con re anh 1

Anh Thông cùng vợ, mẹ đẻ, mẹ vợ xuất hiện trong chương trình.

Bà Mải chia sẻ suốt thời gian chung sống, bà và con rể chưa từng có xích mích. Cả hai đều nhận xét về người kia là “hiền, ít nói” nên rất hợp tính nhau. Thậm chí, bà thông gia cũng coi bà như chị em, ăn chung, ngủ chung giường, đi đâu cũng có nhau.

Bà nhớ lại ngày đầu tiên con gái đưa anh Thông về ra mắt, bà chưa hề xác định anh sẽ là con rể mình, mà chỉ nghĩ là bạn của con. "Hồi đó, tôi đang xây nhà, nên cũng nhờ con bê đồ giùm, thấy mặt tái xanh, vừa hiền vừa yếu…". Đến khoảng nửa năm sau, thấy anh qua lại nhà trọ của con gái nhiều lần, bà mới nghĩ “chắc đây sẽ là con rể mình”.

Vì bà Mải chỉ có một thân một mình nuôi 2 con nên anh Thông cho biết, ngay từ trước khi cưới, anh xác định sẽ có trách nhiệm nuôi mẹ vợ.

Bà Mải rất trân quý tấm lòng của con rể. Nhiều lần, anh còn nhắc vợ “mẹ thiếu gì thì mua cho mẹ”. Lần anh khiến bà cảm động nhất có lẽ là dịp sinh nhật bà đầu tiên sau khi anh làm rể.

“Trước giờ tôi không biết sinh nhật là gì. Ngày xưa cuộc sống chật vật lắm, một mình nuôi 2 đứa con, thích đeo vàng nhưng không có mà đeo. Năm đó, 2 đứa tổ chức sinh nhật bất ngờ cho tôi. Con rể tặng tôi nguyên một bộ trang sức kim cương, khiến tôi vừa hạnh phúc vừa xúc động. Tôi vui vì con gái mình có một người chồng tốt, biết thương vợ, thương cả mẹ vợ. Tôi đã bật khóc - giọt nước mắt của hạnh phúc”.

Anh Thông nói sở dĩ anh tặng mẹ trang sức vì anh là thợ bạc, chuyên chế tác vàng bạc, kim cương. Anh cũng hiểu phụ nữ ai cũng thích đeo trang sức và mẹ đã chịu nhiều vất vả, khó khăn trong cuộc sống để nuôi các con, vì thế anh muốn bù đắp cho bà khi có cơ hội.

Không chỉ có hiếu với mẹ vợ, anh Thông còn được bà Mải khen là “chăm con khỏi chê”. Đến nỗi, con anh chỉ theo bố, làm gì cũng gọi bố.

Bà Nguyễn Thị Minh Hiền - mẹ đẻ anh Thông cho biết từ ngày ông xã mất, con dâu sinh em bé, bà dọn đến sống chung nhà với các con và bà thông gia để tiện giúp các con chăm cháu. Hàng ngày, 2 bà chia nhau công việc phụ giúp các con - người chăm cháu, người đi chợ, nấu cơm. Cả 3 bà yêu thương, nhường nhịn nhau, chưa từng có mâu thuẫn.

Cũng xuất hiện trong chương trình, chị Nguyễn Thị Hiền Nhiên - vợ anh Thông chia sẻ, chị rất may mắn khi được sống cùng 2 mẹ, được 2 mẹ hỗ trợ rất tích cực trong việc chăm sóc con cái và việc nhà.

Sống chung với mẹ chồng, chị cảm thấy rất thoải mái, thậm chí chị nói chuyện với mẹ chồng còn nhiều hơn mẹ đẻ. “Nhiều hôm, em nói chuyện với mẹ đến 11-12h đêm”.

Chị Nhiên cũng rất được lòng mẹ chồng và được bà yêu thương, bao dung như con đẻ. Bà bảo, con dâu nóng tính nhưng có cái tâm tốt, biết kính trên nhường dưới. Chính vì thế nên mỗi lần con dâu nóng, bà đều bảo con trai nín nhịn, đợi vợ nguôi ngoai. Anh Thông hài hước chia sẻ, sau nhiều lần “cãi” vợ, mất công giảng hoà, anh đã rút kinh nghiệm, “thấy căng thẳng là nín”.

Bà Hiền cho biết, bà luôn dặn con trai là đàn ông phải nhường vợ. Bởi vì nếu con dâu đã nóng, mình lại đổ thêm dầu vào lửa, khiến các con to tiếng, bất hoà thì bà cũng đâu có vui vẻ được.

Chị Nhiên bộc bạch, vì mẹ chồng và chồng rất bao dung, nhường nhịn nên lâu dần chị cũng tự kiềm chế, bớt nóng lại, bớt “động chân động tay” với anh.

Cuối chương trình, anh Thông lại một lần nữa gây bất ngờ cho 2 mẹ bằng một món quà có giá trị rất lớn. Mỗi bà được anh chị tặng một bộ trang sức kim cương do chính tay anh thiết kế và chế tác, trị giá 1 tỷ đồng/bộ. Bà Mải và bà Hiền đều xúc động trước tấm lòng của các con dành cho mình.

Tuổi trẻ vô định và dễ sa ngã

Màu xanh trong suốt là tác phẩm đầu tay của Ryu Murakami, đoạt giải Akutagawa danh giá năm 1976, đưa tên tuổi tác giả lên hàng nổi bật của văn học đương đại Nhật Bản. Cuốn sách cuồng loạn này kể về nhân vật Ryu cùng nhóm bạn của mình, những người mà tác giả mô tả là gần như không có một mục đích sống. Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.