Tốt nghiệp Cao đẳng Truyền hình, Đào Duy Tài (sinh năm 1992) có 10 năm làm việc tại Đà Nẵng.
Dù đam mê và yêu thích, Tài thừa nhận mình gặp nhiều căng thẳng, áp lực trong công việc. Từ đầu năm nay, anh thường xuyên mất ngủ. Cùng lúc đó, cha mẹ ở quê đã có tuổi, thường xuyên nhập viện.
"Tôi ám ảnh về việc một ngày nào đó sẽ hối hận khi không thể về kề bên lúc cha mẹ cần".
Tháng 4 vừa qua, anh quyết định nghỉ việc, trở về quê ở xã vùng núi Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam sinh sống để được gần gia đình.
“Một phần vì cha mẹ, một phần tôi muốn được sống tích cực và chăm sóc sức khỏe của mình hơn”, Tài nói. Cha mẹ anh sau khi nghe quyết định của con cũng ủng hộ.
Duy Tài trở về quê sinh sống sau thời gian dài. |
Bắt đầu lại
Ngoài cấp trên và gia đình, Tài gần như không nói trước với ai về quyết định bỏ cuộc sống ở thành phố. Đến khi mọi người biết, anh liên tục nhận tin nhắn, điện thoại từ đồng nghiệp, người quen, họ bất ngờ vì “không ai nghĩ có một ngày thằng Tài mê việc như thế lại nghỉ”. Một số người thậm chí ngỏ ý giúp anh tìm công việc khác.
Khi về quê, Tài có trong tay 60 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ trả dần một khoản nợ từ trước và sinh hoạt cùng gia đình trong khoảng nửa năm. Chỉ có bộ máy ảnh, máy quay phim, chàng trai không muốn bán để trang trải cuộc sống mà giữ lại để lưu giữ kỷ niệm ngày còn đi làm.
Tài sửa sang lại nhà kho của gia đình thành căn bếp. |
Những ngày đầu về quê, Tài cùng Hiếu, một người bạn cũng bỏ phố về quê, đều sợ “ở không”, sợ cảm giác lười biếng nên đi dọn dẹp từng ngõ ngách trong nhà. Thấy phía sau vườn có một nhà kho bằng gỗ dùng chứa đồ cũ, Tài nảy ra ý tưởng sửa sang lại, dựng thành căn bếp nhỏ.
“Tôi muốn tranh thủ nấu nướng cho cha mẹ, cũng là để ôn lại những kỷ niệm ngày còn nhỏ", Tài giải thích.
Cũng từ đây, bằng kỹ năng ghi hình, quay chụp từ ngày đi làm, hai người bạn tranh thủ làm một ít video và chia sẻ lên mạng xã hội, nhận được nhiều sự ủng hộ của người quen, bạn bè.
"Khá bất ngờ vì được mọi người theo dõi và yêu mến. Trước đó, tôi còn trộm nghĩ có lẽ không ai quan tâm tới cuộc sống ở quê của mình".
"Đây là lần đầu tiên tôi 'thật sự' nấu một bữa ăn cho cha mẹ. Trong quá khứ cũng có, nhưng bây giờ mới thật sự để tâm vào đó', Tài nói thêm.
5h dậy, 22h ngủ
Về quê, chàng trai sinh năm 1992 dần quen lại với nếp sống vốn tưởng đã quên ở quê nhà. Hàng ngày, anh dậy từ 5h sáng, trễ lắm thì 6-7h, chủ yếu loanh quanh với cha mẹ gần nhà.
Tối, khoảng 21-22h, anh sẽ đi ngủ sớm. Những cơn đau đầu và chứng khó ngủ bắt đầu giảm bớt.
Quanh nhà, cha mẹ tự chăn nuôi và trồng rau ăn, cuộc sống gần như tự cung tự cấp. Cả nhà chủ yếu chỉ cần duy trì chi phí điện nước và nhu yếu phẩm cần thiết.
"Bữa ăn gia đình đơn giản nhưng cũng chất lượng hơn vì tôi mày mò, tìm nhiều công thức nấu. Mỗi tháng, tôi gửi thêm cha mẹ một khoản để lo ăn uống. Dù cuộc sống ở quê không khắc nghiệt nhưng tôi cũng biết mình chưa có thu nhập, điều này cũng cần phải tự hài lòng so với trước đây sống ở thành phố".
Tài hiện chủ yếu dành thời gian bên gia đình và phát triển hướng đi mới. |
Đánh giá cuộc sống hiện tại, Tài thấy mình có thêm thời gian dành cho cha mẹ, thêm thời gian sống chứ không chỉ vùi đầu vào công việc như trước.
Ngoài ra, đây có lẽ là lần đầu tiên anh thật sự cảm nhận được những điều bình dị, vẻ đẹp của làng quê nơi mình sinh ra.
“Trước đây, về nhà là những lần vội vàng, nhanh chóng để trở lại thành phố. Dù sinh ra và lớn lên ở đây, đến giờ tôi mới thật sự nhìn ngắm từng ngôi nhà ở đây".
Sách chữa lành tại Việt Nam
Chia sẻ với Zing, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.